Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ

PV| 06/09/2022 15:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Ngày 8/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết là triển khai đầy đủ các nội dung kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính có liên quan đến Chính phủ; thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm.

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ - Ảnh 1.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ xác định nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra là: Tăng cường năng lực, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài chính, ngân sách; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý  khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu của Chương trình hành động là tập trung hoàn thiện thể chế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của Ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư ý tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ cụ thể hóa các nhiệm vụ và tổ chức thực hiện Chương trình hành động này. Hàng quý, 6 tháng, 1 năm và đột xuất khi có yêu cầu phải báo cáo kết quả thực hiện.

Riêng các Vụ I, II, III, Cục I, II, III, IV tập trung triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm; qua công tác thanh tra, bên cạnh việc phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm phải quan tâm phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó Tổng Thanh tra Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cục, vụ, đơn vị giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo ngay sau khi được ban hành nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng dữ liệu…

Công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm…); phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Về công tác xây dựng thể chế và xây dựng Ngành, sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba, tháng 5/2022; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như nghị định thay thế Nghị định 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…

Đối với công tác cải cách hành chính, công tác tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; quản lý hành chính về hiện đại hóa nền hành chính cần triển khai thực hiện tốt những nội dung trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 đã được ban hành. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng là một trong các nhiệm vụ của Chương trình này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO