Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết

PV| 06/09/2021 21:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ tác động đến các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội mà cả đến tôn giáo, trong đó có hoạt động thuyết giảng Phật pháp (Hoằng pháp) tại Việt Nam. Để đảm bảo tính chuẩn mực của hoạt động này trên không gian mạng, việc tuyên truyền, giáo dục cho Tăng Ni, Phật tử về Luật An ninh mạng và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là yếu tố tiên quyết.

Nền tảng mạng xã hội là kênh hiệu quả kết nối Đạo Phật với Phật tử

Đạo Phật (Phật giáo) trên thế giới là một trong những tín ngưỡng có số lượng Tăng ni, Phật tử lớn nhất. Theo ước tính của World Population Review, tính đến đầu năm 2021, có 535 triệu Phật tử, chiếm từ 8 – 10% dân số thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có ít nhất 10% dân số theo đạo Phật, cùng với Nepal, Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore… 

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2020, hiện có 4.600.000 tín đồ Phật giáo và 95% dân số thừa nhận có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó hơn một nửa coi mình theo đạo Phật.

Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết - Ảnh 1.

Bảng phần trăm dân số theo Đạo Phật ở các nước trên thế giới. (Nguồn: World Population Review)

Chính vì số lượng Phật tử đông đảo nên việc giảng đạo (Hoằng pháp) được coi là một trong những hoạt động chính của Phật giáo. Từ thời Đức Phật tại thế đến nhiều thế kỷ về sau, giáo pháp được truyền bá qua hai phương tiện là truyền khẩu trực tiếp và văn bản chữ viết. Thời kỳ đầu, kinh điển chưa được chép thành văn bản, mọi thông tin đều thông qua khẩu truyền trực tiếp. Khi tiếp nhận thông tin, người nghe buộc phải thuộc để nhớ, để hiểu và thực hành. Với cách này, người học nhớ nhiều trở nên chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mặt hạn chế của cách truyền bá này là khi thông tin truyền sang đối tượng thứ ba, thứ tư… nội dung có thể thay đổi do người sau quên hay hiểu theo quan điểm cá nhân.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XX, mở ra thời đại kỹ thuật số. Mọi tin tức, hình ảnh, âm thanh, video về các sự kiện được truyền tải nhanh chóng, thậm chí truyền trực tiếp. Đây là một công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác Hoằng pháp được phổ biến rộng, nhanh đến nhiều người, từ thành thị đến thôn quê hay những nơi xa xôi không có chùa và chư Tăng ni, Phật tử.

Bước vào thế kỷ XXI, với xu hướng phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và phương tiện nghe nhìn ngày một hiện đại, thì đối tượng sử dụng công nghệ không còn giới hạn ở các thành phố mà những nơi xa xôi hẻo lánh, mọi người đều sử dụng các cổng thông tin hiện đại phục vụ cho công việc giải trí và tiếp cận thời sự. Nhờ các thiết bị thông minh cầm tay như smartphone, máy tính bảng... thông qua các mạng xã hội, trang web v.v.., một người ở bất kỳ đâu cũng có thể cập nhật thông tin và kết nối cùng lúc đến nhiều người. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, các kinh điển dạng chữ viết hay âm thanh được đưa lên trang điện tử để ai biết sử dụng Internet đều có thể truy cập đọc hay nghe. Bên cạnh đó, nhiều bài giảng cũng được phát trực tiếp (livestream qua facebook hay các công cụ khác) hay lưu trữ trên các trang web cho mọi người có thể truy cập xem, nghe lại hay tải xuống, xem, nghe bất cứ lúc nào.

Thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết! Cửa chùa không chỉ dành cho người dân, Phật tử của một địa phương, một đất nước, mà rộng mở chào đón tất cả những ai có niềm tin và sự kính ngưỡng Phật giáo. Để làm được điều này, hoạt động giảng pháp online, đưa hình ảnh của các nhà chùa lên các nền tảng mạng xã hội đang là kênh hiệu quả nhất để kết nối Đạo Phật với Phật tử gần xa. 

Hoằng pháp trên mạng xã hội ở Việt Nam

Từ khi đại dịch COVID - 19 hoành hành ngày càng phức tạp trên thế giới và Việt Nam, hầu hết các hoạt động tôn giáo nói chung và Hoằng pháp nói riêng trong Đạo Phật đều chuyển sang hình thức trực tuyến (online) nhằm tránh tối đa tình trạng tụ tập đông người. 

Hoạt động giảng pháp trên mạng xã hội đang ngày càng phát triển, và trở thành một xu thế tất yếu bởi dịch bệnh là thứ luôn xuất hiện trong đời sống, không chỉ COVID-19 mà còn nhiều dịch, bệnh khác như dịch cúm, dịch sốt xuất huyết... vào mỗi mùa dịch sẽ khiến cho việc tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. 

Do đó, hoạt động tham gia giảng pháp, nghe giảng pháp online sẽ ngày càng được nhiều người lựa chọn. Điều này cũng tạo điều kiện rất lớn cho các Phật tử sinh hoạt tâm linh, tụng kinh, cúng dường…

Chia sẻ về công tác thuyết giảng Phật pháp online, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết: Để những nội dung thuyết giảng thực sự có ý nghĩa đến được với công chúng thì Ban Hoằng pháp T.Ư đã phối hợp cùng Phật sự online xây dựng đề án Hoằng pháp online, xây dựng phim trường ảo tại một số cơ sở của Phật sự online và tại cơ sở tự viện của quý Tăng Ni giảng sư ở các khu vực, cung thỉnh chư tôn đức giảng sư là hàng giáo phẩm, cây cao bóng cả của ngành Hoằng pháp nước nhà phát tâm thu hình thuyết giảng tại phim trường ảo hoặc tại tự viện của quý tôn đức giáo phẩm. Điều này nhằm tạo cơ hội thuận duyên cho quý tôn đức giáo phẩm niên cao lạp trưởng cũng có thể tham gia vào công tác Hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số và truyền thông mạng. Qua đó phát huy hiệu quả nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII về nội dung: "Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp Hoằng dương Chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử…" và "đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp". Hiện chương trình này đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ thông tin, không chỉ các Phật tử, mà ngay bản thân các tăng ni cũng "nghiện" mạng xã hội. Đáp ứng thị hiếu của số đông, nhiều giảng sư đã vận dụng các câu chuyện cười, hài hước lồng vào nội dung thuyết giảng, thậm chí có người còn hát những bài nhạc chế… Ban Hoằng pháp T.Ư đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh và rất quan tâm về nội dung này. Việc đưa một số câu chuyện cười hay đàn hát… vào buổi giảng để tạo sự vui cười, tạo không khí thoải mái trong thuyết giảng trong một số trường hợp cũng cần thiết, nhưng phải biết khéo léo vận dụng nội dung của câu chuyện phù hợp với nội dung thuyết giảng (khế lý) và phù hợp thời điểm (khế thời), trình độ của hội chúng (khế cơ) cũng như không gian, địa điểm (khế xứ). Điều này sẽ góp phần tạo được hiệu quả chuyển tải nội dung đến hội chúng. Việc quá lạm dụng, đưa những nội dung chuyện cười hoặc trực tiếp đàn hát vào buổi giảng nhưng chưa đảm bảo được sự khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ, từ đó dẫn đến phản tác dụng. Đặc biệt, một số vị giảng sư mang tính tự phát, chưa qua các khóa đào tạo giảng sư, đã tự livestream thuyết giảng trên MXH, chạy theo thị hiếu và mục đích "câu view". Do "nghiện" MXH, nhiều tăng ni, giảng sư cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh cá nhân để câu "view", câu "like", dễ vi phạm vào giới luật.

Không dừng lại ở việc một số giảng sư, tăng ni… tạo hình ảnh chưa đẹp trong hoạt động hoằng pháp như trên, một số đối tượng có ý đồ xấu, lợi dụng Phật giáo, thuyết giảng… để lôi kéo  một bộ phận quần chúng vào các tổ chức phản động, tuyên truyền sai lệch chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chưa kể với tính bảo mật chưa cao, nhiều hacker có thể tấn công, chiếm đoạt các trang cá nhân của các Tăng Ni, fanpage của nhà chùa để sử dụng với mục đích xấu.

Những bất cập trên đây cho thấy sự cần thiết phải có hoạt động tuyên truyền - giáo dục cho tăng ni về Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để hoạt động giảng pháp trên không gian mạng, sử dụng mạng xã hội vì mục đích tôn giáo được hiệu quả, tuân thủ pháp luật của Nhà nước.  

Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Cần triển khai hiệu quả đến Tăng Ni, Phật tử

Việc tuân thủ Luật An ninh mạng và chấp hành đúng với Bộ Quy tắc ứng xử là việc làm của mọi công dân Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội. Là Tăng Ni, mang trong mình trách nhiệm đại diện cho Phật giáo, là người tuyên truyền Phật pháp đến đông đảo quần chúng thì việc tuân thủ luật càng phải đặt lên hàng đầu. 

Trước tình hình sử dụng không gian mạng của giới Tăng Ni có nhiều diễn biến phức tạp, Ban Thường trực Hội đồng tăng sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ban hành Thông tư số 206/2020/TT-HĐTS hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni.

Theo đó, căn cứ điều 57, 58, 59 chương X Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VI; Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-BTSTW ngày 24-7-2020 của Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN ban hành Thông tư hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni. Theo thông tư này, quyền của Tăng Ni sử dụng không gian mạng được quy định: Tăng Ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử.

Thông tư cũng quy định quyền sử dụng không gian mạng của giới Tăng Ni phải theo đúng quy định Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14). Tăng Ni có nhu cầu chia sẻ, tương tác thì sử dụng trang thông tin điện tử (website) chính thống của BTS tỉnh, mạng xã hội Butta, Phật sự online của GHPGVN và các website của Ban, Viện Trung ương Giáo hội (TƯGH) là những công cụ chính để Tăng Ni có nhu cầu chia sẻ, tương tác.

Tăng Ni được quyền sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân nhưng phải chịu trách nhiệm về các thông tin đăng tải, chia sẻ, tương tác trên không gian mạng theo quy định của Luật an ninh mạng, quy định của Giáo hội và thông tư này.

Thông tư cũng quy định việc sử dụng không gian mạng của các Tăng Ni không được thực hiện các hành vi như: Phê phán pháp môn khác, không tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu Cách mạng Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm niềm tin tôn giáo, phân biệt chủng tộc; Tăng Ni không được sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, cộng đồng Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội;

Thông tư cũng nghiêm cấm các Tăng Ni đưa thông tin trên không gian mạng có nội dung mang tính bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội; Không được xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ Phật giáo, uy tín của Giáo hội, gây phương hại đến lợi ích của Giáo hội và Dân tộc; Không được đăng tải lên không gian mạng các hành vi vi phạm của trụ trì Tự viện, Tăng Ni chưa được các cấp Giáo hội xử lý; Nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, kích động, xúi giục, lôi kéo, tụ tập đông người xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội; Cấm chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với Giáo pháp, Giới luật Phật chế, hình ảnh thanh tịnh của tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiêm cấm, GHPGVN còn đưa ra các biện pháp chế tài trong trường hợp vi phạm như lần đầu bị Ban Trị sự tỉnh nhắc nhở, khiển trách, yêu cầu sám hối; Lần thứ hai Ban Trị sự tỉnh tiếp tục nhắc nhở, cảnh cáo và yêu cầu sám hối; Nếu tiếp tục vi phạm lần thứ ba thì Ban Trị sự tỉnh báo cáo HĐTS để cho ra khỏi GHPGVN. Nếu là trụ trì tự viện thì BTS cấp tỉnh đình chỉ chức vụ trụ trì 6 tháng để sám hối, tiếp tục vi phạm báo cáo HĐTS để cách chức trụ trì, trao đổi với sơn môn, hệ phái liên hệ bổ nhiệm trụ trì khác thay thế.

Gần đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua, GHPGVN đã tổ chức Khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 với chủ đề "Luật An ninh mạng và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" trên môi trường mạng… thông qua sự chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Đức Cương – Giảng viên Khoa CNTT Trường ĐH Công nghiệp Hồ Chí Minh.

Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết - Ảnh 2.

Nguồn: Phatgiaoonline

Bản thân các trụ trì, lãnh đạo trong GHPGVN cũng nhận thức sâu sắc về vấn đề này. Đại đức Thích Chiếu Ý - Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đắk Nông, cho rằng để nâng cao hiệu quả của hoạt động Hoằng pháp, vấn đề nhân sự Hoằng pháp cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn nữa. Đại đức cho biết: "Giáo hội và Ban Hoằng pháp phải có những lớp đào tạo thực tế, bớt đi phần hành chánh rườm rà, nhất là đẩy mạnh kênh thông tin và kênh video riêng của Ban Hoằng pháp Trung ương cho những thành viên Ban Giảng sư và Ban Hoằng pháp các tỉnh mỗi khi có bài thuyết giảng tốt, thì biên tập đăng tải để quần chúng các giới truy cập học hỏi. Bằng không, ai muốn nói gì thì nói, muốn đăng ghì thì đăng, chắc chắn, cát sạn dẫy đầy sẽ khuất lấp vàng ngọc quý giá. Đó chính là củng cố niềm tin chánh Pháp cho Phật tử trong thời đại 4.0 này".

Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết - Ảnh 3.

Đại đức Thích Chiếu Ý - Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: PV)

Còn theo Đại đức, TS. Thích Nhuận Huệ - Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, thì cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông để Hoằng pháp. Đại đức chia sẻ: "Việc tận dụng các phương tiện công nghệ để đưa Phật pháp đến cư dân mạng phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Hoằng pháp. Do vậy, các vị giảng sư cần tự mình làm và khuyến khích cộng đồng tu sĩ, tín đồ, người có cảm tình với đạo Phật lập nhiều tài khoản mạng xã hội, tham gia vào nhiều nhóm (group) để tự mình viết hoặc like, share các kinh sách, video thuyết giảng, bài giáo lý, những Phật sự, hình ảnh, sự kiện tốt đẹp của Đạo Phật; phản biện, điều hướng dư luận những thông tin xấu, gây ảnh hưởng đến Phật giáo".

Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết - Ảnh 4.

Đại đức, TS. Thích Nhuận Huệ - Trưởng BHP GHPGVN tỉnh Bình Định. (Ảnh: PV)

Hy vọng với những hiểu biết ngày càng sâu sắc về Luật An ninh mạng và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Tăng Ni Phật tử cũng với những chỉ đạo sáng suốt GHPGVN về môi trường mạng, hoạt động hoằng pháp trên MHX ngày càng phát huy được thế mạnh của mình. Như lời dạy của Đức Phật về hạnh nguyện Hoằng pháp: "Này các Tỳ kheo!... hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Xây dựng hạ tầng cho mạng 5G tương lai của Việt Nam
    Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến tới năm 2030, ASEAN (gồm 10 quốc gia Đông Nam Á) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu. Phần lớn động lực thúc đẩy sự phát triển này đến từ sự vận động và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế số trong khu vực, với giá trị ước tính lên đến gần 1 nghìn tỉ đô-la vào năm 2030.
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp, Bưu điện Việt Nam đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2024
    Đây là lần thứ 2 liên tiếp Bưu điện Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng danh giá này bởi những thành tựu lớn trong lĩnh vực logistics, bưu chính chuyển phát tại Việt Nam và Quốc tế.
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
  • Mở rộng trông xe không dùng tiền mặt mang lại lợi ích "kép"
    Việc áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng thu phí không dừng VETC và mã QR vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe.
  • 10 xu hướng định hình tương lai của quản lý giao dịch số
    Quản lý giao dịch số đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về xử lý tài liệu an toàn, hiệu quả. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình xử lý tài liệu số.
  • Zalo giữ vững ngôi đầu nền tảng nhắn tin được yêu thích nhất
    Ngày 5/11, theo báo cáo “The Connected Consumer Q.III/2024” mới nhất do Decision Lab công bố, Zalo tiếp tục dẫn đầu các nền tảng nhắn tin tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng (renetration rate) và mức độ yêu thích (preference rate).
  • Triển vọng thị trường chữ ký số toàn cầu
    Thị trường chữ ký số toàn cầu đang có ​​sự tăng trưởng chưa từng có khi các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng áp dụng các giải pháp số để xác thực tài liệu và giao dịch an toàn.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
Hoằng pháp trên mạng xã hội: Tuân thủ Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử là yếu tố tiên quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO