Hỗ trợ DN nhỏ tháo gỡ nút thắt, chuyển đổi kinh doanh trực tuyến

Ngọc Diệp| 07/08/2021 09:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh/thành phố của Việt Nam, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành hoạt động kinh doanh chiến lược giúp nhiều DN phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả.

Thị trường TMĐT Việt Nam và những biến động trong mùa dịch

Tại sự kiện Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số (DTM) trực thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) diễn ra mới đây, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đã chia sẻ tổng quan về hành vi của người tiêu dùng trong mùa dịch Covid 2021.

Theo nghiên cứu của Nielsen trên cấp độ toàn cầu, số người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã tăng gấp đôi lên 46%, 66% người tiêu dùng đã thay đổi cách họ mua sắm và 81% sẽ tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu trong năm 2021. Nhiều người tiêu dùng sẽ vẫn phải đối mặt với việc mất việc làm và giảm thu nhập, tình hình tài chính xấu đi. Do đó, ngân sách dành cho chi tiêu và mua sắm sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Hỗ trợ DN nhỏ tháo gỡ nút thắt, chuyển đổi kinh doanh trực tuyến - Ảnh 1.

Tuy nhiên, theo bà Hà, bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng chính là chất xúc tác thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn. Số liệu từ Nielsen cho thấy, ngoài các mặt hàng online truyền thống, thì chi tiêu online cho hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu đã lớn hơn 46% so với chi tiêu offline.

Tại Việt Nam, mua sắm online không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn mà đã mở rộng sang các thành phố cấp hai, huyện, thị xã; giờ đây không chỉ có thế hệ trẻ mà mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận các kênh mua sắm online. Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Ngoài tài khoản ngân hàng, hiện nay có rất nhiều hình thức để người tiêu dùng mua sắm online và thanh toán.

Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2021, thị trường TMĐT Việt Nam được ghi nhận có sự tăng trưởng cao, tới 15% trong năm 2020, đạt quy mô 13,2 tỷ USD, được thế giới ghi nhận là con số vô cùng ấn tượng, cao nhất Đông Nam Á, đồng thời thuộc những quốc gia có mức phát triển TMĐT cao nhất thế giới. Báo cáo cũng cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%.

Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.

Ngoài ra, báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho biết, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Xu hướng hiện nay và đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì TMĐT sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Đức, CEO của IMGroup nhấn mạnh mức tăng trưởng của TMĐT ở Việt Nam trong 4 năm qua thực sự rất nổi bật. Đây chính là mảnh đất tiềm năng cho các DN, người kinh doanh online và nhà đầu tư muốn khai thác thị trường này.

Năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn với rất nhiều DN khi phải đối mặt với một thị trường đầy biến động do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Đức, nhiều DN đã nhanh chóng thay đổi, tìm ra giải pháp để thích ứng với sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng của người mua, điển hình là trong giai đoạn vừa qua khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ông Đức cho biết tại Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, chợ hiện đáp ứng 75% nhu cầu mua sắm của người dân, còn 25% là từ các siêu thị và sàn TMĐT. Tuy nhiên khi TP.HCM đóng cửa chợ thì một số lượng lớn người dân đổ dồn vào siêu thị để mua hàng, khiến hệ thống bị quá tải, nhiều người phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để thanh toán, khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh tăng cao. Điều này đã "thúc ép" nhiều người chuyển sang mua sắm qua các ứng dụng và các sàn TMĐT.

Vậy là để đáp ứng nhu cầu của người dân, hàng loạt thực phẩm tươi sống như trứng, thịt, cá, thủy sản, rau củ, trái cây bắt đầu xuất hiện trên các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Các sàn TMĐT cũng đã nhanh chóng triển khai các Chương trình như "Đi chợ tại nhà" của Sendo, "Tiếp sức Sài Gòn - Tiki trao tươi ngon" của Tiki, "Thực phẩm bình ổn" của Shopee hay Chương trình "An tâm ở nhà" của Voso để cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP. HCM,...

Hỗ trợ DN nhỏ tháo gỡ nút thắt, chuyển đổi kinh doanh trực tuyến - Ảnh 2.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong những ngày qua, lượng đơn hàng thực phẩm thiết yếu qua các sàn TMĐT tăng đột biến. Số liệu ghi nhận đến ngày 20/7, sàn Tiki ghi nhận có khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu; các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày hay sàn Lazada bán trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.

Hỗ trợ DN nhỏ, tháo gỡ nút thắt, thẳng tiến về đích bất chấp đại dịch Covid-19

Thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ vào năm 2021, và doanh thu từ TMĐT có thể vượt quá 12 tỷ USD. Theo dự đoán của VECOM, 2021- 2025 sẽ là giai đoạn thị trường phát triển nhanh. Đây chính là cơ hội để các DN trong nước xây dựng chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận kênh phân phối hiện đại, uy tín.

Tuy nhiên, hiện nay TMĐT tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, với Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 70% giá trị giao dịch TMĐT toàn quốc. Để TMĐT phát triển bền vững thì phải dịch chuyển cán cân TMĐT để Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm 50%, còn 50% ở các tỉnh thành khác. Để đạt được mục tiêu này, thông qua nhiều chương trình, VECOM đã hợp tác với các sàn TMĐT lớn để đưa sản phẩm của các địa phương lên sàn, và thúc đẩy hệ sinh thái TMĐT phát triển mạnh mẽ thông qua chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, trong thời gian tới VECOM sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy TMĐT tại Việt Nam phát triển và giúp các DN có thể bán hàng trực tuyến thành công.

Trao đổi tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Đức cho hay đối với các DN lớn và vừa thường có giám đốc marketing và bộ phận chuyên trách riêng, tuy nhiên các DN siêu nhỏ và nhỏ thường gặp khó khăn khi muốn "lên sàn" do không có đủ kiến thức và kinh phí để tuyển dụng nhân viên digital marketing. Rõ ràng, thông tin và nguồn nhân lực vẫn là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến các DN siêu nhỏ và nhỏ.

Chính vì thế, mới đây Hiệp hội VECOM và Liên minh Chuyển đổi số (DTS), hệ thống Học viện Kinh doanh số IM Group và các DN trong lĩnh vực số đã phối hợp và cho ra mắt Trung tâm Kinh doanh số (KDS), nhằm tập trung mọi nguồn lực cần thiết cho DN vừa và nhỏ chuyển đổi số việc kinh doanh thực tế. KDS cung cấp đầy đủ từ kiến thức, đến công cụ, chuyên gia tư vấn, liên kết dịch vụ, kết nối nguồn nhân lực để hỗ trợ DN từ mọi khía cạnh. Đây sẽ là nơi quản lý tập trung toàn bộ "tài sản số" DN, giúp việc chuyển đổi số kinh doanh trở nên đơn giản và thực tế hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh thời công nghệ 4.0.

Cụ thể, KDS tập hợp và thống nhất toàn bộ kiến thức kinh doanh trên môi trường số từ live đến offline, tư vấn và kèm cặp học viên thực hành từ online đến offline trọn đời, trang bị toàn bộ các công cụ hỗ trợ để làm tiếp thị số với chi phí tối ưu, tập trung quản lý toàn bộ tài sản số an toàn và thuận tiện, đặt lịch cùng chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thông qua nền tảng.

"Ai cũng có cơ hội nhưng nếu không có kiến thức thì không thể tiếp cận và hiểu được cặn kẽ vấn đề. Học phải đi đôi với hành, KDS khi học là được thực hành và phải có sản phẩm", Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bà Đặng Thúy Hà để khai thác được các kênh online, các DN nhỏ cần phải lấy khách hàng làm trọng tâm, phát triển bán hàng đa kênh theo nguyên tắc cơ bản: đảm bảo trải nghiệm khách hàng liền mạch và cảm xúc, tối ưu hóa các kênh và đầu tư nhiều về công nghệ, chiến lược./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ DN nhỏ tháo gỡ nút thắt, chuyển đổi kinh doanh trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO