Khai phá tiềm năng của kinh tế số ở các vùng lãnh thổ Palestine

Ngọc Diệp| 23/05/2021 15:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển kinh tế số là công cụ giúp củng cố khả năng phục hồi của Palestine trong thời gian khủng hoảng hiện nay, bảo đảm nền kinh tế Palestine kết nối tốt hơn và mang lại hiệu quả lâu dài, từ đó bảo vệ cuộc sống và tính mạng của người dân.

Khủng hoảng kép tại Dải Gaza đè nặng lên hệ thống y tế

Căng thẳng leo thang giữa Israel-Palestine đã kéo dài nhiều năm. chưa biết bao giờ chấm dứt. Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế mong manh của dải Gaza lại đã phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Các nhà chức trách đã phải dọn dẹp phòng mổ của bệnh viện để có chỗ cho bệnh nhân Covid-19 và tạm dừng các hoạt động chăm sóc y tế không cần thiết.

Khai phá tiềm năng của kinh tế số ở các vùng lãnh thổ Palestine - Ảnh 1.

Xung đột Israel-Palestine vẫn đang tiếp diễn

Chìm trong nhiều năm xung đột, hệ thống y tế tại vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân luôn trong tình trạng dễ bị tổn thương. Sự phong tỏa gần 14 năm do Israel và Ai Cập áp đặt đã bóp nghẹt cơ sở hạ tầng của Dải Gaza. Các bệnh viện tại đây thiếu thiết bị và vật tư y tế, từ túi máu, đèn phẫu thuật, thuốc gây mê, kháng sinh cho tới các thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở và bình oxy.

Khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Bethlehem, Bờ Tây vào ngày 15/3/2020, Palestine đã ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% và 24% người Palestine đang sống dưới mức nghèo đói với thu nhập chỉ 5,5 USD/ngày. Những chiến dịch phong tỏa và cấm vận kinh tế đối với Chính phủ Palestine khiến các khoản tài trợ giảm xuống còn khoảng 266 triệu USD, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, Chính quyền Palestine (PA) thiếu năng lực kỹ thuật và tài chính để đối phó với sự bùng phát của đại dịch.

Kể từ đó, số ca tử vong do Covid-19 đã nhanh chóng vượt qua 2.300 người. Các biện pháp đóng cửa càng gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình tài chính của Palestine. Dự kiến tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng lên 30% ở Bờ Tây và 64% ở dải Gaza vào năm 2021. Cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết, Chính quyền Palestine cho đến nay chỉ nhận được 83.440 liều vắc-xin và kế hoạch tiêm phòng vắc-xin đang đối mặt với khoản thiếu hụt 30 triệu USD.

Chính quyền Palestine đã thực hiện một số biện pháp để bảo vệ người dân khỏi tác động của cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do không được vay vốn bên ngoài và không có chính sách tiền tệ độc lập, sự cạn kiệt về không gian tài khóa đã khiến Chính quyền Palestine không thể triển khai các biện pháp bảo vệ xã hội.

Thúc đẩy nền kinh tế số phát triển

Đại dịch đã khiến người dân Palestine bị cô lập và các cơ sở của chính phủ phải đóng cửa. Trong bối cảnh không có kết nối Internet đáng tin cậy nhiều người dân và doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận thông tin và các dịch vụ thiết yếu.

Khi đó, các giải pháp kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của nền kinh tế và xã hội: cung cấp truy cập Internet, khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, sử dụng mạng xã hội để đảm bảo người dân được cập nhật thông tin, và thậm chí triển khai việc học tại nhà cho một số trường học. 

Khai phá tiềm năng của kinh tế số ở các vùng lãnh thổ Palestine - Ảnh 2.

Paltel, nhà khai thác viễn thông lớn nhất tại quốc gia này, đã tăng gấp đôi tốc độ truy cập Internet tại nhà cho các thuê bao của mình, như một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ người dân trong giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi nhanh chóng sang môi trường số đã làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa những người được kết nối Internet và những người không có kết nối Internet. Người dân và doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực đặc biệt khó khăn thường thiếu kết nối Internet. Khả năng cung cấp dịch vụ điện tử và ứng phó với các tình huống khẩn cấp hiện tại của Chính quyền Palestine còn thấp, do hệ thống ứng phó khẩn cấp bị chia cắt và thiếu trang bị. Điều này đã khiến nhiều người dân dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là phụ nữ.

Trong khi đó, những người có kết nối Internet thường thì tốc độ đường truyền cũng rất thấp. Chỉ 7% người dân Palestine sở hữu dịch vụ băng rộng cố định vào năm 2019 và do các hạn chế về phổ tần đối với các nhà khai thác viễn thông Palestine, người dùng bị giới hạn ở băng thông rộng di động 2G ở Gaza và 3G ở Bờ Tây. Để truy cập Internet nhanh hơn và rẻ hơn, nhiều người Palestine đã chuyển sang các nhà khai thác trái phép của Israel, làm gia tăng những rủi ro trong tương lai đối với ngành viễn thông Palestine.

Theo nguồn tin ngày 30/4 của hãng thông tấn WAFA, Palestine cho hay Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây thông qua một chiến lược hỗ trợ 4 năm cho các vùng lãnh thổ Palestine. Chiến lược này sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc sống và bảo đảm dịch vụ, cũng như nhấn mạnh hơn tới đầu tư cải cách cho nền kinh tế Palestine kết nối tốt hơn và mang lại hiệu quả lâu dài.

Theo Giám đốc phụ trách Bờ Tây và Gaza Kanthan Shankar, "do khó khăn tiếp diễn, trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch COVID-19, Palestine cần nhanh chóng củng cố khả năng hồi phục. Chiến lược mới của WB sẽ nhằm bảo vệ cuộc sống và tính mạng, cũng như đưa vấn đề việc làm lên ưu tiên hàng đầu".

Chiến lược mới sẽ tập trung vào cuộc sống của người dân Palestine, đặc biệt là những người nghèo và dễ tổn thương, cũng như phụ nữ và thanh niên. Chiến lược mới sẽ coi kinh tế số là công cụ bảo đảm cơ hội kinh tế quan trọng cho thanh niên, hướng tới một xã hội năng động hơn.

Cụ thể, dự án "Digital West Bank và Gaza" với số tiền lên tới 20 triệu USD sẽ hỗ trợ Chính  quyền Palestine tăng tốc chuyển đổi số theo cách tiếp cận hệ sinh thái, nhắm mục tiêu đồng thời vào một số lĩnh vực của nền kinh tế số.

Từ góc độ thể chế, dự án sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý viễn thông nước này thiết lập một môi trường pháp lý cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật số. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI) và cơ quan cấp chứng chỉ (CA) cho chữ ký điện tử sẽ cho phép triển khai một loạt các giao dịch số. Một trung tâm ứng cứu khẩn cấp cũng sẽ được thành lập để giải quyết tất cả các sự cố khẩn cấp và sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để điều phối những công tác khẩn cấp.

Về lĩnh vực viễn thông, dự án sẽ hỗ trợ việc thành lập một cơ quan quản lý độc lập nhằm thúc đẩy cạnh tranh và minh bạch, hướng tới việc tăng cường khả năng truy cập Internet tốc độ cao thông qua cơ sở hạ tầng cáp quang của Chính quyền Palestine và hỗ trợ băng thông cho các cơ sở công cộng ở vùng sâu vùng xa, cải thiện việc cung cấp dịch vụ của chính quyền địa phương.

WB cũng sẽ hỗ trợ Chính quyền Palestine cung cấp các dịch vụ điện tử, bao gồm việc phát triển chiến lược chính phủ điện tử quốc gia, kiến trúc doanh nghiệp và hệ thống mua sắm điện tử hiện đại.

Các giải pháp số sẽ giúp người dân Palestine tối đa hóa cơ hội của họ trong một môi trường mà việc di chuyển và các giao dịch trực tiếp bị hạn chế.

Chỉ đến khi các hạn chế về cơ sở hạ tầng, việc hạn chế di chuyển và phổ tần băng rộng được gỡ bỏ, nền kinh tế Palestine mới có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bằng cách đầu tư vào chuyển đổi số, các vùng lãnh thổ Palestine sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với những cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt cho các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp và giới doanh nhân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khai phá tiềm năng của kinh tế số ở các vùng lãnh thổ Palestine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO