Lần đầu tiên tổ chức lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo
Trong các ngày 8 - 10/11/2024, UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã khai mạc lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo tại khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, dù mới lần đầu tổ chức nhưng lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo bất ngờ thu hút hơn trăm ngàn người tham dự.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024) là dịp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc S’tiêng và góp phần xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người Bình Phước.
Lễ hội gồm chuỗi các hoạt động văn nghệ, lễ hội ẩm thực, biểu diễn hòa tấu với 50 bộ đàn đá, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo, nấu cơm), hội thảo xúc tiến du lịch, chạy việt dã…
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật "Giã gạo chày tay - nuôi quân đánh giặc" với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên từ Hà Nội và TP. HCM tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh sóc Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) là một trong những hậu phương vững chắc của cách mạng. Để phục vụ chiến dịch chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10) huy động cối, chày giã gạo nuôi quân.
Chỉ trong 3 ngày đêm, người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo sẵn sàng cho bộ đội. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo (thơ Hồng Sơn) hừng hực khí thế cách mạng: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng đòng đưa, giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa...”. Ca khúc đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt.
Nói về địa danh đã trở thành "huyền thoại", ông Vũ Văn Mười - Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, chia sẻ: "Chính tình yêu nước, tình cảm dạt dào của đồng bào S'tiêng với cách mạng đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo rất nổi tiếng. Bài hát như hồi kèn xung trận, thôi thúc lòng yêu nước của người dân cả nước và cũng đưa sóc Bom Bo trở thành huyền thoại.
Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Sóc Bom Bo không chỉ là địa danh cách mạng hào hùng mà còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc và phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo.
Có thể kể đến nghề chế biến rượu cần của người S'tiêng, nghề dệt thổ cẩm của người M'nông, nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S'tiêng; các lễ hội cầu mưa, mừng lúa mới, kết bạn cộng đồng… Qua đó, góp phần tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng giá trị.
Bù Đăng có thác Voi, thác Bù Xa, trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Pan Toong và các lễ hội của người S’tiêng, M‘Nông, Tày, Nùng hay Ê Đê, Châu Mạ… Dù tiềm năng lớn nhưng việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Trong chương trình của lễ hội, địa phương đã tổ chức hội nghị khởi nghiệp du lịch với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư chuyên gia ngành du lịch.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, Bù Đăng có sóc Bom Bo và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với diện tích hơn 113 ha (đi vào hoạt động từ 2015) đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Dựa trên những tài nguyên và điều kiện thuận lợi vốn có này, địa phương nên quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách khi đến Bù Đăng./.