Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các nhiệm vụ về CCHC vẫn được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch, trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, việc áp dụng một cửa điện tử trong tiếp nhận và giải quyết TTHC đạt hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao; công tác rà soát TTHC được thực hiện thường xuyên; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC, giảm chi phí, giảm thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Kết quả cụ thể
Về công tác cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh; ban hành 13 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý của 09 sở, ngành với tổng số 1.865 TTHC (trong đó, công bố mới 933 TTHC, sửa đổi 02 TTHC, bãi bỏ 930 TTHC). Các TTHC sau khi công bố đã được cập nhật, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; ban hành 04 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông Vận tải, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông. Tổng số TTHC của tỉnh là 1.887 TTHC, số TTHC thực hiện liên thông cùng cấp là 52 TTHC, số TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền là 38 TTHC, 100% TTHC đã được xây dựng quy trình nội bộ.
UBND tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận 04 phản ánh, kiến nghị (03 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính và 01 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính). Các phản ánh, kiến nghị đã được xử lý và đăng tải trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng thời gian quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tổ chức niêm yết, công khai TTHC, các cán bộ công chức đến làm việc tại Trung tâm nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ TTHC, giải quyết TTHC đảm bảo đúng hạn. 6 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ được giải quyết đúng hạn trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao (99,70 %). 100% hồ sơ được xử lý, giải quyết đúng quy trình thông qua Hệ thống thông tin điện tử một cửa và đồng bộ, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã gửi/nhận trên 902.088 văn bản trên toàn tỉnh; hệ thống liên thông văn bản các cơ quan trong tỉnh và kết nối với Chính phủ; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện được công bố, thực hiện trên Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh (1.072 DVC cấp tỉnh, 115 DVC cấp huyện và 44 DVC cấp xã).
Toàn tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh phục vụ phát triển đô thị thông minh, đến nay đã phối hợp với Viettel xác định giải pháp kỹ thuật, lộ trình, triển khai hoàn thành 10/11 hạng mục.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về cải cách thể chế, cải cách tài chính công, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ của tỉnh cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch (xử lý 02 văn bản không phù hợp; tuyển dụng 21 công chức; bổ nhiệm 10 lãnh đạo cấp sở; cử 12 cán bộ, công chức lãnh đạo tham gia lớp bồi dưỡng nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 05 công chức tham dự lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương tại Học việc Hành chính quốc gia; tinh giản biên chế đối với 24 trường hợp; thực hiện giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với 100% cơ quan, đơn vị; …).
Những nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ về CCHC đã được ghi nhận ở kết quả đánh giá chỉ sổ CCHC năm 2020. Theo đó, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019 và tăng 6 bậc so với năm 2018. Chỉ số PCI của Thái Nguyên năm 2020 cũng được cải thiện, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2019.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử và đẩy mạnh cải cách TTHC
Chỉ số CCHC không phải chỉ là vị trí cao thấp trên bảng xếp hạng, mà CCHC đã và đang đem lại những thành quả thực chất cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Việc tiếp tục giữ vững và tăng điểm các chỉ số CCHC sẽ là công việc dài hơi và liên tục, nhằm thể hiện mạnh mẽ nỗ lực xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp nhiệm vụ kỳ 2021-2026; Tổ chức đánh giá kết quả chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Thái Nguyên năm 2020, xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả năm 2021; Xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; Xây dựng Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử và đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh…