Dự, chủ trì hội nghị cóPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75, Tổng Thư ký LHQ và Tổng Thư ký ASEAN.
Đây là hội nghị thường niên nhằm rà soát những tiến triển trong quan hệ đối tác toàn diện ASEAN-LHQ, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11 vào tháng 11/2020, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Các ưu tiên của ASEAN năm 2020 được triển khai mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của LHQ với vai trò là trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia và gắn kết các nỗ lực quốc tế bảo đảm hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững.
"ASEAN-LHQ ngày nay đã trở thành hình mẫu hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, trong khi đó Hiến chương LHQ là khởi nguồn cho sự ra đời của Hiến chương ASEAN. Những nỗ lực của ASEAN trong năm qua, vừa xây dựng cộng đồng, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên quan điểm ghi nhận những thành quả tích cực trong việc xây dựng cộng đồng, Phó Thủ tướng cho biết thêm: Các ưu tiên của ASEAN trong năm 2020 đang được triển khai mạnh mẽ với cách tiếp cận tổng thể, khoa học và hiệu quả đồng thời chia sẻ về những sáng kiến như thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả các mặt hoạt động, thay mặt ASEAN, Việt Nam đề nghị LHQ hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN ứng phó với Covid-19, phục hồi tổng thể. Các sáng kiến này bao gồm thành lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho vật tư y tế ASEAN, xây dựng Trung tâm khu vực về dịch bệnh khẩn cấp và Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh quyết tâm của ASEAN và LHQ bảo đảm vaccine Covid-19 trở thành hàng hóa phục vụ quảng đại quần chúng, giá thành phù hợp và đến với mọi người dân.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng tái khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN, được lãnh đạo khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tháng 6/2020 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 tháng 9-2020.
"Cần tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng thông báo cho các bên về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11 (diễn ra vào tháng 11/2020).
Cộng đồng LHQ đề cao năng lực dẫn dắt, điều phối hiệu quả của Việt Nam
Tại hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận, thống nhất, trong đó các vấn đề về tình hình khu vực và thế giới. Với tiếng nói chung, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa đến đời sống các quốc gia. Các đại biểu cùng nhau đề cao hợp tác đa phương, cam kết tiếp tục nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Các bên cho rằng triển khai hiệu quả lộ trình tương hỗ thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự LHQ về Phát triển bền vững 2030 là những đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững, không bỏ ai ở lại phía sau, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh và đối phó với các thách thức đang nổi lên.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75 và Tổng thư ký LHQ cùng quan điểm: ASEAN là đối tác không thể thiếu, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. LHQ đề cao năng lực dẫn dắt, điều phối hiệu quả của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020…
Đề cập tới các nỗ lực kiểm soát Covid-19, các đại biểu LHQ khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong giảm thiểu các tác động kinh tế, xã hội của dịch bệnh thông qua cùng nhau thúc đẩy phục hồi bao trùm, tự cường, bền vững và triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Hội nghị kết thúc, nhưng qua đây một lần nữa khẳng định thêm mục tiêu phấn đấu xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn. Các bên bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên cơ sở đó, hội nghị kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982-khung khổ cho mọi hoạt động trên biển.