Khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội: điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Đỗ Thêu| 02/08/2022 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, thế nhưng các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN/KCX) trên địa bàn Hà Nội vẫn đảm bảo hoạt động. Không những vậy, ngành công nghiệp của Thủ đô đã chuẩn bị mọi điều kiện tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Phục hồi ấn tượng

Theo Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, từ đầu năm đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong các KCN/KCX trên địa bàn đã dần ổn định và phục hồi trở lại.

Ước tính từ đầu năm 2022 đến nay, doanh thu của các DN đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 16,71% so cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của các DN đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 16,37%; nộp ngân sách ước đạt 180 triệu USD, tăng 9,26% so cùng kỳ năm 2021. Các KCN/KCX đã thu hút được nhiều dự án mới, hàng chục dự án mở rộng đầu tư với vốn đăng ký hơn 60 triệu USD.

Các DN, chủ đầu tư hạ tầng KCN cùng Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, các sở, ngành và UBND các quận, huyện đã tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sẵn sàng mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư thứ phát.

KCN hỗ trợ Nam Hà Nội đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá tới các DN Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện, các đơn vị đang tập trung hỗ trợ Công ty TNHH Onaga và nhóm các DN Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm, linh kiện trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ô-tô, tàu biển… thực hiện đầu tư các dự án sản xuất tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội thời gian tới.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Tuy đã có những tín hiệu phục hồi trở lại, nhưng theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, những khó khăn do diễn biến dịch COVID-19 gây ra trong hai năm qua vẫn tồn tại. Nhiều DN phải dừng kế hoạch đầu tư mới hoặc không còn đủ năng lực để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, quỹ đất sạch tại các KCN hiện cũng không còn nhiều. Nhiều yếu tố như chi phí thuê đất, vận tải cao hơn so với các tỉnh lân cận, công tác giải phóng mặt bằng chậm...

Để giải quyết những khó khăn này, từ nay đến cuối năm 2022, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCN năm 2022 đạt 400 triệu USD (tăng 33,3% so năm 2021).

Thành phố Hà Nội đã có Quyết định thành lập từ 2 - 5 KCN mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể là các KCN sạch Sóc Sơn tại hai xã Minh Trí và Tân Dân (huyện Sóc Sơn) với diện tích 302,8 ha; KCN Đông Anh tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) với diện tích 300 ha; KCN Bắc Thường Tín tại các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương (huyện Thường Tín) với diện tích 112 ha; KCN Phú Nghĩa mở rộng tại các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) với diện tích 389 ha; KCN Phụng Hiệp tại các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu và Thắng Lợi (huyện Thường Tín) với diện tích 174,88ha.

Việc thành lập các KCN này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, cụ thể hóa chiến lược phát triển các KCN trên địa bàn thành phố phù hợp quy hoạch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp công tác với Công an thành phố Hà Nội Liên đoàn Lao động thành phố và UBND các huyện có KCN để thống nhất trong quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn, phù hợp tình hình thực tiễn công tác.

Khu công nghiệp, Khu chế xuất Hà Nội: điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư - Ảnh 2.

Doanh nghiệp luôn được tạo điều kiện hoạt động tại khu công nghiệp

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị tập trung phối hợp chỉ đạo triển khai có hiệu quả các lĩnh vực công tác trọng tâm trong Quy chế phối hợp vừa được ký kết. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp định hướng quy hoạch chung, định hướng xây dựng Thủ đô. 

Việc hành lập, vận hành phải nhanh chóng để đưa vào khai thác và thu hút dự án đầu tư vào năm KCN mới trong giai đoạn 2021-2025 đi kèm với nhà ở xã hội cho công nhân và các thiết chế công đoàn. Các đơn vị cần tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm thông tin và tình hình doanh nghiệp trong các KCN để chủ động tham mưu thành phố ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội: điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO