Chính sách và chiến lược

Họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề nóng

Anh Minh 19:20 04/03/2024

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều chỉ đạo nhằm xử lý những vấn đề nóng như SIM rác, lừa đảo qua mạng…

Giải quyết vấn nạn lừa đảo qua mạng: “Cần xử lý nhanh vì đây là nỗi đau rất lớn”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đảm bảo sự phát triển lành mạnh trong các lĩnh vực là một ưu tiên hàng đầu. Ngành bưu chính đang phải đối mặt nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam và sử dụng chiến lược chi tiêu lớn để chiếm lĩnh thị trường thông qua các chương trình khuyến mãi, quảng cáo rầm rộ.

Vụ Bưu chính cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế.

bt-1.jpg
Bộ trưởng yêu cầu các sàn TMĐT cần được hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn tình trạng độc quyền.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cần được hướng dẫn cụ thể để ngăn chặn tình trạng độc quyền.

Vụ Bưu chính và Thanh tra Bộ đã tiến hành cuộc làm việc với hai sàn giao dịch chính trong lĩnh vực vận chuyển và chuyển phát bưu kiện. Bộ trưởng chỉ đạo cần xem xét và học hỏi cách thế giới đối mặt và giải quyết những vấn đề này. Hiện nay, các sàn thường có xu hướng “quây kín khách hàng vào rọ”, cung cấp đủ các dịch vụ, khiến khách hàng phụ thuộc vào nền tảng của họ. Điều này đặt ra những thách thức lớn.

Các mạng xã hội cũng đang tạo ra tình trạng độc quyền bằng cách thúc đẩy người dùng ở lại trong hệ sinh thái của chính mình và cung cấp mọi thứ mà họ cần. Điển hình là TikTok, không chỉ là một nền tảng xã hội mà còn là kênh bán hàng.

Chúng ta cần nhận ra điều này sớm và đưa ra biện pháp xử lý ngay từ bây giờ. Vấn đề vẫn còn dễ quản lý hơn khi các nền tảng này chỉ có ít người dùng, nhưng sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều khi số lượng người dùng tăng lên”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, lừa đảo trên không gian mạng được Bộ trưởng đề cập như một vấn nạn lớn, xảy ra với rất nhiều người, đặc biệt là người già. Lừa đảo qua điện thoại, giả danh cơ quan công quyền, rất phổ biến.

Bộ trưởng đề nghị nhanh chóng thực hiện yêu cầu "các cuộc gọi từ cơ quan công quyền phải hiển thị tên đơn vị", góp phần giảm tình trạng lừa đảo.

“Cần phải xử lý nhanh vì đây là nỗi đau rất lớn”, Bộ trưởng nói và giao đầu mối xử lý là Cục An toàn thông tin (ATTT). Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sớm tổ chức buổi họp chuyên đề để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

SIM rác cũng là một trong những vấn đề nóng cần phải được giải quyết triệt để. Việc mua bán SIM rác vẫn đang diễn ra phổ biến, gây nhiều hệ lụy không mong muốn, vì thế cần kiểm tra và xử lý nghiêm các điểm bán SIM rác của các nhà mạng, nếu phát hiện sai phạm, cần dừng kinh doanh ngay lập tức.

Thậm chí, Bộ trưởng yêu cầu, cần thiết thì phải cách chức người đứng đầu DN liên quan.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh rằng cả hai vấn đề, SIM rác và lừa đảo qua mạng, qua điện thoại, sẽ được tiếp tục thảo luận trong tuần này.

Đây là tình trạng tồn tại trong thời gian dài và có thể được giải quyết thông qua việc tiếp cận đúng đắn và các biện pháp cần thiết.

bt-2.jpg
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2024 của Bộ TT&TT.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tình trạng lan truyền thông tin tiêu cực trên không gian mạng hiện nay, với tỷ lệ lên tới 20%, vượt quá ngưỡng quy định là 10%. Điều này cho thấy tình hình vẫn đang ở mức độ cao và đáng báo động. Thông tin tiêu cực trên mạng thường đến từ nhiều nguồn, trong đó có báo chí. Để duy trì niềm tin của xã hội và sức mạnh của dân tộc, cần phải giảm tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí xuống dưới mức 15%.

Bộ TT&TT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế số

Cũng tại hội nghị giao ban, Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc luân chuyển cán bộ, từ đó tạo ra sự đổi mới. Qua việc thực hiện luân chuyển gần đây, các cán bộ được luân chuyển đã phát huy tốt vai trò mới của mình và được bổ nhiệm vào vị trí phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ tổng kết và hoàn thiện quy chế về luân chuyển, đúc rút thành nguồn kinh nghiệm và bài học quý giá.

Ngoài ra, đối với việc đào tạo cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ cần lập chương trình đào tạo nội bộ, đặc biệt là cho các cán bộ giữ các vị trí quan trọng như cấp trưởng các đơn vị. Sau khi nhận được bổ nhiệm mới, các cán bộ cần được đào tạo thêm về các kiến thức và kỹ năng cần thiết, cũng như cách thức tổ chức, lãnh đạo... Việc đào tạo cán bộ có thể tổ chức 1 năm 2 lần, tức là mỗi 6 tháng một lần.

Trong việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) cũng như thực hiện các nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định một cách tiếp cận hiệu quả chính là thực hiện các thí điểm mô hình nhỏ trước, khi có kết quả tích cực, thành công mới bắt đầu triển khai mở rộng và chi tiết hơn.

Bộ trưởng yêu cầu trong quý I năm 2024, Cục CĐS Quốc gia, Vụ Kinh tế số và Xã hội số và Cục ATTT đánh giá lại những thành tựu và kết quả đã đạt được từ các dự án thí điểm, nhằm xem xét khả năng nhân rộng. Các thành tựu và kinh nghiệm thu được sẽ được sử dụng để lập hướng dẫn, kế hoạch và quy trình thực hiện các dự án thí điểm mới, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề về kinh tế số, CĐS.

Trong vai trò quản lý nhà nước, việc kiến tạo thể chế và thực thi chính sách đều rất quan trọng. Thể chế không đủ tốt thì việc thực thi cũng không thể đạt được hiệu quả cao. Do đó, có thể coi thể chế là điều kiện cần và việc thực thi là điều kiện đủ để đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Theo Bộ trưởng, năng lực quản lý nhà nước đầu tiên của các cán bộ là khả năng xây dựng và hoàn thiện thể chế. Để làm điều này, các cán bộ cần am hiểu thực tế, nâng cao kiến thức lý luận. Điều này là cần thiết để có thể thiết kế và thực hiện các thể chế phù hợp với yêu cầu và tình hình cụ thể.

Ngoài ra, trong xây dựng thể chế, việc nghiên cứu và học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới, như thể chế số. Đầu tiên, cần có cơ sở dữ liệu (CSDL) về các quốc gia khác để hiểu rõ họ đã thực hiện như thế nào. Do đó, mỗi lĩnh vực và mỗi đơn vị cần xây dựng và cập nhật CSDL này để có thể áp dụng và điều chỉnh thể chế một cách linh hoạt và hiệu quả.

Trong việc xây dựng thể chế số, Bộ TT&TT sẽ tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất một bộ thể chế số phù hợp cho Việt Nam, như nghiên cứu các điều luật, chiến lược và quy hoạch liên quan trong từng lĩnh vực. Đồng thời, Bộ TT&TT xem xét những vấn đề còn thiếu và đề xuất các bổ sung cần thiết, cũng như quyết định những phần nào của văn bản cũ cần được cập nhật hoặc phải ban hành văn bản mới.

Quá trình này sẽ liên quan đến những công việc như thu thập, biên dịch, biên soạn và tóm tắt các thể chế số mới của các nước thành một CSDL. CSDL này sẽ cung cấp thông tin về các những trường hợp điển hình (use case) của các quốc gia, nhằm giới thiệu các thành công và học hỏi từ kinh nghiệm của họ. Trường hợp điển hình này có thể bao gồm các ví dụ về CĐS quốc gia, tăng trưởng viễn thông, quản lý viễn thông, hay các định hướng mới và không gian mới của nhà mạng.

“Nghiên cứu trường hợp điển hình là một trong những cách tốt nhất, dễ hiểu và dễ áp dụng nhất. Chúng phải được thiết kế sao cho dễ hiểu, khả thi và chi tiết, giúp người đọc dễ dàng áp dụng vào thực tế”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO