Tuy nhiên, khi nhắc đến tính bền bền vững để đảm bảo phát triển, một vấn đề quan trọng, tiên quyết đó là chung ta cần cần phải có các cơ chế quản lý hiệu quả, các quy định, khung khổ pháp lý cụ thể đối với trong lĩnh vực này.
Có thể nói, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới, TMĐT đang là "miền đất hứa" tiềm năng cho các DN chạy đua, cạnh tranh, phát triển. Dẫn chứng cho luận điểm trên luôn đúng, bởi lẽ điều dễ nhận thấy hiện nay ở Việt Nam đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều kênh bán hàng điện tử, online như Tiki, Lazada, Shopee, Alibaba, Amazon…
Thông qua các kênh bán hàng điện tử này, người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, mua giá rẻ, nhiều ưu đãi, còn DN Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường, giúp xuất, nhập khẩu hàng hóa nội địa được thông thương với thế giới.
Vai trò quan trọng của các văn bản pháp luật đối với TMĐT
Cũng vì mục tiêu phát triển kinh tế số trên môi trường điện tử, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 52/NĐ-CP về TMĐT, quy định cho phép mở Website đấu giá trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT. Căn cứ vào Nghị định trên, các tổ chức cá nhân, thương nhân được phép hoạt động, giao dịch một phần hoặc toàn phần việc mua, bán chuyển giao hàng hóa trên không gian mạng.
Chính nhờ có quy định mở đó, đây được coi là dấu mốc đầu tiên tạo ra khung pháp lý giúp cho các sàn TMĐT hoạt động, đồng thời là "làn gió" mới về phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong thời đại 4.0 phù hợp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau 07 năm, tháng 3/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết đinh số 431/QĐ-CP về việc phê duyệt Đề án về Quản lý TMĐT đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đây là quyết định mở ra thời kỳ mới cho TMĐT, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP và cũng được coi là tiền đề, bước đệm cho việc ban hành Nghị định về quản lý hải quan trong thời gian tới đối với việc xuất, nhập khẩu trong TMĐT, tạo đà, tăng nhanh tốc độ giao thương .
Và gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có hành vi vi phạm về TMĐT.
Như vậy, việc ban hành các văn bản mới bổ sung, thay thế các văn bản ra đời trước không chỉ một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn tích cực vì mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số mà ẩn chứa bên trong còn là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh cho các DN trên môi trường TMĐT.
Bên cạnh đó, để DN Việt Nam "gặt hái" thêm nhiều giá trị kinh tế khi tham gia sân chơi TMĐT, thiết nghĩ luôn cần nhiều hơn các đột phá về nhận thức, thể chế, mà cụ thể cần một khung khổ pháp lý, mà trong đó là những điều khoản được luật hóa cụ thể để giúp bảo vệ an toàn cho các DN tránh được các rủi ro, nhất là các giao dịch khi thanh toán điện tử.
Cần cụ thể, luật hóa các quy định trong thanh toán điện tử
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo "Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua TMĐT" do Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty TMĐT Innovative hub Việt Nam (IH) vừa tổ chức, với quan điểm, tư cách là Luật sư (LS) hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, Công ty Luật LTT & Lawyers, LS. Lê Trọng Thêm cho rằng, thanh toán TMĐT hiện nay đa dạng qua nhiều phương thức nên tiềm ẩn các rủi ro, do đó cần thiết phải khung khổ pháp lý để đảm bảo cho các giao dịch thanh toán trong TMĐT, các thanh toán quốc tế.
Theo LS. Thêm, nếu một hợp đồng thương mại được giao dịch trên sàn TMĐT nội địa, chỉ cần căn cứ trên khung pháp lý luật dân sự, thương mại là đủ. Tuy nhiên, nếu chúng ta xuất, nhập khẩu thông qua TMĐT thì không chỉ dừng lại ở luật của Việt Nam mà cần phải nghiên cứu luật của nước nước nhập khẩu (bên mua hàng), luật của nước có sàn TMĐT đó vận hành..
"Mặc dù Việt Nam đang có luật dân sự, thương mại hoàn chỉnh, nhưng đối với luật TMĐT vẫn còn nhiều những khoảng trống, chưa rõ ràng, khiến cho TMĐT, nhất là trong xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do vậy, muốn thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam, con đường ngắn cần phải hoàn thiện luật TMĐT", LS. Thêm nhấn mạnh
Dẫn chứng điều này, LS. Thêm nêu quan điểm, TMĐT là việc thực hiện các giao dịch bằng cách kích "chuột" mà đôi khi bên bán (xuất khẩu) và mua (nhập khẩu) không hề biết nhau, mọi giao dịch diễn ra trên nền tảng điện tử. Thực tế trong cách thức giao dịch này, nhất là đối với các giao dịch xuất khẩu, chúng ta vẫn còn làm thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống, chưa có một khung pháp lý giúp cho việc thúc đẩy hoàn thiện liên thông đối với các dòng giao dịch điện tử.
Với phương thức truyền thống này, người mua và bán thường sử dụng qua đơn vị trung gian (Logistics) để làm thủ tục hải quan nên sẽ rất bị hạn chế, không chủ động về việc nắm bắt thông tin, do đó, giờ đây cần thay đổi phương thức thông qua sàn TMĐT để mở tài khoản, để được đảm bảo trên những quy định pháp luật qua một bên đại diện pháp lý thứ ba.
Có nghĩa, hai bên xuất khẩu và nhập khẩu đều có cơ quan hải quan, thuế đại diện kết nối thông tin với nhau thông qua sàn TMĐT. Sau đó các đơn vị trung gian thanh toán như ngân hàng sẽ kết nối tiếp với nhau qua sàn TMĐT. Điều này giúp hai bên DN thêm thông tin, chủ động tiếp cận thông tin để lựa chọn được hình thức thanh toán, tránh trường hợp không rõ ràng, cụ thể.
"Bên trung gian thanh toán điện tử sẽ giữ tiền cho bên xuất khẩu và hàng hóa sẽ được chuyển cho bên mua, đây là cách bảo đảm cho bên nhập khẩu nhận hàng đúng chất lượng, đủ số lượng thì tiền do bên trung gian thanh toán mới giải ngân cho bên xuất khẩu. Đây là cách thức giao dịch công bằng, minh bạch, an toàn, được coi là mô hình tiêu biểu trong thanh toán trung gian điện tử, có cơ sở pháp lý bảo đảm an toàn cho cả hai bên", LS. Thêm nhận định.
Cũng theo LS. Thêm, hiện nay có rất nhiều phương thức thanh toán TMĐT, nhưng gút lại có 04 phương thức thanh toán cơ bản, qua mỗi phương thức cũng có những ưu, hạn chế như:
Thanh toán qua giao hàng (COD), người bán thông qua shipper đưa sản phẩm đến người mua thu tiền hộ. Đây chỉ là hình thức hiệu quả đối với nội địa, chắc chắn không thể thực hiện qua các giao dịch thương mại quốc tế.
Thanh toán qua ví điện tử, đây mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, các nhà cung cấp ví điện tử Việt Nam chưa được quyền liên thông, kết nối với ví điện tử quốc tế, do đó đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu vẫn chưa thể thanh toán ngoại tệ với các quốc gia khác.
Thanh toán qua thẻ, tài khoản ngân hàng tuy thông dụng sử dụng trong nội địa, nhưng khi thanh toán đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn gặp những khó khăn như liên quan đến các vấn đề chứng từ, hóa đơn hay có thể dòng tiền vượt mức giá trị lớn nên cũng khó thực hiện.
Thanh toán qua sàn TMĐT, giờ đây được coi là ưu điểm trong các phương thức thanh toán vì các giao dịch được thông qua một các Website TMĐT, có kết nối với bên trung gian hoặc các công ty con có chức năng thanh toán. Đây chính là phương thức phổ biến và đang được thực hiện cho xuất, nhập khẩu qua TMĐT.
Trên quan điểm nhận diện pháp lý, chỉ rõ các ưu, nhược điểm thanh toán đó, LS. Thêm cho rằng, hiện nay khi DN tham gia sàn TMĐT vẫn có thể gặp phải qua 06 rủi ro cơ bản phải kể đến như: Dòng tiền, giữ tiền, thanh toán quốc tế, chi phí liên quan đến giao dịch thuế - hải quan, công nghệ lừa đảo - hacker tấn công, lệnh cấm vận kinh tế.
Cụ thể, với các rủi ro về dòng tiền, chúng ta cần xây dựng cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách thương mại, chính sách thanh toán. Với việc giữ tiền các DN phải đảm bảo có đại diện hoặc ủy thác thanh toán có tư cách pháp nhân đăng ký. Và đối với thanh toán quốc tế, các đơn vị DN cần đầy đủ mọi thông tin, thời hạn, công bố các chính sách bán hàng công khai, minh bạch để tránh những khiếu kiện, khiếu nại sau này….
Như vậy, với các quan điểm chia sẻ của LS. Thêm, hy vọng đây là các thông tin hữu ích giúp các DN tránh, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy việc xuất - nhập khẩu hàng hóa các DN qua TMĐT - một hướng đi đúng đắn trong "dòng chảy" công nghệ, mà mục tiêu tiến xa vì sự phát triển kinh tế tế số quốc gia.