Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng hỗ trợ hiệu quả cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới

Ánh Dương| 21/03/2022 08:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng của dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) được triển khai trên mọi lĩnh vực, TP. Đà Nẵng đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung phục vụ nhu cầu chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, báo cáo và ra quyết định của lãnh đạo thành phố (TP) cũng như cung cấp nguồn dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Báo cáo về Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2018, 2020 của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số (CPS), nền kinh tế số, xã hội số. Chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ.

Tại Việt Nam, trong Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định quan điểm phát triển dữ liệu trong CPS, đó là: "Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan Nhà nước (CQNN) mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số. Các CQNN kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho CQNN và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu".

Trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT, CPĐT và chính quyền điện tử đã hình thành một số cơ sở dữ liệu (CSDL). Tuy nhiên, nhiều CSDL hiện có tồn tại rải rác, đặc biệt là không đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng và tính duy nhất để sử dụng hiệu quả, không được chia sẻ để sử dụng chung.

Đồng thời, với sự xuất hiện của hàng triệu thiết bị thông minh như điện thoại di động, camera, cảm biến,... dữ liệu sinh ra ngày càng phức tạp, khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, yêu cầu xử lý theo thời gian thực, đa dạng về chủng loại gồm có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc. Sự phức tạp này khiến cho các phần mềm quản lý dữ liệu và báo cáo nghiệp vụ thông thường không còn phù hợp với dữ liệu lớn.

Để tận dụng hiệu quả tiềm năng của dữ liệu, TP. Đà Nẵng đã thực hiện đầu tư xây dựng nền tảng Kho dữ liệu dùng chung. Với việc thu thập dữ liệu từ các nguồn CSDL khác nhau, thực hiện trích xuất, làm sạch, biến đổi, tập hợp và chuẩn hóa các nguồn dữ liệu của toàn TP, tạo nên một kho dữ liệu tập trung phục vụ cho nhu cầu chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, báo cáo cũng như ra quyết định của lãnh đạo TP.

Kho dữ liệu dùng chung của TP. Đà Nẵng hoạt động như thế nào?

Việc xây dựng nền tảng Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và phù hợp với xu hướng CĐS, xây dựng thành phố thông minh (TPTM) hiện nay của Trung ương và TP.

Từ năm 2020, TP đã tiến hành nghiên cứu, hình thành nền tảng Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) tổng quát, linh hoạt, có khả năng thu nhận, hợp nhất dữ liệu đến từ nhiều nguồn, hỗ trợ làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu để phân tích, xử lý dữ liệu lớn, ra quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó phục vụ triển khai Chính quyền điện tử, chính quyền số, TPTM một cách hiệu quả. Đồng thời cũng là đầu mối duy nhất chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khác khai thác, sử dụng, cung cấp dữ liệu mở cho người dân và DN.

Theo đó, Kho dữ liệu dùng chung chia sẻ dữ liệu cho các ứng dụng của các CQNN; cung cấp dữ liệu cho Cổng dữ liệu mở thành phố (https://congdulieu.vn hoặc https://opendata.danang.gov.vn) để công khai thông tin, chia sẻ dữ liệu cho người dân, cho DN hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; cung cấp dữ liệu để phân tích, xử lý, khai phá và hỗ trợ việc ra quyết định;…

Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng hỗ trợ hiệu quả cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới - Ảnh 1.

Mô hình tổng quan Kho dữ liệu dùng chung của TP. Đà Nẵng.

Điểm nổi bật của Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng là có thể làm việc với đa dạng loại dữ liệu (có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc) đến từ nhiều nguồn khác nhau (excel, CSV, dữ liệu camera, mạng xã hội, logfile, thiết bị IoT, dữ liệu GIS...); cho phép định nghĩa tùy biến luồng thu nhận, kiểm tra, hợp nhất và chuẩn hóa dữ liệu một cách linh hoạt; cung cấp cơ chế "tường lửa dữ liệu" (Data Firewall) giúp lọc dữ liệu không hợp chuẩn, cho phép người quản trị dữ liệu thực hiện việc chuẩn hóa.

Kho dữ liệu được tích hợp với Trục tích hợp liên thông TP (LGSP) để kết nối đến các CSDL nền (công dân, DN, nhân hộ khẩu, đất đai) và các CSDL chuyên ngành của các sở, ban, ngành, quận huyện nhằm thu thập dữ liệu; cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu (bao gồm dữ liệu thô, dữ liệu chuẩn hóa, dữ liệu phân tích) cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh và các hệ thống ứng dụng khác.

Đồng thời, Kho dữ liệu cũng sẵn sàng kết nối, tích hợp với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và Trục liên thông quốc gia (NGSP) để thu nhận dữ liệu từ các CSDL quốc gia và CSDL của các Bộ, ngành Trung ương.

Đặc biệt, hệ thống có khả năng mở rộng mà không phải thay đổi kiến trúc hệ thống; đảm bảo hiệu năng cao với cơ chế hoạt động song song, đa luồng trong môi trường phân tán, truy xuất dữ liệu nhanh khi dữ liệu ngày càng lớn theo thời gian, đảm bảo số lượng giao dịch nhiều người cùng lúc.

Kho dữ liệu dùng chung hỗ trợ hiệu quả cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới

Kho dữ liệu dùng chung (https://khodulieu.danang.gov.vn) là một trong những hợp phần của Nền tảng đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Công văn số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019. Hiện nay, Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) áp dụng đối với dữ liệu có cấu trúc, đang tiếp tục mở rộng để áp dụng với dữ liệu phi/bán cấu trúc.

Kho dữ liệu dùng chung đã được tích hợp với 9 nguồn dữ liệu: CSDL công dân; CSDL nhân, hộ khẩu; CSDL DN; CSDL bảo hiểm xã hội; CSDL cấp phép xây dựng; CSDL cấp phép lái xe; CSDL du lịch; CSDL đất đai; CSDL môi trường.

Trên cơ sở Kho dữ liệu được làm sạch, chuẩn hóa, các cơ quan, địa phương cũng đã tích cực khai thác, sử dụng để cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới.

Thời gian vừa qua, TP. Đà Nẵng đã triển khai thí điểm sử dụng dữ liệu điện tử (CSDL đất đai, CSDL nhân hộ khẩu, CSDL DN) để thay thế thành phần hồ sơ thủ tục hành chính phải nộp tại hầu hết các sở, ngành có liên quan và UBND cấp quận, phường.

Trong bối cảnh dịch bệnh, TP đã phân tích, khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, hiệu quả như khai thác CSDL bảo hiểm xã hội, CSDL DN để cấp giấy đi đường QRCode; phân tích dữ liệu khai báo y tế để biết, cảnh báo sớm người có nguy cơ (ho, sốt, người về từ vùng dịch, tiếp xúc với F0)...

Bên cạnh đó, Kho dữ liệu cũng được sử dụng hỗ trợ phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định của lãnh đạo TP. Từ đó, góp phần nâng cao sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp địa phương về tính hiệu quả của dữ liệu số, tạo thói quen xây dựng và chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, từ Kho dữ liệu dùng chung này, TP. Đà Nẵng cũng đã mở dữ liệu của CQNN; đến nay đã cung cấp gần 600 dữ liệu mở cho người dân, DN khai thác thông qua API, SMS, Zalo, web.

Kho dữ liệu không chỉ đóng vai trò quan trọng công tác quản lý, điều hành, báo cáo, và ra quyết định của lãnh đạo TP, mà nó cũng hữu ích với người dân và cộng đồng DN. Những nguồn dữ liệu mở có thể góp phần tạo động lực cho các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khai thác dữ liệu tạo ra sản phẩm mới, giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Trên thực tế, Đà Nẵng cũng dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, giám sát, phân tích và xử lý để giải quyết các thách thức trong quản lý đô thị hiện đại. Do đó, đối với TP. Đà Nẵng, dữ liệu cũng chính là hạ tầng và là yếu tố quyết định trong xây dựng và phát triển TPTM.

Nhằm hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN được thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin mạng các kết nối trên quy mô toàn quốc, góp phần đẩy nhanh CĐS, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 677/BTTTT-THH ngày 03/3/2022 về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các CQNN có ý nghĩa quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí, tạo tiền đề thúc đẩy CĐS nhanh tại Việt Nam trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN, đặc biệt là dữ liệu từ các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và DN không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho CQNN, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng hỗ trợ hiệu quả cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO