Người cao tuổi là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất bởi thông tin sai lệch lan truyền trên mạng. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã khiến vấn đề trở nên cấp bách hơn bao giờ hết vì đây chính là nhóm người dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn so với những người ở độ tuổi khác. Do vậy thông tin sức khỏe đáng tin cậy lại càng trở nên quan trọng hơn.
Theo Jean Setzfand, Phó Chủ tịch cấp cao các chương trình của AARP - nhóm vận động cho người lớn tuổi của Mỹ: "Thông tin sai lệch có xu hướng tăng cao. Đặc biệt những thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể gây ra tác động nghiêm trọng nếu bạn nhận được những thông tin không chính xác".
Nhằm nâng cao nhận thức về tin giả, tin không đúng sự thật, gần đây các hội thảo trên web trực tuyến, lớp học và các video dạy cho những người lớn tuổi về cách nhận biết thông tin sai lệch đã bắt đầu xuất hiện, từ "MediaWise for Seniors", một chương trình được thiết kế bởi AARP và Viện báo chí Poynter, đến "How to Spot Fake News" - lớp học miễn phí của Senior Planet, một phần của dịch vụ công nghệ phi lợi nhuận dành cho người lớn tuổi.
(Ảnh minh họa)
Cách nhận biết tin tức giả
Buổi học trực tuyến kéo dài một giờ đồng hồ của Senior Planet cung cấp tổng quan về các loại thông tin không đúng sự thật đang phổ biến trên Internet, bao gồm cả những video "deep fake" bị thao túng (video sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ghép mặt người vào những video nhạy cảm), cho đến những quảng cáo sai sự thật và các tin tức bịa đặt.
Lịch học của những lớp học này được đăng trước khoảng một tuần trên trang web của Senior Planet và không cần đăng ký trước.
Tại các lớp học của Senior Planet, người tham gia có thể đặt các câu hỏi cho người quản lý lớp học. Trong buổi học trực tuyến vào tháng trước, một người tham gia lớp học đã đưa ra câu hỏi về ý nghĩa của từ "xu hướng" trên trang tin tức Yahoo!. "Những thông tin đó có nghĩa là nhiều người đang đọc hơn hay nó trung thực hơn?", người này đặt câu hỏi.
Một số người tham gia lớp học đầu tiên của Senior Planet vào hồi tháng 2 đã không biết rằng thông tin sai lệch đang lan truyền mạnh mẽ trên Internet. Một người phụ nữ nhận được một tin nhắn với nội dung không đúng sự thật rằng có thể phát hiện COVID-19 bằng cách nín thở; sau đó cô ấy đã chuyển tiếp tin nhắn đó cho người khác. "Cô ấy đã không thể biên tập lại được những gì cô ấy chia sẻ", Bre Clark, người quản lý chương trình giảng dạy lớp học cho biết.
Lớp học cũng đưa ra các đề xuất khác nhằm phát hiện thông tin giả và tránh chia sẻ những thông tin đó như: đánh giá xem tin tức đó có phải từ một phương tiện truyền thông đã được xác minh hay không; lưu ý đến ngày xuất bản, người viết nội dung và tác giả của những thông tin có uy tín không; kiểm tra trang web đó có đuôi .gov, .edu, .org hoặc .com hay không, đồng thời cũng xác định xem trang web đó có đang bán sản phẩm hay mặt hàng nào đó hay không?
Ngoài ra, những người tham gia lớp học cũng sẽ được tìm hiểu về các trang web xác minh tính xác thực như Snopes.com, FactCheck.org và Politifact.com.
(Ảnh minh họa)
Truyền thông thông minh cho người lớn tuổi
Chương trình "MediaWise for Seniors" của Viện Báo chí Poynter và AARP gồm các cuộc hội thảo trực tuyến, lớp học và các thông báo về dịch vụ công với các mẹo nhận biết thiết thực. Facebook cũng hỗ trợ một phần cho chương trình này.
Chương trình được bắt đầu từ đầu tháng 9 với một hội thảo trên web kéo dài 30 phút và một buổi hội thảo ảo do TS. Sanjay Gupta, phóng viên mảng y tế của CNN tổ chức.
Theo tổ chức này, có khoảng 41.000 người đã đăng ký tham gia buổi đầu tiên.
Các cách thức được đề cập đến như cân nhắc xem nội dung có nguồn gốc tốt hay không; không nên chỉ đọc các tiêu đề; đọc thông tin từ nhiều nguồn và cân nhắc xem "liệu những nguồn đó cung cấp các trích dẫn và lý luận tốt hay không", TS. Gupta chia sẻ.
Còn trong buổi hội thảo trên web, Setzfand nhấn mạnh về cách mạng xã hội sử dụng các yếu tố kích thích cảm xúc như tức giận hoặc sợ hãi nhằm gây ảnh hưởng hoặc lợi dụng người dùng. Theo đó, Setzfand cũng khuyên mọi người trước khi hành động, hãy tạm dừng và kiểm tra thực tế một chút.
Ngoài ra, Chương trình cũng giảng dạy các khái niệm cơ bản về hoạt động của các thuật toán và công cụ tìm kiếm của mạng xã hội.
Bên cạnh đó, trong thông tin hướng dẫn về đại dịch COVID-19, Viện Báo chí Poynter đã khuyến cáo mọi người nên cảnh giác với các tiêu đề giật gân, đây là dấu hiệu của các thông tin mang tính chất câu view chất lượng thấp; tìm kiếm trực tuyến các tác giả không quen thuộc để kiểm tra lý lịch của họ; theo dõi các siêu liên kết để xác minh các nguồn chính thức; đồng thời cần hiểu đúng ngữ cảnh của thông tin nhận được.
"MediaWise for Seniors" cung cấp một khóa học trực tuyến gồm 4 phần miễn phí từ ngày 24/9 đến ngày 15/10. AARP cũng sẽ đăng các sự kiện trực tuyến trong tương lai trên trang web của mình.
Cảnh báo gian lận
Hiện nay, thực trạng thông tin sai lệch trực tuyến đang chồng chéo với gian lận trực tuyến. Trong khi những kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu đến tất cả mọi người ở các nhóm độ tuổi khác nhau thì người cao tuổi là nhóm người có thể dễ bị lừa hơn cả nếu họ đang bị suy giảm về nhận thức.
Lợi dụng đại dịch, những kẻ lừa đảo đã cố gắng lừa mọi người tiết lộ thông tin tài chính và cá nhân liên quan đến các khoản thanh toán, liên hệ mua bán các phương pháp chữa trị COVID-19 giả.
Trang web của AARP cũng đăng tải nhiều thông tin về các hình thức lừa đảo phổ biến. Theo đó, AARP đã giới thiệu về các phương thức cơ bản nhưng quan trọng như kiểm tra các địa chỉ email đáng ngờ bắt chước những địa chỉ email của các công ty đã được xác thực và tránh nhấp vào các liên kết được nhúng trong email. Bên cạnh đó, những người muốn tìm kiếm thêm thông tin có thể đăng ký nhận bản tin cảnh báo về gian lận của AARP.
Những nỗ lực to lớn này nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người đến những nguy cơ của tin giả, tin sai sự thật và nâng cao nhận thức chính là "một phần của giải pháp", Setzfand khẳng định.