Hồi đầu tháng 9, đại gia trong lĩnh vực thanh toán PayPal công bố sẽ chi tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng “mua trước, trả sau” của Nhật Bản.
Cuộc đua của các đại gia toàn cầu
Paidy cho phép các nhà kinh doanh online cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng của họ. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào quý 4/2021, đánh dấu bước tiến mới của đại gia fintech đến từ Mỹ trong việc tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản.
Trước đó chỉ chưa đầy một tháng, Square Inc cũng tiết lộ sẽ “mở hầu bao” mua lại Afterpay Ltd. - nền tảng dịch vụ “mua trước trả sau” của Australia với mức giá lên tới 29 tỷ USD. Khoảng 16 triệu khách hàng và gần 100.000 người bán trên toàn thế giới đang sử dụng nền tảng này. Thỏa thuận được cho là sẽ giúp Square sở hữu một phần lớn trong không gian thanh toán kỹ thuật số cũng như mở rộng quyền truy cập cho người dùng.
Những thương vụ lớn liên tiếp đến từ các ông lớn về thanh toán hàng đầu thế giới phản ánh sức hút đáng kinh ngạc của các nền tảng “mua trước trả sau”. Đây được xem là một hình thức tín dụng mới của thế kỷ 21, trong đó khách hàng không cần phải trả tiền ngay lập tức cho người bán mà có thể trả góp dần với nhiều lựa chọn mất phí hoặc không mất phí, hoặc trả lãi suất trong khoảng thời gian cho phép.
Việt Nam đi sau một nhịp so với thế giới, nhưng thị trường lại rơi đúng vào thời điểm thuận lợi cho “mua trước trả sau” nên hứa hẹn cũng sẽ bùng nổ trong thời gian tới”.
Ông Ôn Như Bình - Giám đốc Kinh doanh Chiến lược của VNPAYQR
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết các ứng dụng “mua trước trả sau” đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu và được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực. Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ “mua trước, trả sau” sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. “Điển hình như ở Australia, ứng dụng “mua trước trả sau” Afterpay là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng người sử dụng thẻ tín dụng ở quốc gia này giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là các khách hàng trẻ tuổi”, TS. Huân nói.
Lý giải về sự bùng nổ của các nền tảng “mua trước trả sau”, ông Ôn Như Bình, Giám đốc Kinh doanh chiến lược của VNPAYQR chỉ ra hai lý do chính. Theo đó, trên thế giới, hình thức tín dụng này đã xuất hiện vài năm gần đây nhưng thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 diễn ra khiến xu hướng mua sắm online phát triển mạnh mẽ. “2020-2021 là thời gian vàng của thế hệ Z. Và “mua trước trả sau” là sản phẩm đáp ứng đúng khẩu vị của thế hệ Z hơn là tín dụng thẻ truyền thống”, ông Bình nói thêm.
Thị trường Việt Nam: Bùng nổ và cạnh tranh
Theo ông Bình, sẽ có hai mô hình chính “mua trước trả sau” phát triển ở Việt Nam, bao gồm sản phẩm của các tổ chức tín dụng và sản phẩm do các nền tảng cung cấp (Atome, Fundiin, Reepay...). “Thị trường sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu thú vị và khốc liệt giữa hai mô hình này”, ông Bình dự đoán.
“Mua trước trả sau” đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng trên toàn cầu và dự kiến sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới nhờ những ưu điểm trên so với thẻ tín dụng và sẽ dần thay thế thẻ tín dụng trong tương lai. “Số start-up hoạt động trong lĩnh vực này đã nổi lên tại Việt Nam và sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân trong thời gian tới theo đúng xu hướng của thế giới. Mô hình kinh doanh có thể là gọi vốn nước ngoài hoặc sẽ liên kết với các ngân hàng trong và ngoài nước để triển khai hình thức “mua trước trả sau”’, TS. Huân dự đoán.
“Mua trước trả sau” sở hữu các tính năng ưu việt hơn là thẻ tín dụng như việc cấp tín dụng cực kỳ đơn giản. Theo đó, người dùng được cấp tín dụng khi chỉ cần vài bước xác thực thông tin khách hàng qua định danh khách hàng điện tử. Họ cũng không cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe như người sử dụng thẻ tín dụng phải có như trả lương qua ngân hàng, tài sản đảm bảo…
Người dùng của các nền tảng tín dụng mới này chỉ cần tạo tài khoản, thỏa mãn các điều kiện cơ bản như không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, điểm tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm xã hội tốt hay có lịch sử mua hàng tốt trên các trang thương mại điện tử, ví điện tử sẽ được cấp ngay một hạn mức nhất định để chi tiêu. “Hạn mức này ban đầu sẽ là con số nhỏ, nhưng nếu họ chi trả đúng hạn và có lịch sử tín dụng tốt thì giá trị hạn mức sẽ tăng lên theo thời gian”, TS. Huân lý giải.
Với các nhà cung cấp, quản trị rủi ro là vấn đề hóc búa, hay nói sâu hơn, sẽ nhức đầu với bài toán phê duyệt nhanh nhưng rủi ro thấp”.
Ông Nguyễn Hải Nam -Giám đốc Quốc gia của Paretix Việt Nam
Các ứng dụng “mua trước trả sau” cũng đứng trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành thị phần sau thời gian đầu nở rộ, theo các chuyên gia. “Một vài năm sau đó, sẽ chỉ còn lại vài ứng dụng lớn có khả năng tồn tại và phát triển. Các ứng dụng có thị phần thấp, nhỏ lẻ và tiềm lực tài chính, công nghệ kém sẽ tự đào thải, hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động một khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định cụ thể cho hình thức này”, TS. Huân nói.
Những rủi ro tiềm ẩn của xu hướng mới
“Mua trước trả sau” về bản chất vẫn là một sản phẩm tín dụng nên vấn đề quản trị rủi ro vẫn phải được tính đến. Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Quốc gia của Paretix Việt Nam - công ty Fintech AI có trụ sở tại Israel chuyên về cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu tích hợp AI để chấm điểm tín dụng và quản trị rủi ro cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính, cho rằng sẽ mất một thời gian để thị trường trải nghiệm và sàng lọc đâu là sản phẩm và mô hình phù hợp với thị trường Việt Nam nhất. “Động thái của nhà quản lý trong giai đoạn này chủ yếu là quan sát”, ông Nam nói.
Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ có thêm lực chọn về thanh toán khi mua sắm bên cạnh sản phẩm truyền thống đang có (thẻ tín dụng). “Cơ bản trong giai đoạn đầu “mua trước trả sau” sẽ là “đốt tiền” để “educate” (giáo dục) và lấy khách hàng nên khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi, giống như lĩnh vực gọi xe công nghệ một thời”, ông Nam nói. Còn với nhà cung cấp, quản trị rủi ro là vấn đề hóc búa. “Hay nói sâu hơn, nhà cung cấp sẽ khá “nhức đầu” với bài toán phê duyệt nhanh nhưng rủi ro thấp”, Giám đốc Quốc gia của Paretix Việt Nam nhận xét.
Sự bùng nổ của các hình thức “mua trước trả sau” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng và cho xã hội. Theo ông Huân, hiện chưa có các văn bản quy định cụ thể hoạt động của các ứng dụng “mua trước trả sau” tại Việt Nam. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định và biện pháp cụ thể để quản lý các ứng dụng này, nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống tín dụng, hạn chế những vấn đề về ổn định xã hội, rủi ro vỡ nợ… cũng như định hướng cho các ứng dụng này phát triển một cách lành mạnh và mang lại lợi ích cho xã hội và người dùng.
Một số tổ chức tín dụng đen hiện nay có thể núp bóng các công ty tài chính công nghệ để cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất cao và cho vay vô tội vạ, từ đó bắt ép khách hàng phải trả nợ cho mình như họ đã từng làm với các ứng dụng cho vay online trong thời gian qua.
“Người dùng cần hết sức tỉnh táo và nghiên cứu kỹ về ứng dụng “mua trước trả sau” mà mình muốn sử dụng xem nó có thực sự uy tín không, nguồn gốc từ đâu và đặc biệt là xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng online như lãi suất, phí, điều khoản thanh toán, lãi phạt… trước khi sử dụng các ứng dụng trên”, ông Huân cảnh báo và cho rằng, người dùng cũng không nên chi tiêu quá mức để làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cũng như lịch sử tín dụng của bản thân trong tương lai.