Muốn nâng cao năng suất chất lượng một cách hiệu quả cần phải có lộ trình và điểm nhấn

Hà Phương| 02/10/2022 08:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Nói về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Xuân Định nhấn mạnh sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng trong xu thế hội nhập và cuộc CMCN 4.0.

Trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải bỏ được sức ì

Những vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải khi áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, bà Vũ Hồng Dân, Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam cho biết: "Đầu tiên theo tôi cản trở về sức ì tâm lý kể cả lãnh đạo".Nghĩa là, mình muốn rồi nhưng đôi khi mình vẫn theo phản xạ với guồng cũ.Làm sao chúng ta tạo được nhận thức về rào cản trong việc tâm lý cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Thứ hai, hệ thống quản lý cũng phải có hàng chục hệ thống quản lý khác nhau. Vậy thì doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn cái gì thế thì chúng ta phải chọn đúng và làm có lộ trình chứ không phải cái gì chúng ta cũng chọn nó sẽ giống như các món ăn, cái gì cũng cho vào thì thành như lẩu thập cẩm.

"Có rất nhiều việc phải làm mà chúng ta không phải làm để có hình thức là có chứng chỉ ISO mà phải hướng đến hiệu quả, để nâng cao được năng suất chất lượng", bà Dân cho hay.

Trong khi đó, nói về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng trong xu thế hội nhập và cuộc CMCN 4.0.

"Thời gian tới, chúng ta phải tìm giải pháp để làm sao hội tụ được cả xu hướng nâng cao năng suất chất lượng, xu hướng chuyển đổi số để hướng tới cái chung là thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo là chúng ta phải phá bỏ cái cũ để tạo nên cái mới, tạo ra những cái thậm chí không có tiền lệ.

Còn với doanh nghiệp, với một tổ chức thì cần đề cao tính hệ thống. Tính hệ thống đó được cấu thành bởi năng lực công nghệ, năng lực quản lý và năng lực của người lao động. Tất cả những vốn quý đó chúng ta đã nghiên cứu khá kỹ càng và thời gian qua cũng đã được đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, viện trường, hiệp hội tham gia góp ý.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp không phải làm để có hình thức là có chứng chỉ ISO mà phải hướng đến hiệu quả. Ảnh minh họa

Giúp DN tiếp cận nhanh nhất với KH&CN, đưa tiến bộ vào sản xuất nhiều hơn

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, thời gian tới, Bộ KH&CN cùng với các Bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, viện, trường vẫn cần thảo luận nhiều hơn nữa về việc triển khai chương trình thúc đẩy nâng cao năng suất doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Mục tiêu là tập trung tất cả các nguồn lực để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với khoa học và công nghệ, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất doanh nghiệp nhiều hơn.

"Thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL sẽ cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, viện, trường…để đưa ra các chương trình cụ thể, chi tiết để hiện thực hóa mục tiêu chương trình theo Quyết định 1322 mới được Chính phủ phê duyệt. Hệ thống chuyên gia mà chúng ta đã gây dựng được trong 10 năm qua sẽ là nguồn đầu vào quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Các cơ quan liên quan cần phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, gắn kết hơn nữa để tạo nên tính lan tỏa, tác động tới doanh nghiệp nhiều hơn", Thứ trưởng Bộ KH&CN nói.

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các nội dung mới phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 6 nhóm giải pháp.

Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề xuất các giải pháp thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về năng suất chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ; Tăng cường hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng, chú trọng khai thác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á.

Bên cạnh các hoạt động tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý công cụ cải tiến năng suất chất lượng với các phương thức mới đa dạng hơn thì chương trình mới theo Quyết định 1322 sẽ phát triển, bổ sung một số nội hàm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với những yêu cầu mới trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế và hội nhập xu thế cuộc CMCN 4.0. Chương trình mới sẽ tập trung thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Ảnh minh họa

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Ảnh minh họa

Với tinh thần đó, Bộ KH&CN đề nghị các Bộ, ngành các cơ quan, các địa phương, doanh nghiệp chủ động tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình theo Quyết định 1322.

Bộ KH&CN cũng mong muốn nhận được sự tham gia có hiệu quả hơn nữa của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong triển khai thực hiện chương trình để tiếng nói của doanh nghiệp, nhu cầu của doanh nghiệp đến với các cơ quan quản lý nhanh nhất, chính xác nhất, tạo mối gắn kết hơn nữa chương trình với hiệp hội và các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng đề nghị, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nên nền tảng flatform để hỗ trợ doanh nghiệp về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng. Ở đó không chỉ có các tài liệu online mà chúng ta còn có các hệ chuyên gia, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ. Đây chắc chắn là một trong những nội dung quan trọng mà chúng ta triển khai trong tương lai đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra.

Đề nghị các cơ quan báo chí truyền hình, thông tấn tiếp tục là cầu nối để truyền thông, truyền tải thông tin các nội dung hoạt động của chương trình tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội, tích cực đưa tin, bài về các mô hình tốt, điển hình hay trong phong trào năng suất chất lượng để lan tỏa và nhân rộng. Bộ KH&CN cam kết luôn đồng hành cùng các bộ ngành địa phương doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chương trình.

"Chúng tôi hy vọng rằng, đại diện đến từ các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp có cùng mối quan tâm sâu sắc tới thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia của ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ có những hành động thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của chương trình  để cùng nhau góp sức chung vào công cuộc thúc đẩy tăng năng suất quốc gia và phát triển bền vừng đất nước", Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Muốn nâng cao năng suất chất lượng một cách hiệu quả cần phải có lộ trình và điểm nhấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO