“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới

Lan Phương| 29/12/2021 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Diễn đàn quốc gia Doanh nghiệp (DN) công nghệ số (VFTE) 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế” vừa khép lại năm thứ ba với âm hưởng tự lực, tự cường với các khả năng của các doanh nghiệp (DN) số Việt Nam để đất nước phát triển, vươn tầm thế giới.

Sản phẩm Make in Viet Nam 2021 đa dạng phục vụ nhiều lĩnh vực

Giải thưởng Make in Viet Nam năm 2021 bao gồm 4 hạng mục là: Nền tảng số xuất sắc, Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc và Thu hẹp khoảng cách số. Theo Ban tổ chức, các sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực: chuyển đổi số (CĐS), tài chính, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh... Nhiều sản phẩm đã giải quyết các bài toán cộng đồng xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, phòng chống đại dịch.

Các công nghệ mới, công nghệ của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), IoT... đã được ứng dụng trong nhiều sản phẩm tham dự cuộc thi. Nhiều sản phẩm đã có thời gian được khẳng định trên thị trường, ngày càng hoàn thiện và có giá trị thực tiễn cao được ghi nhận, thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số, phù hợp với tinh thần của Quy chế Giải thưởng.

48 sản phẩm lọt vào Top 10, đặc biệt là các sản phẩm đạt giải là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của DN Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

Đây là năm thứ hai Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo DN và người dân Việt Nam.

Tại Diễn đàn, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng cục Du lịch, các DN công nghệ số đã chia sẻ những nỗ lực trong tiến trình CĐS, đặc biệt trong đại dịch đã vượt khó, duy trì phát triển và phục hồi.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN đã chia sẻ về sự lớn mạnh của ngành điện Việt Nam trong khu vực đi cùng hành trình CĐS. Kịch bản phát triển sau đại dịch của ngành điện dự báo tăng trưởng 8,2%/năm với CĐS, số hóa là một trong những động lực tăng trưởng. EVN đã ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ trong quản lý và phát triển hệ thống điện với dẫn chứng là 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện đã được số hóa. Cho đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp tới 12/13 đảo. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN.

Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng (CSKH) để người dùng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện. EVN cũng ứng dụng AI trong CSKH. Theo đó, các cuộc gọi đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot. Đặc biệt, với năng lượng tái tạo, ngành điện đã ứng dụng công nghệ điều khiển tự động điện mặt trời mái nhà, trang trại, ứng dụng blockchain, AI trong mua bán điện trực tiếp, phân tích độ ổn định.

Tuy nhiên, ông Lâm cho biết EVN vẫn rất cần những giải pháp công nghệ số trong đó có bản đồ số Make in Viet Nam để tiếp tục phục vụ công cuộc CĐS của tập đoàn này.

Trước mong muốn của EVN và nhiều DN, tổ chức về bản đồ số, ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch IOT Link chobiết công ty đã trải qua 6 năm để xây dựng bản đồ số Map4D. “IOT sử dụng dữ liệu mở, đáp ứng 60% dữ liệu cần thiết trong bản đồ quốc gia. Đội ngũ của IOT liên tục cập nhật dữ liệu. Ứng dụng bản đồ số của IOT Link có khả năng quản lý hạ tầng của một địa phương đặt trên các nền tảng khác nhau, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ logistics, tối ưu hóa quy hoạch, quản lý của cơ quan nhà nước và phát triển kinh doanh của DN Việt Nam”.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn

Cũng bày tỏ khả năng của DN công nghệ số Việt Nam, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết Viettel thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam”, tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số. Viettel tự tin trong nhiệm vụ này bởi có kiến thức công nghệ cao, nguồn tài chính tốt để tự nghiên cứu khoa học; quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, sẵn sàng chuyển giao công nghệ; thị trường Việt Nam cùng 10 quốc gia khác sẵn sàng sử dụng dịch vụ do Viettel sản xuất. Đồng thời, Viettel luôn vận hành theo phương châm tự tạo ra thử thách và chinh phục để tạo ra bước tiến.

Cách làm của Viettel khi nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng số là làm chủ hệ thống, công nghệ lõi. Không dừng lại ở mức chỉ gia công, sản xuất theo nước ngoài, đơn vị chia hệ thống thành nhiều thành phần và làm chủ từng công đoạn, trước hết là phần mềm, phần cứng và cuối cùng là sản xuất chipset. Chiset là công nghệ lõi của tất cả các sản phẩm viễn thông, CNTT. Do đó, chỉ khi làm chủ công nghệ này, Việt Nam mới thoát khỏi sự phụ thuộc vào nước ngoài khi xây dựng hạ tầng viễn thông.

Chủ tịch Viettel cho biết tất cả sản phẩm của Viettel đều theo hướng mở, tạo ra hệ sinh thái giúp cộng đồng phát triển, ứng dụng nền tảng. Đồng thời, Viettel chủ động đăng ký bằng sáng chế bảo vệ tài sản trí tuệ với các hiệp hội trên thế giới.

Viettel đã làm chủ ba lớp 4G, gồm lõi, truyền dẫn và truy nhập. Với 5G, Viettel đã phát triển thành công thiết bị thu phát và làm chủ thiết kế hai dòng chipset của công nghệ 5G. Viettel đã có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 9 bằng tại quốc tế cùng hàng trăm bằng đang nộp khác. Tương lai, Viettel hướng tới phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G tại Việt Nam và tham gia nghiên cứu 6G, đặt nền móng cho công nghệ vũ trụ - bắt đầu là công nghệ viễn thám.

DN số Việt Nam nắm bắt cơ hội mới

Theo ông Nguyễn Thành Trung, sáng lập và CEO Sky Mavis, startup sở hữu game Axie Infinity đã “gây sốt” cộng đồng mạng quốc tế trong thời gian qua, cho biết trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã thấy ảnh hưởng, tác động lớn của COVID-19 đối với nền kinh tế - xã hội và tất cả các khía cạnh của đời sống.

Khi đại dịch xảy ra, những loại hình, ngành nghề mà chúng ta hay đầu tư liên quan đến logistics, dịch vụ liên quan đến chế xuất... khó thu hút được nhiều dòng vốn, khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Nhưng ngược với xu hướng, thực trạng này lại là thuận lợi cho các ngành, nghề, lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng COVID-19 thu hút được nhiều nguồn vốn.

“Sự chuyển dịch của cộng đồng đầu tư và mối quan tâm đối với công nghệ trong bất lợi từ COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch CĐS, tạo lực đẩy các hoạt động của DN trong môi trường số không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới”, ông Trung đánh giá.

Điều ông Trung tâm đắc, đánh giá là ở bức tranh kinh tế như vậy, các công nghệ mới nổi lên như một hiện tượng, ngoài công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang là một điển hình nổi bật, mạnh mẽ... Trò chơi game NFT chạy trên trên nền tảng blockchain góp phần giúp thay đổi, tạo sự tăng trưởng cho Việt Nam và Việt Nam cần tận dụng, phát huy, biến nó thành tài sản số.

Khi nói về triển vọng, tương lai phát triển công nghệ blockchain, ông Trung cho biết trong 02 năm (từ 2020 - 2021), thế giới đạt tổng vốn hóa 3,1 tỷ USD và đã tăng lên 15 tỷ USD. Với tình hình chung này, Việt Nam đang nổi như một hiện tượng tiêu biểu đối với công nghệ blockchain khi có số người dùng, sở hữu ví điện tử và chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu thuộc hàng lớn nhất thế giới. Việt Nam đã có những dự án, sản phẩm được đầu tư bài bản, gây tiếng vang lớn, đưa Việt Nam lên bản đồ blockchain thế giới.

Đại diện cho DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, được ví như “mạch máu của nền kinh tế” tham luận tại Diễn đàn, ông Kurt Bình, sáng lập và CEO công ty Smartlog cho biết: nhiều năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ logistics có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, không chỉ cung cấp cho nội địa mà còn vươn ra toàn cầu. “Trong đó, tinh thần dân tộc số, ý chí và kiên định làm đến cùng sẽ đưa đến thành công”.

Đại diện Smartlog cho hay, giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch vừa qua càng chứng minh cho tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chi tiêu cho ngành này chiếm hàng chục tỷ USD, nhưng vẫn tồn đọng nhiều hạn chế.

Chỉ ra những thực trạng của logistics tại Việt Nam, ông nhận định logistics Việt còn phân mảnh, thiếu sự liên kết. Thứ hai là lãng phí phương tiện. Thứ ba là CĐS không đồng nhất. Ví dụ, một DN, tài xế có thể dùng hàng chục ứng dụng logistics khác nhau, thể hiện sự kém hiệu quả. Ngoài ra, với sự bùng nổ của thương mại điện tử gây ra hệ lụy là lưu lượng xe vận chuyển ngày càng nhiều, khiến tắc nghẽn, khí thải, tai nạn, quy hoạch hạ tầng... (phí tổn ngoại biên).

“DN không tự giải quyết mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm thiểu tác động đó, trong đó CĐS là một giải pháp, dựa trên dữ liệu. Cần có tầm nhìn mới về CĐS trong logistics”, CEO Smartlog đề xuất.

Đại diện Smartlog nhấn mạnh các từ khoá: “CĐS cần nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn, được hợp tác và chia sẻ tốt hơn”. Chính phủ nên tạo ra nền tảng để các bên đấu nối và chia sẻ ngược lại, ứng dụng AI, blockchain để kiểm soát dữ liệu tốt hơn.

Với nỗ lực, khả năng sản xuất của sản phẩm Make in Viet Nam của các DN số Việt Nam, ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Gapo cho biết trong quá trình tiếp xúc, lắng nghe các câu hỏi của các khách hàng thì nhận thấy đâu đó tâm lý của DN, người Việt vẫn e ngại với chất lượng dịch vụ, sản phẩm Make in Viet Nam.

“Khách hàng luôn muốn sản phẩm phải chất lượng cũng như các nền tảng số nước ngoài nhưng nhưng giá Việt Nam. Cá nhân tôi thấy rằng làm sao để có các chính sách, báo chí hỗ trợ lan tỏa các sản phẩm Make in Viet Nam đến với nhiều DN, người hơn để các DN thấy rằng các sản phẩm đó thực sự đủ hữu dụng, chất lượng cho DN, các khách hàng”.

Từ thực tiễn những năm qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng: “Các sản phẩm số Việt Nam muốn cạnh tranh, chiếm được sự quan tâm của khách hàng thì phải làm chất lượng như nước ngoài và không có lựa chọn nào khác”.

Thể chế - động lực cho CĐS quốc gia, để “Make in Viet Nam” mang tầm quốc tế

Chứng kiến sự ra mắt của rất nhiều sản phẩm công nghệ số Việt Nam do các cơ quan, tổ chức, DN nghiên cứu phát triển và triển khai ứng dụng tại Diễn đàn, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Môi trường của Quốc hội cho biết, đây là những minh chứng thể hiện cho tư tưởng, ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. “Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại quá trình CĐS của đất nước trong thời gian vừa qua, trong đó việc hoàn thiện thể chế, phục vụ cho việc xây dựng quốc gia số, đóng vai trò hết sức quan trọng”.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội nhận định sự phát triển của công nghệ số là một trong những yếu tố cơ bản, định hình xã hội loài người trong thế kỷ 21. Công nghệ số đang tác động hết sức mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội theo nhiều cách thức khác nhau từ phương thức giao tiếp hàng ngày cho đến cách thức tổng hợp, xử lý thông tin dữ liệu, tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo, tạo lập và vận hành những mô hình kinh doanh mới và có thể nói rằng có tác động sâu rộng đối với hệ thống pháp luật, làm thay đổi các yếu tố không gian, thời gian, chủ thể cũng như là các quan hệ pháp luật.

Theo đó, ông Lê Quang Huy cho biết việc hoàn thiện thể chế phục vụ cho CĐS thực chất là quá trình thay đổi tư duy lập pháp. “Thể chế, luật pháp luôn có vị trí quan trọng vì đây là khuôn khổ tạo ra sự bảo vệ cần thiết để thúc đẩy phát triển và mang lại phúc lợi tốt đẹp cho tất cả mọi người”.

Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh: “Để thúc đẩy quá trình xây dựng quốc gia số, thể chế cần đi trước và phát huy vai trò kiến tạo phát triển thúc đẩy toàn dân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp và hoàn thiện thể chế chính sách là sự đầu tư to lớn và vững chắc cho tương lai”.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội khẳng định với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cùng sự đồng hành của mọi người dân cũng như các DN thì quá trình hoàn thiện thể chế phục vụ CĐS quốc gia của Việt Nam sẽ thành công. Đó sẽ là nền tảng để hàng năm chúng ta tiếp tục chứng kiến có thể nhiều những sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam thực sự có giá trị, mang tầm vóc quốc tế và khẳng định tinh thần khát vọng, khả năng sáng tạo, ý chí tự lực tự cường của con người Việt Nam.

Các DN công nghệ số cần hành động nhanh, hiệu quả

Đồng tình với quan điểm của đại diện Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: “Công nghệ là tạo ra cơ hội cho sự thay đổi, tạo ra cơ hội cho chúng ta xử lý những bài toán lâu dài của loài người. Sau đó, xuất hiện câu chuyện là chúng ta có muốn, có dám, thể chế hóa để cho công nghệ hợp pháp cho nên mối quan hệ giữa công nghệ và thể chế là như vậy. CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ, CĐS phần nhiều là vấn đề thể chế bởi vì công nghệ đã xuất hiện rồi”.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không Make in Viet Nam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ Diễn đàn DN công nghệ số lần 1 vào năm 2019, các DN điệntử, viễn thông, CNTT, công nghệ số được thống nhất dưới một cái tên là DN công nghệ số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỷ USD.

Tại Diễn đàn VFTE lần thứ 2, “Make in Viet Nam” được nhắc đến như là giải pháp đưa Việt Nam đi ra thế giới, trở nên hùng cường. “Không Make in Viet Nam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng. “Make in Viet Nam" là tự hào Việt Nam”.

Tại Diễn đàn VFTE lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các DN công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng CĐS quốc gia. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các DN số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các DN, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.

Bộ trưởng cho hay, việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại, công ty vĩ đại. Vĩ đại vì tạo ra những nền tảng phục vụ cho hàng triệu người dân, tạo tiền đề phát triển bền vững trong năm 2045. Những việc cụ thể được giao cho các đơn vị cụ thể, có cơ chế hỗ trợ thì cái khó được giải quyết. “Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của DN là vì phía sau mỗi DN là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính”.

Bộ trưởng thông tin, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Nhiều DN số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý. 

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu dựa vào công nghệ số. KHCN của thập kỷ này cũng là công nghệ số. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung vào tự động hóa, thông minh hóa. Các DN công nghệ số cần hành động nhanh, hiệu quả”, Bộ trưởng đề nghị.

DN số đi để đến

Với những nỗ lực không ngừng của các DN số Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban CĐS Quốc gia đã chúc mừng, hoan nghênh sự quyết tâm của các DN công nghệ số. Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành đối với CĐS. Ngay cả với DN thì cũng phải vạch ra đường lối, chủ trương, bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời nâng cao nhận thức của CĐS trong kỷ nguyên số. Đây là vấn đề đầu tiên cần chú ý.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: gần mấy mà không đi thì sẽ không bao giờ đến, còn xa mấy mà đi thì cũng sẽ đến

Vấn đề thứ hai là phải hoàn thiện thể chế. Nếu thể chế không phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển, thể chế cũng do chúng ta thực hiện, xuất phát từ thực tiễn và tháo gỡ những vấn đề thực tiễn. Vì vậy, thể chế cần phù hợp, nhưng do sẽ không thể phủ hết mọi mặt nên cần phải linh hoạt.

Thứ ba là việc tăng cường quản lý nhà nước, phát triển các DN công nghệ số. Quản lý nhà nước phải đề ra chương trình, kế hoạch phát triển, xây dựng thể chế, tạo ra nguồn lực, tăng cường giám sát kiểm tra, đánh giá... nhưng phải tạo thông thoáng cho DN phát triển. DN cần gì thì phải đề xuất như cần làm gì, làm như thế nào, cần cơ chế gì..., nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết, cái gì thuộc về các Bộ ngành thì các Bộ ngành sẽ xử lý. Vì vậy, các DN phải đề xuất, đồng thời cơ quan quản lý cũng phải có sự tương tác, hợp tác, chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông với nhau để thực hiện.

Vấn đề thứ tư là phải phát triển nguồn nhân lực số, tài chính số. Bởi vì, chính phủ số muốn phát triển phải có người dân, DN. Vấn đề tiếp theo là tài chính phải qua tích lũy, cơ chế, hỗ trợ, hợp tác, tài trợ và sinh ra qua trí tuệ của con người.

Thứ năm, CĐS phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo (ĐMST). Sáng tạo phải có kế thừa, có đổi mới vì sáng tạo không tự nhiên mà đến, đổi mới để phát triển. ĐMST là từ khó khăn, thách thức, đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình. Tuy nhiên, ĐMST phải bám sát thực tiễn thì mới sống được.

Thứ sáu, phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và công tác quản trị số. Theo Thủ tướng, chúng ta muốn làm cái mới phải tổng kết cái cũ, vì đây là tư duy phương pháp luận, nó vừa có kế thừa, đổi mới, ổn định nhưng hiện tại làm cái gì cũng không có dữ liệu. Nên đây là một vấn đề cần phải khắc phục.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 5.

Ngoài ra, chúng ta có nhiều dữ liệu, nhiều nền tảng nhưng không kết nối được với nhau. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để có thể kết nối lại với nhau. Dữ liệu rất quan trọng, do AI phải dựa trên dữ liệu lớn. Nhưng dữ liệu này phải được tích lũy, tích hợp, lưu trữ và khai thác hiệu quả thì dữ liệu đó mới sống được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần phải có dữ liệu liên quan đến phát triển văn hóa, tích hợp lịch sử, danh lam văn hóa, di sản để thành cơ sở dữ liệu (CSDL) để phát triển. Do đó, CĐS phải tập trung, đầu tư, quyết tâm thực hiện cho lĩnh vực văn hóa. Từ đó mới phát triển được công nghiệp văn hóa, giải trí và hiện thực phát triển chủ trương của Đảng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch gắn với văn hóa.

Chúng ta cũng cần phải thúc đẩy CĐS cho ngành ngân hàng, thuế, hải quan, tài nguyên đất đai..., trong đó CSDL tài nguyên đất đai rất quan trọng. Chúng ta cũng cần CĐS logistics vì đây là một lĩnh vực quan trọng khi chi phí logistics hiện còn cao.

CĐS phải phục vụ cho chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, năng lượng sạch. CĐS phải phục vụ cho làm việc, học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, cũng như kết hợp trực tuyến - trực tiếp. Đây là điều mà cả thế giới phải làm.

Đặc biệt lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ đề cập CĐS cũng phải giúp khắc phục già hóa dân số, bởi đây là một nguy cơ. “Đây cũng là một vấn đề chiến lược khi mà các nước phát triển đều đang gặp phải. Do đó, nếu Việt Nam không có tầm nhìn chiến lược thì sẽ gặp vấn đề này rất nhanh và trở nên bị động”.

“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao các giải Vàng Make in Viet Nam 2021 cho Cốc Cốcc, Azota, Viettel Post, VNPT

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh CĐS phải phục vụ cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng mong các DN công nghệ số làm và tập trung những vấn đề này. Đây cũng là những việc phải làm, nhưng làm thì tránh cầu toàn, chủ quan và nóng vội.

“Những việc gì đã được thực tế kiểm nghiệm đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì phải làm. Còn những gì chưa rõ thì làm thí điểm và mở rộng dần. Bởi vì, gần mấy mà không đi thì sẽ không bao giờ đến, còn xa mấy mà đi thì cũng sẽ đến”, Thủ tướng khẳng định.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại trung tâm IOC: Kinh nghiệm của Bình Phước
    Xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Bình Phước đã sớm tập trung quan tâm tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số cùng với việc thành lập IOC và những kết quả bước đầu thu được rất đáng ghi nhận.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Háo hức khám phá di tích lịch sử theo một cách mới
    Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…
  • Mỹ phạt nhà mạng vì chia sẻ vị trí của người dùng
    Chính phủ Mỹ đã đưa ra mức phạt hàng triệu USD đối với các nhà mạng AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon sau một cuộc điều tra cho thấy các nhà mạng lớn của nước này đã chia sẻ bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của thuê bao mà không có sự đồng ý của họ.
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
  • Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
    Bộ ấn phẩm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.
“Make in Viet Nam” để phát triển, vươn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO