Năm 2021: năm chuyển đổi số sâu sắc đối với báo chí sau cú sốc COVID-19

Ánh Dương| 20/01/2021 15:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã công bố bản Báo cáo Dự báo về xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ 2021 xem xét cách các nhà xuất bản tin tức phản ứng với đại dịch COVID-19 và ý nghĩa của điều đó đối với năm 2021 và trong những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Báo cáo này được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát bao gồm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tin tức như các Tổng biên tập, Giám đốc điều hành, Giám đốc kỹ thuật số và Trưởng Ban tin tức...

Theo Nic Newman, chuyên gia Viện Nghiên cứu báo chí Reuters: "Năm 2021 sẽ là một năm chuyển đổi ố sâu sắc và nhanh chóng sau cú sốc do COVID-19 gây ra".

"Giãn cách xã hội và các biện pháp hạn chế khác đã phá vỡ những thói quen cũ và tạo ra những thói quen mới, nhưng chỉ trong năm nay, chúng ta mới khám phá ra những thay đổi cơ bản đó là gì".

Theo đó, 76% số người được khảo sát đã chia sẻ rằng COVID-19 đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số của họ. Những thách thức do COVID-19 đặt ra đòi hỏi các nhà xuất bản tin tức phải nhanh chóng đổi mới để thích ứng với môi trường đã thay đổi. Chẳng hạn như CNN đã kịp thời đưa ra podcast về virus corona chỉ trong vài ngày - một quá trình mà trước đây có thể cần nhiều tháng để phân tích và ra quyết định.

Theo Newman: "Trong năm nay, tốc độ đổi mới sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ khi các công ty truyền thông đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi số của họ. Nhưng với khoản tiền đầu tư cho các kế hoạch mới là không nhiều, do đó các công ty có thể sẽ tập trung vào việc cải tiến các sản phẩm và thương hiệu hiện có (70%) hơn là phát triển hoặc tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới (28%)".

Theo đó, các chiến lược kinh doanh mới trong năm nay sẽ là những thay đổi đối với phương thức làm việc, định dạng, mô hình kinh doanh và cách các công ty truyền thông nghĩ về sự đổi mới.

Nhiều người được hỏi đã chia sẻ rằng họ muốn cải thiện trải nghiệm cốt lõi của các trang web và ứng dụng của họ. Một trong số đó cho biết: "Xuất bản tin tức nói chung còn rất nhiều điều cơ bản cần thay đổi về tính dễ sử dụng, dịch vụ khách hàng... Việc có các đề xuất của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chẳng ích gì nếu mọi người không thể dễ dàng đăng nhập, tạm dừng đăng ký hoặc thay đổi chi tiết thanh toán".

Đa dạng hóa doanh thu được ưu tiên hàng đầu

Thúc đẩy đăng ký trả phí được đánh giá là trọng tâm doanh thu đối với 76% số người được khảo sát. Tiêu chí này được ưu tiên đặt lên trên cả doanh thu quảng cáo. Thương mại điện tử (TMĐT) và tổ chức sự kiện là những ưu tiên quan trọng tiếp theo.

COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nhà xuất bản tin tức - Ảnh 1.

76% số người được khảo sát đã đánh giá đăng ký trả phí là trọng tâm doanh thu. (Nguồn: RISJ)

Mặc dù đăng ký trả phí được đánh giá là ưu tiên quan trọng, tuy nhiên, nó cũng chỉ là một trong nhiều luồng doanh thu mà các nhà xuất bản đang sử dụng để đảm bảo tương lai bền vững và giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo.

Theo đó, đa dạng hóa doanh thu được đặt làm chủ đề chính với bốn dòng doanh thu khác nhau được các nhà xuất bản tin tức khẳng định sẽ rất quan trọng trong năm nay.

Theo GroupM, TMĐT cũng sẽ là một trong những nguồn doanh thu đầy hứa hẹn cho các nhà xuất bản với mức chi tiêu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới. Các thương hiệu như BuzzFeed, The New York Times và New York Magazine/Vox Media đã có những bước thâm nhập đáng kể trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, các nhà xuất bản cũng đã xây dựng những sáng kiến TMĐT xung quanh việc quản lý nội dung để làm sao có thể thu hút được khách mua hàng, qua đó họ nhận được những khoản tiền hoa hồng. Điển hình như Wirecutter của The New York Times, The Strategist của New York Magazine/Vox Media và IndyBest của The Independent, hay như BuzzFeed đã mạnh dạn đi trước và tạo ra được ngành dọc sản phẩm của riêng họ.

Một trong những ví dụ thành công về đa dạng hóa doanh thu là tờ The Independent (Anh) đã ngừng xuất bản báo giấy và chuyển hoàn toàn sang phát hành báo điện tử cách đây từ hơn 4 năm trước. Nhà xuất bản này hiện hoạt động dựa vào sự kết hợp của doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số, thương mại điện tử, doanh thu liên kết, đăng ký trả phí và mô hình đóng góp. The Independent hiện cũng đã được mở rộng sang các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha.

Christian Broughton, Giám đốc điều hành của The Independent cho biết: "Chúng tôi đã trải qua một năm với lợi nhuận và doanh thu kỷ lục, vì vậy chúng tôi rất tự tin về năm tới".

Nhà xuất bản này cũng đang có kế hoạch đẩy nhanh các sáng kiến mới trong năm nay bao gồm một dự án video/TV mới và chiến lược mở rộng ra quốc tế.

Các luồng doanh thu tiềm năng khác bao gồm tổ chức các sự kiện và các gói đăng ký trả phí. Theo Newman: "Apple và các công ty công nghệ khác đã cắt giảm lượng đăng ký liên tục trong nhiều năm nhưng các tổ chức tin tức có quy mô và nhắm mục tiêu dữ liệu tốt vẫn có thể giúp các nhà bán lẻ tìm được đúng khách hàng của mình".

Trong năm 2020, hoạt động kinh doanh sự kiện đi vào bế tắc do ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mọi người cũng đã sớm thích nghi với việc chuyển sang làm việc tại nhà, làm việc từ xa và cũng khá thoải mái với các công cụ trực tuyến như Zoom, Houseparty và Google Meet.

Điều này tạo cơ hội phát triển cho các sự kiện ảo mà nhiều nhà xuất bản đã sử dụng trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát. Họ nhận thấy các sự kiện ảo có thể được tổ chức một cách nhanh hơn, với cơ sở, chi phí thấp hơn, thu hút được lượng người tham gia cao hơn các sự kiện thực tế.

COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nhà xuất bản tin tức - Ảnh 2.

Năm 2020 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của podcast.

Mọi sự đổi mới sẽ trở nên vô nghĩa nếu kết quả cuối cùng không thu hút được độc giả. Hai định dạng nổi bật mà các nhà xuất bản sử dụng rất nhiều để thu hút và giữ chân khán giả trong năm 2020 là bản tin email và podcast (các tập tin âm thanh và video số).

Giống như CNN, nhiều nhà xuất bản đã ra mắt các bản tin email và podcast để cung cấp cho người đọc thông tin giúp họ điều hướng tốt hơn cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một trong số đó là The New York Times, đã xuất bản các bản tin email nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả.

Năm 2020 cũng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình Podcast do người dùng thay đổi thói quen tiêu dùng tin tức. Các podcast về đại dịch như Coronavirus Fact vs Fiction (CNN) và Coronavirus Update (NDR, Đức) là một trong số những podcast đã rất thành công với khán giả trên khắp thế giới.

Deloitte đã ước tính rằng thị trường podcast có thể vượt 3,3 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2025. Con số đó tăng khoảng gấp 3 lần quy mô hiện tại.

COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nhà xuất bản tin tức - Ảnh 3.

Coronavirus Fact vs Fiction (CNN) và Coronavirus Update (NDR, Đức) là một trong số những podcast đã rất thành công với khán giả trên khắp thế giới. (Nguồn: RISJ)

69% coi AI là động lực thay đổi lớn nhất cho báo chí

Phần lớn các sáng kiến tăng trưởng nói trên đều được hỗ trợ bởi công nghệ. Theo đó, Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cũng xem xét một số công nghệ có thể có ảnh hưởng trong thập kỷ tới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), kết nối 5G và thiết bị thông minh.

Đa số những người được khảo sát (69%) cho rằng AI là yếu tố lớn nhất thúc đẩy báo chí trong vài năm tới, tiếp theo là 5G (18%) và các thiết bị mới (9%). Nhiều nhà xuất bản đã sử dụng các công nghệ AI như máy học (ML), tạo ngôn ngữ tự nhiên (NLG) và nhận dạng giọng nói để giúp tìm các câu chuyện và khách hàng mới, tăng tốc sản xuất và cải thiện phân phối.

COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nhà xuất bản tin tức - Ảnh 4.

Đa số những người được khảo sát (69%) cho rằng AI là yếu tố lớn nhất thúc đẩy báo chí thay đổi trong vài năm tới. (Nguồn: RISJ)

Điển hình như The Globe and Mail (Canada) đã sử dụng một công cụ dựa trên AI có tên là Sophi để chọn ra các câu chuyện cho trang chủ và các trang đích khác. BBC cũng đã thử nghiệm một công cụ chatbot được hỗ trợ bởi AI, sử dụng phóng sự và thông tin tổng hợp từ các nguồn chính thức để trả lời các câu hỏi về coronavirus.

Theo Newman một trong những lĩnh vực thú vị nhất trong năm nay chính là có thể tự động hóa hoặc bán tự động hóa các định dạng mới từ văn bản.

BBC đang thử nghiệm các công cụ chuyển một câu chuyện tin tức bằng văn bản thành "câu chuyện trực quan" phù hợp với điện thoại di động. Một công cụ như thế có thể giúp các công ty truyền thông phục vụ đa dạng các sở thích của khán giả với những định dạng khác nhau mà không tốn nhiều nguồn lực.

"Sự kết hợp của các thiết bị mới, kết nối tốt hơn và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ hứa hẹn về một thế giới thông minh hơn với trí thông minh của con người được tăng cường và hỗ trợ bởi máy móc. Nhưng bên cạnh đó nó cũng tồn tại những mặt trái tiềm ẩn đối với nhiều người", Newman khẳng định.

Đặc biệt ông cũng nhấn mạnh, "báo chí với tư cách là một doanh nghiệp sẽ cần phải nắm lấy thời điểm này để hoàn thành quá trình chuyển đổi của chính mình".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2021: năm chuyển đổi số sâu sắc đối với báo chí sau cú sốc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO