4 nội dung chuyển đổi số tại xã Yên Hoà
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III năm 2020 diễn ra ngày 7/9/2020, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình đã thông tin về quá trình triển khai chuyển đổi số tại xã Yên Hoà, tỉnh Ninh Bình.
Ông Hải cho biết: Yên Hòa là một xã miền núi, thuộc Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với diện tích 802,03 ha đất nông nghiệp, có 7.557 nhân khẩu, 2.301 hộ gia đình, tỷ lệ lao động có việc làm 4.606 lao động, thu nhập bình quân 48,12 triệu/người/năm, không có hộ nghèo. Xã có 10/10 thôn xóm được kết nối Internet; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao trên 70%; số hộ dân tiếp cận sử dụng Internet, chiếm 90%; 100% cơ quan có máy tính và kết nối Internet.
100% cán bộ có email, sử dụng phần mềm trong điều hành (quản lý văn bản và điều hành, website, zalo, email, hội nghị truyền hình). Hội nghị truyền hình được triển khai tới tất cả 164 điểm cầu từ cấp tỉnh xuống xã. Trình độ CNTT cán bộ cấp xã đủ đáp ứng cho yêu cầu công việc. Trong thời gian tới, xã sẽ hoàn thiện thủ tục cấp chữ ký số để thực hiện áp dụng cho các văn bản điều hành, tác nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, Yên Hòa là một xã nông thôn mới, có thuận lợi là được lãnh đạo từ tỉnh xuống xã đều quan tâm. Lãnh đạo xã mong muốn thực hiện, thí điểm chuyển đổi số với quyết tâm để trở thành xã thông minh.
Với những thuận lợi và nhu cầu của xã Yên Hoà, Sở TT&TT Ninh Bình đã phối hợp cùng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT khảo sát và thống nhất chọn 4 nội dung triển khai chuyển đổi số trên cơ sở thiết thực với người dân xã Yên Hòa nhất, gồm:
Thứ nhất, tái cấu trúc hạ tầng để đáp ứng cho chính quyền thông minh và tăng cường an toàn thông tin.
Thứ 2, đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT), đó là kết nối sàn TMĐT và đưa nông sản của bà con nông dân lên sàn TMĐT. Yên Hòa có các nông sản về rau, cá, nghề truyền thống là xây dựng và đan lát. Đây là một nội dung thiết thực được người dân quan tâm.
Thứ 3, triển khai truyền thanh thông minh, theo đó, dự kiến chuyển đổi 8 đài truyền thanh cũ bằng cách ứng dụng AI để phát bản tin truyền thanh.
Thứ 4, chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Cụ thể, xã triển khai tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân (telemedicine) và khám chữa bệnh từ xa kết nối trạm y tế cấp xã với các bệnh viện lớn (Tele Health).
Sau khi lựa chọn 4 nội dung để chuyển đổi số tại xã Yên Hoà, Sở TT&TT Ninh Bình và Cục Tin học hóa xác định thời gian, định lượng công việc rõ ràng để phân công, phân việc cho từng người. Cụ thể, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa có những mốc thời gian cụ thể: từ ngày 12/8 – 30/9 triển khai truyền thông, hướng dẫn cài đặt cho người dân và tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Từ ngày 1/9 – 30/9/2020 triển khai thủ tục, cài đặt hệ thống của Viettel kết nối trạm y tế cấp xã với các bệnh viện trung ương để hỗ trợ bác sỹ tại trạm y tế.
Tiếp theo là triển khai truyền thanh thông minh từ ngày 20/8 – 30/9 với sự hỗ trợ của công ty giải pháp Vbee. Xã đã triển khai kết nối hệ thống AI của Vbee, đào tạo phát thanh viên sử dụng hệ thống biên tập nội dung cho phát thanh viên ảo, triển khai phát các bản tin hàng ngày (ví dụ: tuyên truyền Bluezone, nội dung khác…). Đến nay, hệ thống đã hoàn thành và hoạt động thông suốt.
Đối với nội dung tái cấu trúc lại hạ tầng số, kết nối sàn TMĐT - thanh toán điện tử sẽ triển khai từ 3/9 – 30/9.
Tuy mới triển khai trong 2 tuần, nhưng ông Hải cho biết một số kết quả khả quan ban đầu như ứng dụng Telemedicine đã được 1171 hộ gia đình triển khai, khảo sát sức khỏe đã được thực hiện đối với 1371 người; Số lượt cài đặt ứng dụng cho người dân là 994; 1117 người tham gia group "Yên Hòa hỏi bác sỹ trả lời"; Số người đã được khám, chăm sóc từ xa là 274 người. Về ứng dụng Bluezone, xã đã triển khai tuyên truyền cài đặt được cho 1300 điện thoại và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai.
Hàng tuần cũng sẽ có các chương trình trực tuyến bác sỹ live stream trực tiếp để trao đổi các bệnh hay mắc theo mùa, cách phòng tránh dịch Covid. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các đơn vị đều tham gia đi từng nhà dân để hỗ trợ, tuyên truyền. Chương trình sẽ tiếp tục được triển khai đến cuối tháng 9 để người dân có smartphone đều được cài ứng dụng, người dân không có smartphone được tư vấn qua điện thoại bình thường qua đường dây hỗ trợ.
Ông Hải cho biết: Số tiền tiết kiệm được do triển khai khám chữa bệnh từ xa khá đáng kể. Ước tính việc đi lại khám sơ bộ là hơn 27 triệu đồng trong vòng 2 tuần. 1 tháng sẽ dự kiến tiết kiệm 50 triệu đồng và 1 năm dự kiến tiết kiệm được 600 triệu đồng cho bà con trong xã. Ngoài ra còn làm giảm lượng bệnh nhân lên tuyến huyện/tỉnh, giảm việc người dân đi lại và các chi phí khác liên quan.
Về kết quả triển khai ứng dụng truyền thanh thông minh, xã đã sử dụng hệ thống truyền thanh sẵn có, kết hợp với AI. Theo đó, cán bộ tự xây dựng nội dung tuyên truyền bằng video hoặc audio tự động phát nội dung hàng ngày. Việc này tiết kiệm nhân lực của xã, có thể thay đổi giọng phát thanh viên theo tùy chọn, mong muốn.
Theo ông Hải, triển khai chuyển đổi số cho xã Yên Hòa có những thuận lợi như lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TT&TT, UBND cấp xã đều quyết tâm, cùng phối hợp. Xã có hạ tầng cơ bản đáp ứng (Internet, điện thoại thông minh). Cán bộ có mặt bằng trình độ đồng đều, trẻ, nhiệt huyết tham gia các công tác triển khai. Bộ TT&TT và Cục Tin học hóa hỗ trợ định hướng, nội dung, giải pháp, cách thức triển khai, Sở TT&TT Ninh Bình phối hợp xã triển khai.
Khó khăn của việc triển khai được ông Hải thông tin là tìm kiếm được các đơn vị có thể hỗ trợ nguồn lực, giải pháp thí điểm; Thay đổi nhận thức của người dân, chủ yếu là nông dân; Nguồn lực cho hiện tại và tương lai để duy trì, đầu tư còn hạn chế nên khi triển khai còn nhiều bỡ ngỡ.
Đangthí điểm xã thông minh ở 12 xã trên toàn quốc
Để thúc đẩy chuyển đổi số, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết:Thời gian qua Bộ TT&TT tập trung nhiều vào các hệ thống lớn, triển khai ở trung ương hoặc bộ, tỉnh. Song song với đó phải tiếp tục triển khai tới cấp cơ sở là huyện và xã. Xây dựng xã thông minh, huyện thông minh và phát triển phổ cập tính năng số.
Hiện nay, ngoài Ninh Bình, ông Dũng cho biết: Cục Tin học hóa đang triển khai thí điểm xã thông minh ở 12 xã trên toàn quốc. Các xã được chọn có đặc điểm, đặc thù khác nhau, từ nông thôn đến miền núi từ biên giới đến hải đảo, từ mức độ sẵn sàng về ICT cho tới cả xã chưa có mức độ sẵn sàng nào về ICT.
Việc triển khai thí điểm này sẽ hình thành nên cẩm nang để chia sẻ về những bài học thành công, khó khăn thách thức cần vượt qua.
Để giải quyết khó khăn vướng mắc chuyển đổi số cho cấp xã, ông Dũng đề xuất một cách làm mới. Thay vì chờ họp giao ban tháng, quý, có thể họp trực tuyến ngay và luôn, dưới hình thức song phương và đa phương. Cần thống nhất nguyên tắc họp đa phương là điểm truyền đi những thông điệp, chia sẻ bài học. Họp song phương để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
"Cục vừa làm đa phương với các Sở TT&TT vừa làm song phương với từng sở một. Đây là một cách làm mới, tốt. Hiện nay hệ thống họp trực tuyến miễn phí mà Cục Tin học hóa triển khai đủ năng lực để đáp ứng được nhu cầu này bất cứ lúc nào", ông Dũng chia sẻ.
Chuyển đổi số cấp xã hỗ trợ bà con giải những bài toán thường ngày
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc trong thời gian ngắn Ninh Bình đã triển khai chuyển đổi số cấp xã rõ nét và có một số kết quả ban đầu.
Chuyển đổi số là xem có thể hỗ trợ gì cho người dân, xem người dân, địa phương có "nỗi đau" gì để hỗ trợ như bình thường bà con bán nải chuối được 10.000 đồng. Chuyển đổi số để hỗ trợ bà con bán được 15.000 đồng mà bà con không phải ra chợ. Bà con đương nhiên sẽ thích và sẽ sẵn sàng lên sàn TMĐT. Chuyển đổi số cấp xã là làm những việc cụ thể cho người dân.
Theo Bộ trưởng, công nghệ giờ không phải đào tạo nhiều. Với những nền tảng công nghệ hiện có thì rất dễ sử dụng. Trẻ em hiện nay sử dụng công nghệ rất nhanh và thành thạo. Công nghệ đã viết dễ hiểu đến mức dễ dùng. Người trẻ có thể hướng dẫn ông bà trong gia đình dùng các nền tảng trôi chảy, nhanh chóng. Có nhiều dịch vụ miễn phí hoặc giá rẻ mà hỗ trợ các hoạt động thường ngày của bà con hiệu quả. Mặt khác, đầu tư cho xã chuyển đổi không nhiều.
Lấy ví dụ về ứng dụng Bluezone, Bộ trưởng cho biết đây là lá chắn chống dịch Covid-19 hiệu quả, dễ sử dụng. Với 1 xã có 2.300 hộ gia đình như xã Yên Hoà, mỗi gia đình chỉ cần 1 smartphone cài đặt Bluezone thì khi có trường hợp nhiễm Covid-19 không cần cách ly cả xã. Có lá chắn Bluezone thì cả xã không phải sợ Covid. Xã thông minh nên có ứng dụng Bluezone.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận triển khai chuyển đổi số thì việc khó thành không khó nữa. Các đơn vị trong Bộ phải coi xã chính là "nhà máy" sản xuất ra tri thức, thông qua xã làm tốt công việc của mình, sản xuất ra tri thức, thông tin, từ đấy nhân rộng ra.
"Chuyển đổi số cho các xã là vĩ đại nhất trong công tác chuyển đổi số vì liên quan trực tiếp đến người dân. Càng những xã khó khăn, miền núi thì chuyển đổi số càng hiệu quả nhất. Cứ những chỗ khó thì làm trước", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng đề nghị từ kinh nghiệm thí điểm của xã như Yên Hòa có thể nhân rộng triển khai. Cố gắng năm nay thí điểm chuyển đổi xã tốt, sau đó tổng hợp thành cẩm nang để nhân rộng.