Gia tăng tội phạm và hình thức phạm tội trên mạng
Tại Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2019 (Security World 2019) vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an – cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động của tội phạm trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả để chiếm đoạt tiền trong tài khoản (Skimming) diễn ra phức tạp, hiện Việt Nam có khoảng 70 triệu thẻ nội địa, nếu chậm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của tội phạm thẻ trước vấn nạn giả mạo thẻ, skimming (đánh cắp thông tin thẻ từ ATM) đang ngày càng gia tăng.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an
Gần đây, xuất hiện các ổ nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó chúng tập trung vào hoạt động trên lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, tài chính, ngân hàng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn; Hoạt động lừa đảo của tội phạm người nước ngoài, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết thêm: Năm 2018 và đầu năm 2019, đã phát hiện nhiều nhóm người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Thái Lan, người gốc Phi… nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch, thuê nhà và đường truyền Internet để tổ chức các hoạt động lừa đảo, làm thẻ ngân hàng giả để rút tiền hoặc thanh toán khống hóa đơn/dịch vụ qua POS… chiếm đoạt hàng trăm triệu USD. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng Bộ Công an đã bắt giữ trên 120 đối tượng người nước ngoài về hành vi phạm tội này.
Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá qua tài khoản ngân hàng trên Internet, diễn ra công khai dưới nhiều hình thức, số lượng đối tượng tham gia đánh bạc lên đến hàng nghìn người với số tiền ước tính hàng triệu USD mỗi ngày.
Cuối tháng 4/2019, các lực lượng chức năng của Bộ Công an Việt Nam đã phá đường dây đánh bạc qua mạng có số lượng tiền cá cược lên tới hơn 30.000 tỉ đồng, tương đương 1,3 tỉ USD, bắt 29 đối tượng.
Hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, thời gian qua còn nổi lên tình trạng các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại yêu cầu người có nhu cầu vay nóng chuyển trước một khoản tiền phí đặt cọc để làm hồ sơ rồi chiếm đoạt; hoặc các đối tượng yêu cầu người có nhu cầu vay tiền ra mở tài khoản điện tử như thẻ Mastercard, Viettel Pay, ví MoMo… Các đối tượng cung cấp số điện thoại để đăng ký thông tin hồ sơ và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để chứng minh thu nhập. Khi các bị hại chuyển tiền vào, các đối tượng dùng số điện thoại để rút tiền tại các cây ATM nhằm chiếm đoạt.
Về hoạt động tiền ảo, tiền điện tử, theo Ngân hàng nhà nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng; toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỉ đồng.
Việc giao dịch bằng tiền ảo có tính “ẩn danh” cao đang trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng thực hiện thanh toán các giao dịch không minh bạch, thực hiện hành vi phạm tội và che giấu hành vi phạm tội như lừa đảo thẻ tín dụng, trộm cắp thông tin cá nhân, lừa đảo đầu tư, rửa tiền, thanh toán tiền cờ bạc, cá độ bóng đá… và các hoạt động phi pháp khác.
Những nguyên nhân chủ yếu
Lý giải tình trạng an ninh mạng, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết: Sự phát triển nhanh chóng của CNTT, viễn thông, Internet vừa tạo ra cơ hội, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ, lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm mạng, tin tặc triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật; đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Các hệ thống mạng thông tin ở Việt Nam, trong đó có các hệ thống tài chính - ngân hàng chưa theo tiêu chuẩn thống nhất, chưa có thẩm định, kiểm tra, đánh giá về an ninh mạng; Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) chú trọng.
Theo đại diện Bộ Công an, thực tế qua kiểm tra cho thấy, tình hình an toàn, an ninh mạng trong ngành tài chính - ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục, giải quyết kịp thời.
Vì vậy, hoạt động tấn công mạng, xâm nhập mạng nhằm vào hệ thống mạng ngành tài chính - ngân hàng và cơ quan nhà nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm; nguy cơ mất an ninh thông tin vẫn ở mức cao; đặc biệt các cuộc tấn công không chỉ diễn ra đơn lẻ, tự phát mà còn được tổ chức thành các chiến dịch có hệ thống.
Hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ trực tuyến ở nước ta phát triển mạnh nhưng công tác quản lý còn chưa theo kịp, tạo sơ hở cho hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền không gian thanh toán và hệ sinh thái kỹ thuật số.
Có thể thấy những thách thức về an ninh mạng, đặc biệt là vấn đề tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã vượt ra khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ mới để tăng cường bảo mật
Bối cảnh mới đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên dữ liệu dữ liệu lớn (big data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng…
Bộ Công an khuyến nghị, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Tăng cường các biện pháp bảo mật dữ liệu, nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng phù hợp.
Hợp tác giữa ngành tài chính - ngân hàng, cơ quan nhà nước và Chính phủ điện tử với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các DN sở hữu và vận hành CNTT, các nhà cung cấp dịch vụ công, cung cấp nội dung trên Internet, các nhà nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật… cần được tăng cường nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ của các DN, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo mật dữ liệu và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Việc chuyển đổi thẻ chíp nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chíp.
Do vậy, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng và đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chíp nội địa theo đúng lộ trình NHNN đã ban hành. Công tác chuyển đổi phải đảm bảo hoạt động thẻ vẫn diễn ra liên tục, ổn định và an toàn; đồng thời, cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Theo thống kê của NHNN, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 37.325.000 giao dịch tương ứng với giá trị 20.691.000 tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018).
Trên toàn quốc có 18.668 ATM và 261.705 máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ). POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...
Tính đến tháng 9/2018, tổng số lượng thẻ ngân hàng đã được phát hành tại Việt Nam đạt mức 147,3 triệu thẻ. Có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171.000 tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017).
Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh; đã có khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố…
Đại diện NHNN cho biết thêm, phần lớn POS được trang bị tại Việt Nam đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chíp nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chíp tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn VCCS vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ chuẩn VCCS về thẻ chip nội địa.