Năm học đặc biệt và vai trò quan trọng của các nền tảng giáo dục trực tuyến "Make in Viet Nam"

Bảo Bình| 29/09/2021 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thị trường giáo dục trực tuyến trăm hoa đua nở, các nền tảng Make in Vietnam có nhiều thế mạnh như chủ động tùy biến theo yêu cầu người dùng trong nước, hệ thống máy chủ đặt ở trong nước, phù hợp với văn hóa Việt, có thể triển khai các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp…

Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử, khi nhiều tỉnh thành phải tiến hành khai giảng trực tuyến qua môi trường mạng (online). Không chỉ thế, những bài học đầu tiên cũng diễn ra trên môi trường trực tuyến. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, các bài học trực tuyến đã dần đi vào khuôn khổ. Thậm chí, trong kỳ thi kết thúc năm học 2020-2021 vừa qua, nhiều trường trên cả nước đã tổ chức thi trực tuyến. Góp phần tạo nên thành công của công tác dạy và học trong thời gian qua là các phần mềm dạy, học và thi trực tuyến, trong đó có các phần mềm “Make in Viet Nam” như E-learning hay K12Online…

Đại dịch COVID-19 đã mang lại thay đổi lớn lao cho nền giáo dục Việt Nam, sự thay đổi này sẽ còn kéo dài sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong bối cảnh đó, các phần mềm dạy, học Make in Viet Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến “Make in Viet Nam” gia nhập thị trường 

Mới đây, sản phẩm giáo dục Marathon Education của startup Việt đã huy động được 1,5 triệu USD tiền đầu tư “hạt giống” do Forge Ventures (một quỹ mới của Alto Partners), với sự tham gia của các nhà đầu tư bao gồm Venturra Discovery và iSeed SEA. Điều đáng nói là Marathon Education chỉ mới được thành lập cách đây khoảng 2 tháng, do hai nhà sáng lập Phạm Đức và Trần Việt Tùng lập nên. Trước khi thành lập Marathon, Phạm Đức là nhà đầu tư tại TPG Global, trong khi Trần Việt Tùng là một doanh nhân từng sáng lập các công ty khởi nghiệp trước đó bao gồm các nền tảng du lịch Triip.me và Christina’s. Cả hai đều lớn lên ở Hà Nội và dành phần lớn thời thơ ấu để đến các trung tâm học tập sau giờ học. 

Câu chuyện của Marathon Education cho thấy sức hấp dẫn của thị trường giáo dục trực tuyến trong nước cũng như năng lực của các doanh nghiệp Việt. Trong thời gian đầu khi mới bắt đầu dạy, học trực tuyến, nhiều trường học trong nước đã lựa chọn các nền tảng giao tiếp trực tuyến như Zoom hay Microsoft Teams, tuy nhiên đó thực chất chỉ là những nền tảng giúp giao tiếp trực tuyến, chứ không phải là những nền tảng học trực tuyến. Ngoài ra, các vấn đề về mặt an toàn bảo mật, giới hạn thời gian trong mỗi phiên sử dụng, đã cho thấy những bất cập của các nền tảng này. Những nền tảng giáo dục trực tuyến “Make in Viet Nam” bắt đầu thực sự được chú ý đến, đơn cử như giải pháp VNPT e-Learning, K12Online hay Viettel Study…

Năm học đặc biệt và vai trò quan trọng của các nền tảng giáo dục trực tuyến

Giao diện nền tảng VNPT E-Learning.

Không phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và các trường học trên cả nước triển khai dạy và học trực tuyến, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới bắt tay xây dựng nền tảng học và thi trực tuyến. Hệ sinh thái giáo dục thông minh của VNPT hướng tới các bài toán tổng thể cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong giáo dục đã được tập đoàn triển khai từ trước. 

VNPT cho biết giải pháp VNPT E-Learning hướng tới việc thu hẹp khoảng cách số cho toàn bộ người dùng tham gia vào nghiệp vụ dạy, học và quản lý. Cùng với 3 thành phần học qua livestream, trao đổi bài học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến, VNPT E-Learning đã bao hàm toàn bộ chương trình tiếp thu kiến thức từ phía học sinh một cách chủ động và đầy đủ nhất. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến để từ đó có thể công nhận kết quả học tập online. Điều này là thực sự cần thiết khi học trực tuyến là xu hướng tất yếu, nằm trong lộ trình chuyển đổi số ngành giáo dục. 

Ông Chu Lê Long, Giám đốc quản lý sản phẩm VNPT VnEdu, hệ sinh thái giáo dục được Tập đoàn VNPT phát triển từ hơn 10 năm trước, từng cho biết một trong những khó khăn mà đội ngũ phát triển VNPT vnEdu gặp phải trong suốt 10 năm phát triển sản phẩm, đó là thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, lãnh đạo nhà trường và các thầy cô cũng như phụ huynh, học sinh thay đổi cách thức học tập truyền thống. Giờ đây, đại dịch COVID-19 thực sự đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Thậm chí, quá trình học online vừa qua đã cho thấy biết cách học trong môi trường online sẽ giúp phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Tận dụng sức mạnh của mạng Internet để tìm kiếm thông tin, tham khảo thêm các kiến thức khác ngoài sách vở, các tư liệu học tập khác, qua đó nâng cao kỹ năng mềm của học sinh trong thời đại mới, từ đó cũng giúp học sinh tích cực đặt câu hỏi, tương tác thảo luận với bạn bè, thầy cô. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp học trực tuyến của Việt Nam tích hợp hoàn toàn với các giải pháp phần mềm quản lý nhà trường tại Việt Nam. Đây là một thế mạnh đặc biệt mà các giải pháp nước ngoài lại không đảm bảo được. 

Ông Đặng Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cho rằng với sự tham gia của nhà trường, các đơn vị cung cấp việc dạy và học online, và sự phối hợp của phụ huynh và học sinh thì việc học online sẽ trở nên nhẹ nhàng mà không phải là nỗi ám ảnh như các bậc phụ huynh vẫn lo lắng. 

Thế mạnh của các nền tảng giáo dục trực tuyến “Make in Viet Nam” 

Trao đổi với Tạp chí TT&TT, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định dạy học trực tuyến không phải là giải pháp tạm thời trong đại dịch mà là hình thức dạy - học song hành với hình thức dạy - học trực tiếp truyền thống; dạy học trực tuyến có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp hoặc thay thế dạy học trực tiếp. 

“Trong xu thế chung của thế giới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, hình thức dạy học trực tuyến sẽ ngày càng phát triển, ngày càng phát huy lợi thế mà hình thức dạy học trực tiếp không có được, như học mọi lúc mọi nơi, xóa bỏ rào cản về không gian khoảng cách”, ông Nam cho biết. 

Xác định dạy học trực tuyến sẽ song hành với hình thức dạy học trực tiếp, dạy học truyền thống, tầm quan trọng của các nền tảng dạy học online càng được nâng cao. Chính lúc này, các nền tảng dạy học “Make in Viet Nam” sẽ đóng vai trò rất lớn.

Như trên đã nói, việc giáo dục trực tuyến cho học sinh Việt Nam cần đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó có những điều kiện về học liệu số. Nội dung dạy học nên bám sát chương trình giáo dục của Việt Nam, phù hợp với văn hóa Việt, được đánh giá kiểm duyệt chuyên môn trước khi dạy… Ngoài ra, nền tảng dạy học cũng cần hoạt động ổn định bảo đảm an toàn an ninh thông tin, chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Đây là những điều kiện mà các nền tảng giáo dục trực tuyến trong nước có thế mạnh đáp ứng. 

Thực tế, trong một thị trường cạnh tranh bình đẳng, có rất nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến ra đời, trong đó có không ít nền tảng nước ngoài. Cần khẳng định các nền tảng giáo dục trực tuyến của nước ngoài và của Việt Nam đều có những điểm mạnh và điểm hạn chế. Nhìn chung, các nền tảng nước ngoài có chất lượng tốt, chịu được tải cao, cho phép số lượng lớn người truy cập cùng một lúc. Ngoài ra, các nền tảng này có chính sách miễn phí rộng rãi tuy nhiên người dùng bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp ở nước ngoài, không kiểm soát được vấn đề an toàn an ninh thông tin, phải sử dụng đường truyền quốc tế (đi vòng đến máy chủ đặt ở nước ngoài), khả năng hỗ trợ trực tiếp hạn chế. 

Trong khi đó các nền tảng giáo dục trực tuyến trong nước có lợi thế như có thể chủ động tùy biến theo yêu cầu người dùng trong nước, hệ thống máy chủ đặt ở trong nước, tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng (cả về con người, tài chính), thuần Việt phù hợp với văn hóa Việt, có thể triển khai các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp. Tuy vậy, các nền tảng này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện về chức năng, hiệu năng, năng lực (như phục vụ được số lượng lớn người dùng cùng lúc) và giá dịch vụ. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người dùng có xu hướng nghiêng về các nền tảng miễn phí. Các nền tảng “Make in Viet Nam” vẫn đang ngày một hoàn thiện về chức năng, hiệu năng, năng lực (như phục vụ được số lượng người dùng cùng lúc lớn hơn) và giảm giá dịch vụ để mở rộng thị phần. 

Năm học đặc biệt và vai trò quan trọng của các nền tảng giáo dục trực tuyến

Các nền tảng giáo dục trực tuyến “Make in Viet Nam” vẫn đang ngày một hoàn thiện về chức năng, hiệu năng, năng lực và giảm giá dịch vụ để mở rộng thị phần. (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Hình thành nền tảng học tập quốc gia, chú trọng sản phẩm “Make in Viet Nam” 

Mặc dù đã triển khai dạy và học trực tuyến được một thời gian, song việc dạy và học trực tuyến vẫn đang gặp nhiều thách thức, trong đó có cả những thách thức chủ quan và khách quan. Xác định rõ thách thức sẽ giúp cả cơ quản quản lý, nhà trường lẫn phụ huynh và học sinh tìm ra giải pháp phù hợp khi học trực tuyến. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để phát triển hình thức dạy học trực tuyến tiên tiến, hiệu quả cần nhiều điều kiện khác nhau tùy thuộc yêu cầu ngày càng cao của thực tế, song có thể nêu ra một số điều kiện cơ bản sau. 

Thứ nhất là điều kiện về trang thiết bị đầu cuối, đây là vấn đề khó khăn hiện nay ở nước ta. Đó là thiếu thiết bị đầu cuối (như máy tính, điện thoại thông minh (smartphone)), đó là thiếu đường truyền Internet (cả hữu tuyến, vô tuyến) cho học sinh học tập, nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về chi phí, cần sự cố gắng của gia đình học sinh cùng sự hỗ trợ của nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng. 

Bên cạnh trang thiết bị đầu cuối, để dạy học trực tuyến hiệu quả cần đảm bảo các điều kiện về đường truyền Internet nói chung, phạm vi phủ sóng rộng các địa bàn học tập, băng thông đủ lớn, ổn định, cước phí thấp. 

Khi đã có thiết bị tốt, cơ sở hạ tầng sẵn sàng, thì một điều kiện rất quan trọng để dạy học online hiệu quả đó chính là các nền tảng dạy học. Các nền tảng này phải đủ chức năng phục vụ học tập từ cơ bản đến mở rộng, thân thiện dễ dùng, hoạt động ổn định bảo đảm an toàn an ninh thông tin, chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. 

Một điều kiện rất quan trọng nữa để giáo dục trực tuyến hiệu quả là về học liệu số. Cần xây dựng kho học liệu số đầy đủ, không chỉ tập trung vào một số môn chính, không chỉ tập trung vào các lớp cuối cấp mà cần đầy đủ cho các môn học, cấp học. Học liệu số cần bảo đảm chất lượng, truyền tải được nội dung, có tính tương tác cao, sinh động, phù hợp với văn hóa Việt, được đánh giá kiểm duyệt chuyên môn trước khi dạy. Học liệu cần được chia sẻ sử dụng chung, tránh xây dựng trùng lặp lãng phí. 

Khắc phục khó khăn về học liệu số, nhà nước phát triển kho học liệu số dùng chung, huy động sự tham gia đóng góp và cùng khai thác sử dụng của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ 1,5 triệu giáo viên, giảng viên, sinh viên sư phạm cũng như sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp nội dung học liệu số, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) cả về nền tảng, nội dung, kinh phí.

Người dạy và người học trực tuyến cũng cần phải có kiến thức kỹ năng, không chỉ kiến thức kỹ năng sử dụng CNTT, sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến thành thục, an toàn mà còn gồm cả là kiến thức kỹ năng chuyên môn dạy trực tuyến, tổ chức bài học, lớp học (cho giáo viên), phương pháp học trực tuyến hiệu quả (cho học sinh); các nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức này cho giáo viên, học sinh, ban hành nội quy ứng xử trên môi trường mạng, nội quy lớp học trực tuyến. 

Dạy - học trực tuyến cũng cần có quy định về hành lang pháp lý, đó là các quy định như quy định về chương trình dạy học trực tuyến, tiêu chuẩn bài giảng trực tuyến, vấn đề thi trực tuyến và công nhận kết quả thi, kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến, kể cả học phí dạy học trực tuyến. Các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, tạo cơ sở thực hiện hoạt động dạy học trực tuyến phát triển, pháp luật cần có tính dự báo và đi trước để hạn chế chạy theo thực tiễn.

Để đảm bảo cho công tác dạy và học được liền mạch, hiệu quả nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 trong thời gian trước mắt, cũng như về lâu dài là chiến lược học tập suốt đời, học tập linh hoạt để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, nhà nước cần sớm có chính sách để hình thành một nền tảng học tập quốc gia, có khuyến cáo sử dụng các nền tảng đối với nhà trường, chú trọng phát triển các nền tảng học tập “Make in Viet Nam”, đẩy mạnh hơn cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam - ông Tô Hồng Nam nhấn mạnh.

NHỮNG NỀN TẢNG HỌC TRỰC TUYẾN “MAKE IN VIET NAM” NỔI BẬT

Hệ sinh thái giáo dục của VNPT

VNPT cung cấp Hệ sinh thái giáo dục bao gồm 2 nền tảng chính là Hệ thống phần mềm hỗ trợ học trực tuyến VNPT LMS và Giải pháp học và thi trực tuyến VNPT E-Learning.

Hệ thống VNPT LMS chuyên về hỗ trợ hoạt động đào tạo từ xa cho nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức có nhu cầu. Vừa qua, VNPT LMS đã đạt giải Vàng ở hạng mục Giải pháp học trực tuyến tại Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2021 (Stevie International Business Awards).

Giải pháp học và thi trực tuyến VNPT E-Learning là giải pháp tổng thể Giáo dục số của VNPT, giúp kết nối thông suốt, hiệu quả từ các cấp quản lý tới giáo viên, học sinh, phụ huynh. VNPT E-Learning có hơn 20 giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục như Cổng thông tin điện tử nhà trường, Sổ liên lạc điện tử, soạn bài giảng điện tử, hệ thống thi trực tuyến tùy biến… Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 10.000 trường, hơn 300.000 tài khoản giáo viên, trên 5.000.000 tài khoản học sinh với số bài giảng lên tới hơn 200.000 bài giảng đã được triển khai trên giải pháp VNPT E-Learning.

Hiện giờ, với mạng lưới phủ kín 63 tỉnh/thành phố, đội ngũ kỹ thuật trình độ cao của VNPT có thể hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai Hệ sinh thái giáo dục của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.

ViettelStudy

Hệ thống ViettelStudy do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội) cung cấp miễn phí là mạng xã hội học tập trực tuyến duy nhất ở Đông Nam Á. Với nguồn học liệu chính thống từ các nhà cung cấp nội dung có uy tín, chất lượng cao được cập nhật thường xuyên trên hệ thống sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo kiến thức giảng dạy, học tập từ xa cho giáo viên, học sinh trong giai đoạn này và trong tương lai với 11 triệu tài khoản người dùng đến từ 40.000 trường học trên khắp cả nước.

ViettelStudy có sự khác biệt là các tài khoản định danh người dùng theo cơ sở dữ liệu tập trung của ngành giáo dục, đảm bảo an toàn hơn các trang mạng xã hội thông thường, giúp học sinh và giáo viên chọn học kiến thức tập trung, phù hợp. Đồng thời, ViettelStudy còn là công cụ tương tác thường xuyên trong cộng đồng giáo dục, truyền thông về các định hướng chuyên môn từ các cơ quan quản lý cấp trên xuống đến cấp dưới. Giúp học sinh và giáo viên có thể tương tác từ xa, học sinh ôn luyện, học tập, giáo viên chấm, chữa bài và trao đổi với học sinh từ xa hoàn toàn miễn phí thông qua hệ thống.

Theo thống kê, tính đến nay, đã có 27 Sở Giáo dục tỉnh, thành trên cả nước liên hệ với Viettel để hỗ trợ các cơ sở Giáo dục triển khai ViettelStudy. Cùng thời gian, tỷ lệ truy cập ViettelStudy đã tăng hơn 80 lần so với thời gian trước đó. Các thầy cô cũng đã tạo mới hơn 5.000 Khóa học và 1.000 Kỳ thi để giao bài tập và hướng dẫn học sinh học từ xa.

Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online

Hệ thống K12Online là hệ thống quản lý học và thi trực tuyến do Viettel phát triển. Đây là hệ thống đầu tiên đáp ứng các quy định về học tập trực tuyến tại Thông tư 9/2021/BGDĐT.

K12Online cho phép tổ chức 1 lớp học không khác lớp học trong thực tế, trong đó học sinh được điểm danh và học theo thời khóa biểu, giáo viên giảng dạy theo sự phân công của nhà trường…

Đến nay K12Online đã có hơn 185.000 tài khoản giáo viên và 2 triệu tài khoản học sinh. Hệ thống đã được triển khai tại 32.000 cơ sở giáo dục trên 63 tỉnh, thành phố với 500.000 học liệu. Giáo viên có thể tạo học liệu trực tuyến trên K12Online để giao cho học sinh. Các học liệu trực tuyến có thể là các bài giảng trực tuyến, bài kiểm tra hoặc các lớp học ảo. Ngoài ra, giáo viên cũng có tính năng khác như quản lý ngân hàng câu hỏi, quản lý kế hoạch bài dạy hoặc tham gia các cuộc họp trực tuyến ngay trên hệ thống.

Hocmai.vn

Ngày 13/3/2007, hệ thống học hocmai.vn chính thức cung cấp dịch vụ học trực tuyến cho học sinh THPT trên phạm vi toàn quốc với 500.000 học sinh đăng ký học online. Hệ thống cũng hợp tác cùng Cục Khảo thí Bộ GD về đề thi trắc nghiệm. Tính đến nay, đã có hơn 4 triệu thành viên đăng ký học trực tuyến trên hệ thống hocmai.

Năm 2020, hệ thống học trực tuyến hocmai.vn đạt giải Ba hạng mục “Thu hẹp khoảng cách số” - Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Tiếng Anh 123

Ứng dụng và website học tiếng Anh trực tuyến Tiếng Anh 123 là một trong các sản phẩm công nghệ số được vinh danh Make in Viet Nam 2020.

Tiếng Anh 123 là ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến trên thiết bị di động, sản phẩm của nhóm tác giả đến từ Công ty TNHH Hãy Trực Tuyến (BeOnline). Ứng dụng TiengAnh123 cho phép người dùng sử dụng các thiết bị di động như smartphone hoặc tablet có kết nối Internet để học tiếng Anh trực tuyến. Ứng dụng hỗ trợ 3 nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay là Android, iOS và Windows Phone.

Đây là ứng dụng học tiếng Anh mở, nghĩa là các bài học mới được cập nhật thường xuyên khi người dùng mở ứng dụng và có kết nối Internet. Trên ứng dụng có các bài học phù hợp với từng lứa tuổi như tiếng Anh dành cho trẻ em, tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông, tiếng Anh dành cho người lớn (sinh viên và người đi làm)...

Ứng dụng cho phép người học sử dụng chức năng ghi âm của điện thoại và máy tính bảng để ghi âm các bài luyện nói. Giúp người học nghe các âm thanh (audio) mẫu, rồi ghi âm, sau đó nghe lại câu nói của mình. Người học cũng có thể gửi các file âm thanh ghi âm của mình lên máy chủ để lưu trữ hoặc gửi cho cô giáo chấm điểm và nhận xét.

Đối với thành viên thường (hoặc không là thành viên), người dùng vẫn có thể truy cập toàn bộ ứng dụng, nhưng không xem được lời dịch, không nghe được audio, và không làm được hết các bài tập (chỉ làm được từ 2 đến 3 câu trong 1 bài). Điều này cho phép người dùng sử dụng thử ứng dụng trước khi quyết định có trả phí để tham gia các khóa học nâng cao do ứng dụng cung cấp hay không./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Năm học đặc biệt và vai trò quan trọng của các nền tảng giáo dục trực tuyến "Make in Viet Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO