CĐS là cơ hội của xuất bản phẩm điện tử
CĐS là xu hướng tất yếu mà đại dịch đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn, cơ hội của xuất bản phẩm điện tử cũng được nhìn thấy rõ hơn. Trong bối cảnh CĐS như một xu hướng tất yếu trên mọi lĩnh vực, thị trường xuất bản phẩm điện tử mở ra nhiều tiềm năng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức với các nhà làm sách.
Mới đây, trong tham luận tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2021, NXB Kim Đồng cho biết trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, lượng tiêu thụ các xuất bản phẩm điện tử có nhiều khởi sắc. Nhu cầu đọc sách, nghe sách qua màn hình tăng đáng kể.
Theo báo cáo từ Bookwire (công ty phân phối hơn 50.000 audio book) và nghiên cứu của Rüediger Wischenbart (trang chuyên nghiên cứu thị trường sách ở Áo), từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu bán sách ở định dạng số (ebook, audio book, podcast...) tăng trưởng đáng kể ở các quốc gia như Canada, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Italy, Mexico, Brazil và Tây Ban Nha.
Trong đại dịch, người đọc vẫn tìm được những cuốn sách họ muốn. Các đơn vị xuất bản trên thế giới làm sách với nhiều định dạng. Độc giả có nhiều nơi để mua và trải nghiệm sách. Khi nhà sách quen thuộc đóng cửa, họ tìm được sách ở định dạng số.
Ở Việt Nam, với tình hình xuất bản trong nước, việc thích ứng linh hoạt trước tình hình dịch bệnh, là thách thức cũng như cơ hội để các đơn vị xuất bản buộc phải trở mình mong bắt kịp xu thế xuất bản, định hướng người đọc.
Với NXB Kim Đồng, từ 10 năm trước, khi ebook bắt đầu được hình thành ở Việt Nam, NXB đã chú trọng, đầu tư thư viện điện tử cho sử dụng miễn phí trên nền tảng website của NXB như một cách thăm dò và từng bước tạo thói quen mới cho người đọc.
Những năm trở lại đây, NXB Kim Đồng đã có những hợp tác bước đầu, đồng hành với các đơn vị sách nói như Voiz FM - Sách nói và Podcast (thuộc công ty CP công nghệ WEWE). Tháng 9/2021, NXB chính thức ký kết hợp tác với Công ty CP Fonos, phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng Fonos - với nhiều tính năng công nghệ vượt trội đã mang đến những trải nghiệm "đọc" mới mẻ và thú vị cho bạn đọc thanh thiếu nhi.
Tuy nhiên, NXB Kim Đồng cũng đề cập thẳng thắn rằng, để tổ chức xuất bản điện tử hiện nay luôn là điều không mấy dễ dàng với những đơn vị xuất bản truyền thống.
"Khó khăn lớn nhất là việc phải đầu tư cả hệ thống nhân lực lẫn vật lực. Cơ cấu nhân sự của đơn vị vẫn là tập trung chủ yếu vào sách giấy. Khó khăn nữa là vấn đề về tác quyền, sở hữu trí tuệ, rồi hiểu biết về công nghệ. Yếu tố công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng, phát triển và thành công của xuất bản phẩm điện tử".
Hướng đi CĐS cho xuất bản Việt Nam
Trước những thời cơ và thách thức trong việc CĐS thì các NXB đã có những bước đi như thế nào để phát triển? NXB Kim đồng đã có những định hướng rất rõ ràng: Xem xét, đẩy mạnh CĐS hơn nữa; tập trung cho sản xuất nội dung số, xuất bản số, truyền thông số; Kết hợp 2 hình thức: tự đầu tư và hợp tác với các đối tác để thực hiện; Xây dựng các chương trình tương tác, hoạt cảnh, các hoạt động STEM dưới dạng clip phát trên các nền tảng số; Lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm quản lý hoạt động xuất bản phù hợp yêu cầu mới.
Còn theo ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà Văn, số hóa là một xu thế không thể cưỡng lại, và rất có thể là một hình thức xuất bản cũng như hình thức đọc chủ yếu của tương lai. NXB Hội Nhà văn đã tiến hành làm các thủ tục để xin được xuất bản sách điện tử. Tất cả các nền tảng kỹ thuật đã được chuẩn bị đồng bộ, chỉ chờ được phê duyệt, cấp phép là đi vào hoạt động; dự kiến có thể hiện thực hóa được kế hoạch ngay trong quí I, hoặc quí II năm 2022.
"Cũng không chỉ dừng ở chủ trương đón đầu xu thế, NXB Hội Nhà văn cũng đã có một kế hoạch sách số trong tương quan tự chủ và cùng làm với các đối tác tin cậy", Giám đốc NXB Hội Nhà Văn chia sẻ.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc NXB TT&TT, đã đưa ra 9 giải pháp cơ bản, cụ thể gồm:
(1) Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ;
(2) Sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tik tok...; sản xuất podcast, audio book...);
(3) Cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả;
(4) Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các đánh giá (review) của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản;
(5) Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản bởi ngày nay "nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng";
(6) Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới, sáng tạo các sản phẩm xuất bản độc đáo, đặc sắc.
"Cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ là tạo ra sách, mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm", ông Đạt cho hay.
(7) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong biên tập, đọc, duyệt bản thảo sách;
(8) Xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu CĐS như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ.
Đặc biệt, ông Đạt cho biết các NXB có lợi thế rất lớn là có kho dữ liệu phong phú về các lĩnh vực, có thể liên kết với nhau để môi giới, giới thiệu bán các dữ liệu cho những đơn vị tổ chức hoặc cá nhân cần dùng. Tất nhiên, việc môi giới, bán dữ liệu phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ;
(9) Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện CĐS.
Theo đó, ông Đạt nhấn mạnh: "CĐS là chuyển đổi tư duy đã thành lối mòn của chúng ta bao lâu nay, chứ CĐS không phải là chuyển đổi công nghệ"./.