Chính phủ số

Kinh nghiệm từ mô hình chính phủ điện tử tại Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Vân 31/10/2023 13:31

Chính phủ điện tử tại Thổ Nhĩ Kỳ là kinh nghiệm tốt trong việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tính đến đầu năm 2023, có 71,38 triệu người trên tổng số 85,59 triệu người, tương đương với 83,4% tổng dân số tại Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Internet và chỉ có 14,21 triệu người (16,6%) không sử dụng Internet. Trong tổng số người dùng Internet, có đến 87,6% sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội và có đến 94,6% trong số người dùng trên 18 tuổi.

Mặc dù tốc độ truy cập Internet cố định tại Thổ Nhĩ Kỳ là 31,93 Mbps và tốc độ truy cập Internet di động là 31,86 Mbps, nhưng xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Thổ Nhĩ Kỳ là 48 trên 193 quốc gia. Trong khi đó, chỉ số tham gia điện tử (EPI) là 18 trên 193 quốc gia theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

411-202310202245181.jpg
Nguồn: keydifferences.com

Mô hình Chính phủ điện tử tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử kể từ năm 1990. Tại thời điểm đó, các website của các cơ quan, tổ chức công chỉ cung cấp các thông tin cần thiết đến người dân, chưa thể đưa ra các dịch vụ công trực tuyến. Mạng lưới điện tử nội bộ chỉ được sử dụng giữa các cơ quan, tổ chức công. Tuy nhiên đến giữa những năm 2000, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến mới trong việc phát triển mô hình chính phủ điện tử. Điển hình là vào năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “Dự án chuyển đổi điện tử”, trong đó tập trung vào chuyển đổi dịch vụ công và hiện đại hoá hành chính công.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo bộ khung cho việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử bằng việc ban hành luật chữ ký số và đặc biệt hơn nữa, Bộ Tài chính nước này đã nâng cấp hệ thống Khai thuế điện tử, bổ sung tính năng Khai báo điện tử (e-Beyanname) nhằm tăng khả năng thu thập báo cáo thuế qua Internet. Điểm nhấn trong phát triển chính phủ điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ là việc ra đời và đi hoạt động của Cổng thông tin điện tử e-Devlet vào năm 2008, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập và sử dụng dịch vụ công 24/7 qua e-Devlet.

411-202310202245182.jpg
Nguồn: turkishcoasthome.com

E-Devlet luôn được cải tiến và phát triển không ngừng nhằm đảm bảo việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như việc xử lý hồ sơ được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Đặc biệt, kể từ năm 2016, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử và thực hiện các thủ tục hành chính công thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dân có thể linh hoạt truy cập trên mọi thiết bị để sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Không những vậy, việc đăng nhập vào e-Devlet không chỉ gói gọn trong việc sử dụng mã số định danh, chữ ký số hay thông qua điện thoại di động mà còn có thể đăng nhập thông qua ngân hàng trực tuyến. Với cách thức đa dạng để đăng nhập vào hệ thống, người dùng vẫn có thể dễ dàng truy cập trong trường hợp quên mật khẩu hoặc gặp trục trặc khác trong quá trình truy cập trên thiết bị đầu cuối. Ngoài ra, người dùng cũng sẽ nhận được khuyến cáo thay đổi mật khẩu sau 3 tháng để tăng cường bảo mật. Bên cạnh việc thông báo cập nhật về tình trạng hồ sơ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua email hoặc tin nhắn sms, người dùng còn có thể nhận thông báo qua ứng dụng trên điện thoại thông minh tuỳ theo lựa chọn. Thêm vào đó, tất cả các mạng lưới của tổ chức công đều được tích hợp vào e-Devlet. Vì thế, việc chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức công vừa được nhanh gọn mà vẫn đảm bảo an toàn thông tin, qua đó, giảm thiểu được gián đoạn trong quá trình xử lý hồ sơ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang lên kế hoạch áp dụng công nghệ blockchain vào trong Cổng dịch vụ công e-Devlet, cho phép người dùng đăng nhập thông qua một ví điện tử. Thông qua việc này, e-Devlet sẽ nhận diện được người dùng thông qua các chuỗi ký tự blockchain, từ đó, giúp tăng cường bảo mật và việc truy cập cũng dễ dàng hơn.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Mô hình chính phủ điện tử tại Thổ Nhĩ Kỳ đúc rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc mở rộng và phát triển chính phủ điện tử

Thứ nhất, hiện nay, các Cổng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam cung cấp cho người dùng một vài phương thức đăng ký và đăng nhập vào tài khoản. Tuy nhiên, nên có thêm các phương thức đăng nhập mới để tăng thêm sự lựa chọn và thêm sự thuận tiện cho người sử dụng, đặc biệt trong trường hợp người sử dụng gặp trục trặc khi đăng nhập bằng phương thức đầu tiên. Ngoài ra, điều này còn giúp làm giảm sự gián đoạn trong quá trình nộp và xử lý hồ sơ trực tuyến khi người dùng không gặp trở ngại trong việc đăng nhập và thao tác gửi hồ sơ.

Thứ hai, các Cổng dịch vụ công trực tuyến nên có những khuyến cáo nhằm tăng cường bảo mật cho người sử dụng. Người dùng hầu hết thường đặt mật khẩu dễ nhớ để thuận tiện cho việc đăng nhập vào tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều này gây ra những rủi ro cho bảo mật tài khoản. Vì thế, các Cổng dịch vụ công trực tuyến nên đưa ra những cảnh báo cho người sử dụng trong trường hợp mật khẩu quá yếu hoặc dễ bị đánh cắp để người dùng có thể cân nhắc đặc mật khẩu phù hợp.

Thứ ba, người dùng hiện nay thường được gửi thông báo về tình trạng hồ sơ qua email hoặc tin nhắn sms ngay sau khi nộp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, những cập nhật về quá trình xử lý và kết quả của hồ sơ phần lớn được thông báo trên qua khoản của người dùng trên Cổng dịch vụ công khi người dùng đăng nhập và xem. Do đó, người dùng nên có thêm những lựa chọn thông báo bằng hình thức khác khi tuỳ chỉnh tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Không những vậy, những cập nhật về tình trạng hồ sơ của người dùng cũng cần được thông báo kịp thời giúp người dùng nắm được thông tin và nhận kết quả đúng lúc. Qua đó góp một phần trong việc rút ngắn thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến.

Thứ tư, dữ liệu là mắt xích trong việc giải quyết hồ sơ, vì vậy, cần phát huy hơn nữa việc chia sẻ dữ liệu giữa các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Điều này không những cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ cho việc hoàn thành xử lý hồ sơ mà còn góp phần tạo ra sự thông suốt trong quá trình hoạt động của dịch vụ công trực tuyến./.

Tài liệu tham khảo:

https://www.oecd-ilibrary.org/sites/3958d102-en/index.html?itemId=/content/publication/3958d102-en

https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Data/Country-Information/id/176-Trkiye

https://datareportal.com/reports/digital-2023-turkey#:~:text=Internet%20use%20in%20Turkey%20in,percent)%20between%202022%20and%202023.

https://www.hurriyetdailynews.com/87-pct-of-turkish-people-use-internet-in-2023-185872

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0747563216306768

https://www.btk.gov.tr/uploads/thesis/turkish-e-government-transformation-a-country-analysis-based-on-efforts-problems-and-solutions.pdf

https://en.wikipedia.org/wiki/E-Government_in_Turkey

https://www.turksat.com.tr/sites/default/files/2020-07/turkish-e-government-catalog-en.pdf

https://cointelegraph.com/news/tuerkiye-to-use-blockchain-based-digital-identity-for-online-public-services

Bài liên quan
  • Quá trình phát triển dữ liệu trong chính phủ điện tử
    Trong chính phủ điện tử (CPĐT), cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia không được xây dựng riêng cho một hệ thống cụ thể nào mà được xác định làm cơ sở để triển khai nhiều hoạt động, được chia sẻ trực tuyến, theo thời gian thực, chuẩn hoá về cấu trúc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm từ mô hình chính phủ điện tử tại Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO