Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: Kết nối trí thức trong và ngoài nước

Lan Phương| 19/08/2018 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018 quy tụ và kết nối nhân tài - các nhà khoa học, chuyên gia, tri thức trẻ người Việt đang nghiên cứu, làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) phát triển, qua đó khơi gợi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa KHCN trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngày 19/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ KHCN, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức Lễ công bố sáng kiến và khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018. Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, Ban ngành đã tham dự buổi Lễ.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: kết nối trí thức trong và ngoài nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Tại buổi Lễ, hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực KHCN ở nước ngoài đã tham dự. Đây là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics... Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, IoT…).

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: kết nối trí thức trong và ngoài nước - Ảnh 2.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu

Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc tổ chức triển khai sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo này được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước ngày nay có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công cuộc đổi mới xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường, xã hội, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa, thế giới phẳng, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, sự phát triển của Internet, mạng xã hội…  Tất cả đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta nhưng chúng ta hoàn toàn tự hào với lịch sử hào hùng và nền văn hiến lâu đời của dân tộc ta, tự hào rằng chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế như ngày nay để chúng ta cùng nhau tin tưởng, tự hào và vững bước đi lên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, và ngày càng phồn vinh và hạnh phúc”.

Chúng ta cũng tự hào rằng trong hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, có hàng trăm ngàn chuyên gia, trí thức được đào tạo bài bản, được tiếp cận với nền KHCN, đổi mới sáng tạo của nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã có những thành tựu, công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế”, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định.

Với trí tuệ, tình cảm và tấm lòng nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước của các các nhà khoa học, chuyên gia, đồng chí Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng: “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ trở thành một diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng KHCN Việt Nam để nâng cao năng lực KHCN, nâng cao chất lượng nghiên cứu đào tạo trong nước, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt Nam về quê hương đất nước để khởi nghiệp, sáng tạo, làm việc, đầu tư, kinh doanh, chia sẻ, hưởng thụ thành quả và những giá trị cốt lõi của Việt Nam”.

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đề nghị đội ngũ trí thức hùng hậu, mạnh mẽ trong nước cần đẩy mạnh, kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt Nam đang ở nước ngoài, tạo thành nguồn lực dồi dào, sức mạnh dân tộc to lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: kết nối trí thức trong và ngoài nước - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các nhà khoa học

Cũng tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công nghệ, CMCN 4.0 về những ngành khoa học đang thịnh vượng như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) đang được nói rất nhiều nhưng quan trọng nhất “Chúng ta phải nắm lấy tay nhau để truyền khát vọng đất nước này vươn lên, để củng cố niềm tin, cho nhau động lực không chỉ lúc thành công mà cả khi thất bại và kiên trì đi đến cuối con đường. Để một ngày nào đó chúng ta có thể tự hào đã không bỏ lỡ cơ hội. CMCN 4.0 là một thời cơ và chúng ta phải nắm lấy nó. Chúng ta đã có rất nhiều hoạt động nhưng điều quan trọng là chúng ta phải kết nối lại”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lễ công bố là một hoạt động quan trọng nhất của Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018. Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đã và đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, trong đó, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực KHCN là nòng cốt.

Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng với hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển KHCN và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các bạn trẻ tài năng về những giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, để từ đó, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.

Cũng tại buổi lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và nêu các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: kết nối trí thức trong và ngoài nước - Ảnh 4.

TS. Bùi Hải Hưng chia sẻ về xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam

TS. Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho biết số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. Vậy, “Việt Nam nên làm gì?”.

Theo kiến nghị của TS. Bùi Hải Hưng, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.

Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho biết công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: “Thành công = năng lực + nhiệt huyết + cách nghĩ”. Nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.

Thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, ThS. Trần Văn Hinh chia sẻ nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”.

Tại buổi lễ, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia cùng nhau trao đổi, đối thoại về kết nối về cộng đồng khoa học và công nghệ; chính sách kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhằm tạo sự liên kết tinh hoa trí tuệ khoa học công nghệ trong và ngoài nước,  lan tỏa thành những động lực đổi mới mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo công nghệ, công nghiệp của Việt Nam./.

Bài liên quan
  • Những đổi mới công nghệ sẽ thay đổi ngành y vào năm 2025
    Ngành chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại vô số cơ hội mới, trong khi các yếu tố nhân khẩu học và xã hội lại đặt ra những thách thức không nhỏ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
  • Chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật
    Các hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng ti vi dưới nhiều hình thức. Đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: Kết nối trí thức trong và ngoài nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO