Không gian số mới: Cơ hội tăng trưởng vàng cho tổ chức, cá nhân
Các chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) nhận định Việt Nam đang đón những cơ hội mới để tăng trưởng nhờ sự phát triển của Internet và công nghệ.
Việc kết nối Internet đã trở nên phổ cập, chi phối đời sống kinh tế và xã hội (KT-XH) của nhân loại trong bối cảnh trên, Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2023 được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức lần thứ 11 với chủ đề “Không gian mới, Cơ hội mới cho Internet Việt Nam” (Internet Vietnam: New Spaces, New Opportunities) ngày 22/11 nhằm bàn thảo các nội dung chuyên sâu về những cơ hội to lớn từ không gian số cho doanh nghiệp (DN), tổ chức và người dân.
Các tổ chức, cá nhân đều sẽ vận hành thế giới ảo của riêng mình
Chia sẻ với các đại biểu về tương lai của Internet, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn thì cần không gian mới, không gian mới là kinh tế số. Không gian mới muốn to hơn thì cần động lực mới, động lực mới là sáng tạo số. Vậy Internet ở đâu trong quá trình phát triển này?
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định chuyển đổi số (CĐS) là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển đất nước, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà nền tảng là sáng tạo số.
“Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải CĐS. CĐS, bất kể hình thức nào, đều được xây dựng trên Internet và do đó, Internet luôn cần rộng hơn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”.
Kinh tế số sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng các nền tảng số để tăng năng suất lao động và công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Một thực tế không thể phủ nhận là Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người ngày nay. Theo Statista, việc kết nối Internet đã trở nên phổ cập, chi phối đời sống kinh tế và xã hội (KT-XH) của nhân loại. Tính đến tháng 10/2023, đã có 5,4 tỷ người dùng Internet trên toàn thế giới, chiếm 67% dân số toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, chúng ta đang bước vào Internet thế hệ mới với sự bùng nổ của các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, 5G/6G… với kết nối mật độ cao, độ trễ thấp, băng thông siêu rộng.
Trong tương lai, theo Thứ trưởng, các hoạt động trực tuyến (kỹ thuật số) sẽ là sự hợp nhất giữa thế giới ảo và thế giới vật lý để tạo ra những trải nghiệm chân thực, sống động. Các tổ chức, cá nhân đều sẽ vận hành thế giới ảo của riêng mình, nơi mọi người có thể tụ tập để học hỏi, giải trí, làm việc hoặc giao lưu.
Còn nhiều không gian để phát triển hạ tầng Việt Nam
26 năm kể từ khi hòa vào mạng Internet toàn cầu (19/11/1997-19/11/2023), Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 79,1%.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hoá trực tuyến hàng tuần ở mức cao trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Quy mô nền kinh tế Internet của việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hoá trực tuyến của Việt Nam 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định đây là cơ hội to lớn mà Internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam. Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, DN đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh, hạ tầng Internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng Internet và dân số: chỉ có 5 tuyến cáp quang biển; số lượng và quy mô các trung tâm dữ liệu (TTDL) còn rất khiêm tốn so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia; ĐTĐM về cơ bản là bán lại dịch vụ cho các nền tảng nước ngoài; hệ sinh thái kết nối Internet còn nhỏ bé và đơn giản so với các nước tiên tiến trong ASEAN. Ở khía cạnh khác, sự thiếu thốn hạ tầng sẽ là cơ hội vì còn nhiều không gian để phát triển hạ tầng Việt Nam.
5 chính sách lớn để phát triển hạ tầng viễn thông
Để phát triển không gian hạ tầng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết với chức năng quản lý nhà nước có nhiệm vụ mở không gian bằng chính sách, tạo ra sự phát triển. Bộ TT&TT đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển, cụ thể như:
Thứ nhất, với mục tiêu thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu CĐS, Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện đang được hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh bổ sung thêm dịch vụ TTDM, dịch vụ ĐTĐM.
“Việc đưa các dịch vụ này vào viễn thông để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vì hạ tầng viễn thông đã chuyển sang hạ tầng số, TTDL và ĐTĐM là thành phần quan trọng của hạ tầng số. Quy định theo hướng quản lý mềm, giống như đa số các quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người sử dụng”.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng hoàn thiện các quy định nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Nhà nước hỗ trợ DN viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công; ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các DN viễn thông và sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác.
Đặc biệt, khi phát triển 5G và các thế hệ công nghệ tiếp theo, số lượng trạm phát sóng sẽ nhiều hơn, phục vụ không chỉ con người mà còn là vạn vật, nên cần tăng cường chia sẻ, dùng chung hạ tầng viễn thông.
Thứ hai, quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2023. Quy hoạch đặt ra tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển cụ thể cho viễn thông và Internet đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ ba, Bộ TT&TT đang xây dựng và sớm ban hành Chiến lược/Kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam, đảm bảo hạ tầng số Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.
Thứ tư, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch thương mại hoá 5G với mục tiêu chính thức cung cấp dịch vụ trong năm 2024, đáp ứng nhu cầu Internet băng rộng di động, kết nối mật độ cao và các ứng dụng độ trễ thấp, độ tin cậy cao.
Thứ năm, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cơ hội để DN Việt Nam mở ra tăng trưởng mới
Người đứng đầu Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Chủ tịch Vũ Hoàng Liên cho biết vào ngày 29/10/1969, tin nhắn đầu tiên được gửi qua mạng máy tính, qua Internet, đánh dấu mốc hình thành mạng Internet. Ngày 19/11/1997, “giấc mơ” Internet của Việt Nam đã trở thành hiện thực.
Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho biết số người sử dụng Internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới. Theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số.
Các tổ chức quốc tế đang có những đánh giá khả quan đối với sự phát triển của kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam. Với bức tranh suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sự cắt giảm nhân sự, ngân sách đầu tư cho CNTT, nhưng hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới như NVIDIA, Meta, SpaceX, Foxconn, Samsung, LG, Intel,... đang chuẩn bị rót vào Việt Nam.
Ông Vũ Hoàng Liên nhận định: “Đây là cơ hội vàng để các DN CNTT Việt Nam mở ra một không gian tăng trưởng mới, đặc biệt là cơ hội hợp tác giữ Việt Nam và Mỹ”.
Trong tháng 7/2023, Bộ TT&TT Việt Nam đã định hướng 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ vượt xa viễn thông, bao gồm ĐTĐM, nền tảng số, thương mại điện tử, công nghiệp Make in Viet Nam và an ninh mạng.
“Đây sẽ là những không gian tăng trưởng chính của các DN công nghệ số và viễn thông trong 10 năm tới”, ông Vũ Hoàng Liên khẳng định.
Nhiều thảo luận chuyên sâu
Trong phiên hội thảo buổi sáng có các thảo luận về chủ đề chính của chương trình với sự tham dự của các đại diện đến từ VNPT/VNPT AI, VinBig Data, APTelecom, Space X để xem xét không gian mới và cơ hội mới cho Internet Việt Nam đòi hỏi sự sáng tạo, sự hợp tác giữa nhiều bên sẽ mang lại những lợi ích, giá trị như thế nào.
Bên cạnh đó, những chủ đề quan trọng và đầy thách thức đến từ các doanh nghiệp đang hoạt động mạnh mẽ trong ngành CNTT như: Trợ lý AI “Make in Việt Nam” chuyên biệt và ưu việt (VNPT), Chiến lược phát triển bền vững cho DN (Viettel IDC), Ứng dụng AI tạo sinh trong DN (VinBig Data), ĐTĐM (Huawei), Starlink: Thúc đẩy kỷ nguyên mới của kết nối kỹ thuật số (Space X) và báo cáo quốc gia (ISOC) hứa hẹn trực quan hóa góc nhìn toàn cảnh hơn cho tất cả chúng ta.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2023, phiên hội thảo chuyên môn với chủ đề “Sáng kiến và Cải tiến cho Internet Thế hệ mới”, diễn ra chiều cùng ngày, với sự tham dự và phát biểu khai mạc của đạo Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT.
Tại đây, các khách mời là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các DN CNTT tập trung thảo luận các chủ đề gồm: Thị trường vệ tinh hiện nay (APNIC), Internet thế hệ mới NGI (AMS-IX), Cách thức xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu sẵn sàng cho Gen AI (Google), Mobifone tham gia CĐS lĩnh vực thanh toán với dịch vụ Mobile Money (Mobifone), Công nghiệp cáp quang biển 2023 (APTelecom), Human-Centric AI: Công nghệ AI lấy con người làm trung tâm (ADT Global), Các giải pháp kết nối Internet trong kỷ nguyên mới (IPTP Networks) và đám mây - Kiến trúc serverless, công nghệ serverless “make in Vietnam” (SUNTECO).
Đồng thời, Hội thảo bàn tròn về ĐTĐM và TTDL Việt Nam cũng sẽ đươc tổ chức song song để thảo luận và công bố “Báo cáo ĐTĐM và TTDL Việt Nam” (VNCDC Report 2023)./.