Truyền thông

Hướng đến một hệ thống cơ quan hành chính chuyên nghiệp

TQ 15/11/2024 08:22

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam luôn xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể để phát triển.

Đưa dịch vụ công sang giai đoạn mới

Để một quốc gia phát triển việc áp dụng dịch vụ công, bảo đảm thực hiện dịch vụ công là phục vụ người dân và tổ chức. Dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng đến mục tiêu công bằng, văn minh, không phân biệt giai cấp và mang tính cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Đưa dịch vụ công trực tuyến chuyển sang giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu.

Dịch vụ công mang lại môi trường minh bạch, hướng đến mục tiêu công bằng, văn minh.

Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020 dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực.

Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử; Chính phủ đã ban hành 06 nghị định; các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 04 thông tư. TTHC, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC. Cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024.

Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành đạt 43,4% (tăng 23% so với năm 2023), của địa phương đạt 64,3% (tăng 35% so năm 2023).

Ngoài ra, hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% cơ quan Nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng, 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 Bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước gắn chíp; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID.

Để dịch vụ công mang lại hiệu quả

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết để bước vào giai đoạn 3 phát triển theo chiều sâu, Việt Nam cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan Nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các Bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Cụ thể, năm 2024, với các Bộ, ngành: Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70% đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các Bộ, ngành tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85% đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%.

Theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm xây dựng khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan Nhà nước: Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế. Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển nhân lực số, các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Khung bao gồm các nội dung chính: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.

Từ thực tế hiện nay công trực tuyến mang lại đáng kể hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp một cách thuận tiện, đơn giản. Bên cạnh đó trong công tác cải cách TTHC thực chất vẫn còn một số điểm nghẽn còn chậm, thủ tục còn rườm rà, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp toàn trình. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ của địa phương mới đạt 17 %, mục tiêu đến năm 2025 là tối thiểu 80%. Việc tái sử dụng dữ liệu để người dân chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn thấp. Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước triển khai TTHC nội bộ trên môi trường điện tử. Nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá. Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong khắc phục, tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến diễn ra hồi tháng 8/2024 với khẳng đinh: “Người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực tiễn cũng cho thấy “không có gì là không thể”, vấn đề là có quyết tâm làm, có biết cách làm, cách huy động nguồn lực, sức mạnh của người dân và doanh nghiệp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hay không. Tinh thần là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã bàn là phải thông, đã ra quân là chiến thắng”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến một hệ thống cơ quan hành chính chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO