Một số mẹo giúp mua sắm trực tuyến an toàn

TH| 17/07/2020 16:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Mua sắm trực tuyến hiện đã trở thành xu hướng và thói quen của nhiều người, từ những món đồ nhỏ lẻ đến đồ điện tử, xe cộ… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, người dùng nên cẩn trọng trong việc thanh toán trực tuyến bởi có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Covid-19 thúc đẩy mua sắm trực tuyến

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc trên toàn thế giới, với hàng triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm hàng hóa, dịch vụ và giải trí trực tuyến. Người tiêu dùng đang mua hàng trực tuyến ngày càng nhiều thay vì mua hàng truyền thống.

Theo phân tích của ACI Worldwide đối với hàng trăm triệu giao dịch từ các nhà bán lẻ trực tuyến toàn cầu, khối lượng giao dịch trực tuyến trong hầu hết các lĩnh vực bán lẻ vào tháng 3/2020 đã tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chơi game trực tuyến đã tăng 97%.

Debbie Guerra, phó chủ tịch điều hành của ACI Worldwide cho biết: "Trong giai đoạn chưa từng có này, hàng triệu người dân đang ở nhà và lên mạng để mua các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống".

Có nhiều lý do để cả thế giới mua sắm trực tuyến. Giá rẻ, nhiều lựa chọn, mua sắm an toàn, vận chuyển nhanh chóng. Và trong đại dịch, an toàn là yếu tố được người tiêu dùng ưu tiên hơn cả, thay vì phải ra ngoài với khẩu trang và găng tay.

Việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm thay đổi tất cả thói quen và hành vi mua sắm của mọi người, các thiết bị điện tử và đồ nội thất để phục vụ làm việc, học tập, giao tiếp và giải trí cũng như các mặt hàng gia dụng có doanh số bán hàng tăng vọt.

Tuy nhiên, gian lận cũng đang gia tăng, nghiên cứu cho thấy, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng đại dịch để nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng và thương nhân. Có sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động lừa đảo liên quan đến Covid-19, rò rỉ các thông tin bị đánh cắp liên quan tới thanh toán thương mại điện tử.

Theo báo cáo cáo về tội phạm Internet (IC3) của FBI, tội phạm mạng hàng đầu năm 2019 tại một nửa trong số 50 tiểu bang ở Mỹ có liên quan đến mua sắm trực tuyến. Tại Úc, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết lừa đảo qua mua sắm trực tuyến đứng thứ 6 trong top 10 mối đe dọa hàng đầu tại quốc gia này.

Một số mẹo giúp mua sắm trực tuyến an toàn - Ảnh 1.

10 mối đe doạ hàng đầu tại Úc trong tháng 4/2020

Thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến bởi tính tiện dụng mà hình thức này đem lại. Bên cạnh việc giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tiền bạc, thì nó cũng trở thành lĩnh vực thu hút sự chú ý của tội phạm mạng. Khi sử dụng các hình thức thanh toán hoặc mua hàng trực tuyến, người dùng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, hoặc truy cập vào các trang web giả mạo… Tuy nhiên, thực trạng báo động trên cũng không thể ngăn cản người dùng mua sắm trực tuyến.

Dưới đây là một số khuyến nghị cho người dùng nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện mua sắm và thanh toán điện tử.

Lựa chọn hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến

Đầu tiên, người dùng cần quan tâm đến việc chọn hình thức và loại thẻ thanh toán trực tuyến đảm bảo an toàn. Có rất nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến và loại thẻ khác nhau được các công ty tài chính, ngân hàng cung cấp. Khi mua hàng ở nước ngoài, đa phần hình thức thanh toán là sử dụng PayPal, thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ. Còn trong nước, các cổng thanh toán điện tử hoặc các dịch vụ ngân hàng trực tuyến được người dùng sử dụng phổ biến hơn cả.

Khi nói đến mua sắm trực tuyến, thẻ tín dụng (credit card) sẽ tốt hơn so với thẻ ghi nợ (debit card), vì không được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng. Bạn có thể giảm tối đa mức thiệt hại bằng cách sử dụng thẻ tín dụng hạn mức thấp để thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến.

Một số ngân hàng và công ty thẻ tín dụng có cung cấp số thẻ giao dịch một lần cho khách hàng để họ dùng thanh toán một lần khi mua sắm trực tuyến, không cần nhập số thẻ tín dụng thật để tránh mất mát tài khoản.

Mặt khác, khi tham gia mua sắm trực tuyến càng nhiều thì thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của bạn sẽ được lưu trữ ở nhiều dịch vụ thanh toán khác nhau. Khai thác điều này tin tặc sẽ thực hiện tấn công mạng và đánh cắp thông tin. Do đó, bạn cần thường xuyên thay đổi mật khẩu để tránh rủi ro và nên xem xét lại cách mua sắm trực tuyến để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn.

Quản lý và theo dõi thông tin thẻ tín dụng

Khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến đang ngày càng gia tăng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bắt kịp xu hướng, bổ sung hình thức thanh toán trực tuyến để người dùng có thể tự do lựa chọn hình thức mua sắm phù hợp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng để tâm đến vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Do đó, người dùng cần theo dõi kỹ tài khoản của mình, đặc biệt với những giao dịch một lần, bạn nên xóa tài khoản, số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân ngay sau khi mua hàng.

Ngoài ra, bạn cần đảm bảo rằng mình biết rõ về những trang web mà nhập thông tin thẻ tín dụng, đồng thời nhớ xóa thông tin, dữ liệu sau khi hoàn tất quá trình thanh toán. Một số trình duyệt phổ biến thường tích hợp sẵn trình quản lý mật khẩu với những trang web đã đăng nhập, bạn có thể sử dụng công cụ này để quay lại các trang từng đăng nhập và xóa tất cả những thông tin riêng tư trên đó.

Sử dụng mật khẩu mạnh

Theo khảo sát của PCMag về việc độc giả có thường xuyên thay đổi mật khẩu không, kết quả chỉ 27% thay đổi mật khẩu để bảo vệ quyền riêng tư một vài lần trong năm, 35% không thay đổi mật khẩu bao giờ.

Việc này rất quan trọng khi thanh toán và mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng một mật khẩu duy nhất khi tạo tài khoản mới trên các trang web thương mại điện tử sẽ khiến người dùng rơi vào rủi ro, tin tặc dễ dàng đoán và bẻ khoá mật khẩu. Một lựa chọn hoàn hảo đó là sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo mật khẩu cho bạn.

Thận trọng khi truy cập các trang web

Tin tặc thường giả mạo những thương hiệu và trang web nổi tiếng để thực hiện hành vi lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau như: gửi email về những chương trình giảm giá, tặng voucher... kèm theo một link hoặc tập tin độc hại mà bạn sẽ bị tấn công ngay khi nhấp vào. Đây là một trong những hình thức lừa đảo đơn giản và phổ biến nhất, mặc dù được cảnh báo thường xuyên nhưng nhiều người dùng vẫn vô tình bị mắc lừa. Cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của tin tặc là truy cập trực tiếp địa chỉ trang web từ trình duyệt thay vì nhấp vào liên kết không đáng tin cậy.

Hiện nay, những thương hiệu lớ như Apple, Netflix, Paypal và eBay thường bị mạo danh trong những chiến dịch lừa đảo. Do đó, người dùng cần cẩn trọng và kiểm tra kỹ xem những trang web đang nhập thông tin thanh toán có được mã hóa bằng "https" hay không. Một số trang vẫn có biểu tượng ổ khóa, tượng trưng cho trang web được mã hóa nhưng trên thực tế lại sử dụng giao thức mã hóa giả hoặc cố gắng lừa bạn bằng cách thêm biểu tượng giả ở đúng vị trí ổ khóa.

Một số mẹo giúp mua sắm trực tuyến an toàn - Ảnh 2.

Ngoài ra, người dùng cũng không nên mua sắm trực tuyến bằng mạng Wi-Fi công cộng vì thiếu an toàn và rất dễ bị khai thác thông tin. Nếu bạn không ở nhà thì nên sử dụng mạng di động khi cần thanh toán.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số mẹo giúp mua sắm trực tuyến an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO