Sáng 12/1, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và Toàn án nhân dân tối cao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính (CCHC).
Xây dựng Tòa án điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá.
Tuy nhiên, Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc triển khai các nội dung này chủ yếu tập trung tổ chức thực hiện ở nội khối các cơ quan hành chính nhà nước, mà dường như còn thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với quá trình cải cách giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc ký kết Quy chế phối hợp không chỉ là sự kiện quan trọng của hai cơ quan VPCP và Tòa án nhân dân Tối cao, mà còn đánh một dấu mốc trong việc gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa công tác cải cách, xây dựng CPĐT của cơ quan hành chính nhà nước với công tác CCHC tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử của cơ quan tư pháp để tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của cả hai cơ quan.
Cũng Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến nay, VPCP và Tòa án nhân dân Tối cao đã kết nối thành công, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Tòa án nhân dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), gồm: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, án lệ; nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử; đăng ký cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; thanh toán tạm ứng án phí được thí điểm tại Hà Nội.
"Quy chế này cũng là cơ sở để VPCP nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Việc ký kết Quy chế này sẽ tạo cơ sở cho công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia
Để thực hiện Quy chế đã ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị VPCP và Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp tiếp tục mở rộng triển khai gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia đến tất cả các cơ quan Tòa án nhân dân, và giữa các cơ quan Tòa án nhân dân với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Đồng thời, tăng cường việc ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản và xử lý công việc trên môi trường điện tử của hệ thống Tòa án nhân dân.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Tòa án thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia để tạo thuận lợi trong quá trình trao đổi dữ liệu trong nội bộ hệ thống Tòa án và với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Cùng với đó là hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Tòa án và kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao.
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh hệ sinh thái trong công tác phục vụ người dân, DN trên môi trường điện tử thông qua việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT của ngành Tòa án nhân dân trên Cổng DVCQG, tạo cơ sở hình thành DN, công dân điện tử, chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, việc chung tay xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với việc đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước, cũng như các TTHC tư pháp của Tòa án liên quan đến người dân, DN; phối hợp theo dõi, cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản DN trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Tòa án nhân dân Tối cao, việc ký kết Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng CPĐT, Tòa án điện tử giữa VPCP và Tòa án nhân dân là cơ sở, điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng và hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới toàn diện tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân Tối cao.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan để kết nối văn bản của Tòa án nhân dân Tối cao, tích hợp dịch vụ công lên Cổng DVCQG bước đầu ở 5 dịch vụ công nêu trên.
Đồng thời, việc ký kết Quy chế phối hợp là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy, trao đổi thông tin nhanh chóng, hiệu quả minh bạch giữa VPCP và Tòa án nhân dân Tối cao, cũng như phục vụ người dân, DN tốt hơn, có tác động tích cực đến cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Việc ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan còn là điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân Tối cao triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác của Tòa án, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Các đơn vị của Tòa án nhân dân Tối cao sẽ thực hiện nghiêm các nội dung của Quy chế phối hợp.
Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị các đơn vị của hai cơ quan tăng cường phối hợp, tham vấn lẫn nhau trong đề xuất, xây dựng các văn bản liên quan ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, Tòa án điện tử. Thường xuyên phối hợp, rà soát các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định kỳ đánh giá phối hợp giữa hai cơ quan, đưa ra định hướng phát triển về CNTT trong các lĩnh vực liên quan để phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.