Học trực tuyến và giải pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid -19

Quỳnh Chi| 08/09/2021 11:39
Theo dõi ICTVietnam trên

"Dừng đến trường nhưng không ngừng học"- đó là phương châm ngành giáo dục đặt ra trong cuộc chiến chống Covid – 19. Đối với học sinh dân tộc thiểu số và nghành giáo dục trong khu vực này, học trực tuyến là một vấn đề với nhiều câu hỏi cần giải đáp và ngành TT&TT đã vào cuộc với Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Hình thức học mới mẻ, chưa có tiền lệ

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ở năm học này, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Học trực tuyến và giải pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid -19 - Ảnh 1.

Học sinh DTTS học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid -19 đang có những diễn biến phức tạp

Trên thực tế hiện nay, có những địa phương tới thời điểm cận kề năm học mới, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, địa phương vẫn phải áp dụng giãn cách xã hội thì việc chọn học trực tuyến là ưu tiên hàng đầu.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, việc học trực tuyến không chỉ là phương án thay thế dạy học trực tiếp, nhằm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh, không làm gián đoạn chương trình học tập mà phương pháp này cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin và internet trong dạy và học, phát triển năng lực hướng dẫn tự học, tự đào tạo của giáo viên và khả năng tự học của học sinh.

Những khó khăn trong việc học trực tuyến của học sinh DTTS

Trường Dân tộc nội trú huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Đắk Nông triển khai việc dạy học trực tuyến cho học sinh. Thầy Lê Công Trinh, Hiệu trưởng Trường DTNT huyện Krông Nô cho biết, học trực tuyến là một hình thức mới trong ngành Giáo dục Đắk Nông, vì thế, rất nhiều học sinh chưa hình dung được cách học này.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn đang còn thiếu, điều kiện gia đình các em đang còn khó khăn, thiếu thốn, nhất là các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước và DTTS khó tiếp cận với các loại hình dạy học trực tuyến này.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su Phì – tỉnh Hà Giang cho biết, năm học 2019-2020, trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch, đơn vị này đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai nhiều biện pháp dạy học để đảm bảo nội dung, chất lượng chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT như khuyến khích các đơn vị trường triển khai học trực tuyến; giao bài tập về nhà cho học sinh thông qua công cụ của các trường như zalo, email… và phiếu giao bài tập theo phương pháp truyền thống để giao bài cho học sinh tự ôn tập và tự học tại nhà. Tuy nhiên việc thực hiện các hình thức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình cho học sinh tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện không thực hiện được do đại đa số phụ huynh là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, không có các phương tiện cho học sinh để thực hiện học trực tuyến tại nhà như máy tính, không có Internet, không có điện thoại thông minh.

Học trực tuyến và giải pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid -19 - Ảnh 2.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất là rào cản lớn khi học sinh DTTS tiếp cận phương pháp học trực tuyến.

Em H, 12 tuổi người dân tộc Dao, Hà Giang chia sẻ: "Em không thể tiếp tục học bởi gia đình em ở vùng sâu vùng xa, không có đủ phương tiện để hỗ trợ cho việc học như máy tính hay điện thoại giống như các bạn dưới miền xuôi".

Còn Dung, 13 tuổi, là một học sinh dân tộc H'mong tại Lào Cai cho biết: "Khó khăn nhất của học online là chúng cháu không có internet hay WiFi tại nhà. Cháu và anh cháu phải đi bộ đến trường mầm non cách nhà cháu 1km để dùng WiFi và tải tài liệu mà thầy cô gửi. Các bạn cùng lớp cháu hay gần nhà cháu đều không có internet ở nhà". Trên thực tế là tại Lào Cai hiện nay chỉ có 15% trẻ em ở đây có thiết bị điện tử - khoảng cách số giữa những trẻ em có thiết bị điện tử và những trẻ em không có ở đây quá lớn.

Đó là còn chưa kể đến do trong một thời điểm, rất nhiều em vào mạng nên thường xuyên bị quá tải, gián đoạn khi trao đổi bài học giữa giáo viên và học sinh, gây khó khăn tiếp thu bài giảng.

Một khảo sát mới đây của Plan International Việt Nam cho thấy sự khác biệt lớn giữa học sinh tại thành phố và học sinh, nhất là học sinh DTTS tại vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận tới các nền tảng học tập trực tuyến, trong thời gian giãn cách xã hội hay khi trường học đóng cửa. Khảo sát cũng cho thấy, chỉ 35% số học sinh được khảo sát được tiếp cận nền tảng học trực tuyến hoặc truyền hình trong khoảng thời gian này. Đây là một khoảng cách lớn giữa học sinh miền núi với học sinh miền xuôi trong thời đại 4.0 này. Theo UNICEF, khoảng cách số đồng nghĩa với khoảng cách về học tập – và khoảng cách này sẽ còn rộng hơn khi giáo dục ngày càng đòi hỏi trẻ em phải làm chủ những kỹ năng số và công nghệ. Lỗ hổng lớn về học tập này đồng nghĩa với lỗ hổng lớn về tiềm năng thu nhập của các em trong tương lai.

Xây dựng chương trình dạy học trực tuyến phù hợp điều kiện thực tế

Tháng 4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vừa chính thức ban hành Thông tư Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.Mục đích của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục. Hoạt động này cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, để hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, nhiều địa phương chỉ đạo triển khai việc học trực tuyến. Nhiều tỉnh thành đã nhanh nhạy trong việc tổ chức kết hợp dạy học online – offline. Để khắc phục những khó khăn về công nghệ, nhiều thầy cô giáo đã phải đi bộ hoặc đi xe máy vượt qua đường núi uốn lượn quanh co đến những thôn làng để nhờ trưởng thôn phát tài liệu và bài tập đến các em học sinh.

Nhiều nơi, để củng cố kiến thức cho các em trong đợt nghỉ dài này, các thầy cô đã tổng hợp đề cương của tất cả các môn như Toán, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ của từng khối học… vào một bộ đề, sau đó đến từng nhà phát cho các em để các em có thể ôn lại kiến thức đã học. Sau một tuần sẽ quay lại thu bài làm của các em.

Một mô hình học trực tuyến hiệu quả phải kể đến là tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì. Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng đã triển khai kế hoạch tổ chức dạy và học tập qua internet thông qua phần mềm Office 365 Education, Shub Classroom, Quizizz, Facebook, Messenger, Zalo... Với đặc thù 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, Nhà trường đã soạn thảo các Tài liệu hướng dẫn tự học được thiết kế theo các modun với sự hỗ trợ của giáo viên dưới ba hình thức: Giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu của Nhà trường; giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện. Toàn bộ tài liệu hướng dẫn học sinh tự học đã được tinh lược, xây dựng theo các modun, kèm với đó là các video hỗ trợ học sinh tự học. 

Học trực tuyến và giải pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid -19 - Ảnh 3.

Cô giáo Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương dạy học từ xa.

Để có thể có những bài giảng trực tuyến hiệu quả, bản thân các thầy, cô giáo cũng có sự thay đổi so với việc giảng dạy theo cách thức truyền thống trên lớp. Thực tế cho thấy, các giáo viên đã có sự chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, trong cách làm. Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo đưa thêm nhiều ví dụ minh họa, để các em học sinh có thể đón nhận kiến thức một cách dễ hiểu, giúp nắm vững kiến thức như học bình thường.

Rõ ràng, do những khó khăn trong dạy và học trực tuyến nên ngành giáo dục các địa phương đã phải chủ động xây dựng nhiều phương án, kết hợp nhiều giải pháp để có thể đảm bảo kế hoạch năm học. Bên cạnh các giải pháp về học trực tuyến hiệu quả cho học sinh DTTS, các địa phương cần quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 nhằm hạn chế thấp nhất khả năng bùng dịch tại địa phương, để học sinh có thể học trực tiếp nhiều nhất.

Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng những học sinh DTTS trên cả nước vẫn khát khao học tập, kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ một tương lai tươi sáng hơn. 

Ngành TT-TT vào cuộc

 Trước những khó khăn của việc dạy và học trực tuyến, ngày 7/9, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện dạy và học trực tuyến.  Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông; xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước Internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học; chỉ đạo các doanh nghiệp CNTT nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai ngay Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để  trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Ngày 7/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát động chương trình thi đua "Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19". Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa của Chương trình "Sóng và máy tính cho em" mà Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp góp sức và hiến kế để thực hiện chương trình này. 

Trước đó, trong bài viết nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ, chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng gia đình. Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ giải quyết được 2000 điểm lõm sóng trên toàn quốc. Đầu năm 2023, 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh.  Trước năm 2025 thì cơ bản mỗi hộ có một đường Internet cáp quang siêu băng rộng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, các nền tảng số dùng chung là lời giải chính cho chuyển đổi số giáo dục. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng, đó là các platforms dùng chung toàn quốc.  Nhiều sản phẩm, giải pháp CNTT, dạy học trực tuyến đã được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam triển khai và cung cấp tới các trường học, tiêu biểu như: Viettel Study, VNPT E-Learning; AIC Học trực tuyến; Hệ thống VioEdu (vio.edu.vn) hỗ trợ học tập môn Toán các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 12; OLM.VN; Thanhedu.vn; Bigschool.vn…

Thực tế, bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các gói cước truy cập Internet giá rẻ và các gói thuê bao đường truyền Internet giảm giá phục vụ các trường, giáo viên, học sinh, sinh viên học trực tuyến, Bộ TT&TT đã hiệu triệu các doanh nghiệp tích cực phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống tiếp tục diễn ra theo cách không tiếp xúc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học trực tuyến và giải pháp cho học sinh dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid -19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO