Truyền thông

Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đã có lãi

P.V 31/10/2023 15:14

Đến thời điểm này, Việt Nam có 1.665 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực. Trong đó, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài đã có lãi, chuyển về nước gần 2 tỷ USD.

Theo thông tin trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam có 1.665 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là hơn 22 tỷ USD, trong đó phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 53%.

Hiện nay, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đang tập trung vào 14 ngành, nhiều nhất là các lĩnh vực như viễn thông, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông, lâm nghiệp và thủy sản… đến 79 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Lũy kế đến nay, gần 2 tỷ USD lợi nhuận của doanh nghiệp Việt đã chuyển về nước.

dau-tu-ra-nuoc-ngoai-6110-1593709259_1200x0.jpg
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực đứng đầu trong đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

Với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, nhiều dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đến nay đã có lãi và lợi nhuận chuyển về nước đến thời điểm này là hơn 1,1 tỷ USD. Đáng chú ý, dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Liên bang Nga của Tập đoàn này đã mang lại lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư.

"Đối với dự án này, tổng phần lợi nhuận sau khi trừ đi tổng đầu tư là 855 triệu USD, có thể nói đây là dự án rất thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đầu tư ra nước ngoài", ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, cần khắc phục. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau trên địa bàn đầu tư còn khá lỏng lẻo, chưa có mối liên kết chặt chẽ.

Cùng với đó, các số liệu về đầu tư ra nước ngoài được công bố đang thiếu các đánh giá cụ thể về doanh thu, thực trạng tài chính, thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp từ khoản đầu tư ra nước ngoài… nên các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư khó khăn trong đánh giá được đầy đủ và toàn diện về thực trạng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này.

Ngoài ra, cần phân tích rõ khung khổ pháp luật đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng như các nước nhận đầu tư để chỉ ra thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đã có lãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO