Make in Viet Nam

Nghị quyết 57-NQ/TW: Lời hiệu triệu hành động cho doanh nghiệp công nghệ

Hoàng Linh 18/05/2025 6:30

Các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ đã khẳng định Nghị quyết 57 là lời hiệu triệu để hành động.

Phát triển các hình nông nghiệp trong nhà thông minh

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định KHCN, ĐMST, CĐS phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Chia sẻ tại Ngày hội KH&CN Việt Nam 2025, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Công ty CP công nghệ Hachi Việt Nam cho biết chúng ta đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là kim chỉ nam cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, mà còn là lời hiệu triệu cho tất cả chúng ta cùng hành động, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa lao động nông thôn và áp lực cạnh tranh toàn cầu.

ba-huong.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là kim chỉ nam cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, mà còn là lời hiệu triệu cho tất cả chúng ta cùng hành động - đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa lao động nông thôn và áp lực cạnh tranh toàn cầu.

Trong hành trình ấy, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết người nông dân không thể đứng một mình. Họ cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức và đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận. Đó chính là sứ mệnh mà Hachi theo đuổi suốt 8 năm qua với tư cách là một startup công nghệ nông nghiệp được ươm tạo từ Dự án Trung tâm ĐMST ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), thuộc Bộ KH&CN.

Hachi đã triển khai hơn 250 mô hình nhà kính thông minh từ đồng bằng đến vùng cao, từ đô thị đến biên giới. Đặc biệt, các mô hình nhà màng chi phí thấp kết hợp nền tảng điều khiển khí hậu qua smartphone giúp nông dân tại các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang có thể trồng dưa lưới, dược liệu, rau sạch quanh năm, bất chấp thời tiết.

“Từ nông dân truyền thống, họ trở thành “người điều hành farm số” chỉ bằng một nút chạm”, bà Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.

n3025_nong-nghiep-cong-nghe-cao_anh-thu-01.png
Công ty CP công nghệ Hachi Việt Nam, tiền thân là dự án Startup Hachi - Nông nghiệp thông minh, được thành lập với sự đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ Việt Nam Silicon Valley – Bộ KH&CN. (Ảnh: hachi).

Cùng với đó, Haichi đã đồng hành cùng 16 hộ dân tại Sơn La trong đó có nhiều hộ là phụ nữ làm chủ kinh tế gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xây dựng 2,2 ha nhà kính thông minh dưới sự tài trợ của FAO, mở ra mô hình chuyển đổi nông nghiệp mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc. Hay như những hộ gia đình ở Tây Nguyên nhờ hệ thống thủy canh khép kín và phân tích dữ liệu bằng AI, giúp các hộ gia đình tăng năng suất 30% và tiết kiệm 40% lượng nước sử dụng.

“Việc tiếp cận công nghệ không chỉ là đặc quyền của những người có điều kiện mà phải là cơ hội dành cho tất cả, đặc biệt là những nhóm yếu thế”, bà Nguyễn Thị Mai Hương Hương bày tỏ tin tưởng.

Hachi cam kết xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh hướng đến tính bao trùm, tạo điều kiện cho phụ nữ, thanh niên và đồng bào DTTS chủ động làm chủ tri thức, công nghệ và sinh kế bền vững. Hachi không chỉ xây nhà kính - mà đang xây tương lai cho người nông dân.

Bằng việc ứng dụng tự động hóa 90%, tích hợp IoT, AI, cảm biến dinh dưỡng và ánh sáng, Giám đốc vận hành Hachi cho biết công ty đã đưa các công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Hachi đang phát triển các mô hình nông nghiệp trong nhà thông minh (smart indoor farm), trang trại trồng sâm công nghệ cao và chuỗi trang trại đạt chuẩn xuất khẩu hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị cao, xanh, sạch và bền vững.

“Khi công nghệ chạm đến tay người nông dân, đó không chỉ là CĐS. Đó là chuyển đổi niềm tin, là sự phục hồi của tinh thần nông dân, là niềm tự hào làm nông nghiệp thời đại mới”, bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Giám đốc Hachi bày tỏ mong muốn các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và cả cộng đồng hãy cùng lan tỏa những mô hình nông nghiệp ĐMST, đặc biệt là những mô hình có tính bao trùm để mỗi người nông dân, dù là phụ nữ, người trẻ hay người DTTS, đều có cơ hội tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 theo cách riêng của họ.

“Hãy để trí tuệ Việt, ĐMST và công nghệ xanh trở thành lực đẩy cho nền nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0 nơi mỗi người nông dân không chỉ là người sản xuất, mà là người làm chủ công nghệ, là chiến binh xanh trong trận chiến vì khí hậu và phát triển bền vững”, Giám đốc startup Hachi bày tỏ.

Thúc đẩy môi trường cho ĐMST, KHCN

Cũng là một startup công nghệ, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty CP MedCAT chia sẻ về quá trình nghiên cứu, triển khai giải pháp KHCN cho biết giải pháp của công ty là nền tảng để số hoá mọi loại dữ liệu phi cấu trúc và được xem là giải pháp giúp tăng tốc quá trình CĐS của mọi lĩnh vực, mọi ngành.

ba-tuyet.jpg
Bà Đặng Thị Ánh Tuyết: Với các chương trình, chính sách của cơ quan nhà nước, DN công nghệ có cơ hội để đồng hành cùng CĐS quốc gia.

Nhà sáng lập MedCAT chia sẻ bài toán này đi từ trải nghiệm và ghi nhận thực tế khi có một thời gian dài bà đi cùng với người thân hết các bệnh viện trong và ngoài nước khám bệnh và mỗi ngày đi về đều tự ghi, cấu trúc lại các dữ liệu để có một bản tổng kết đơn giản, dễ hiểu cho những lần thăm khám tiếp theo. “Bài toán này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực y tế mà có thể liên quan đến giải pháp dữ liệu và ở trong tất cả mọi ngành”.

Chính vì vậy, bà Đặng Thị Ánh Tuyết đã sáng kiến phải làm giải pháp để tái cấu trúc dữ liệu và MedCAT ra đời, được ứng dụng cho tất cả mọi ngành, trong đó có giải pháp chuyên sâu cho lĩnh vực y tế và bảo hiểm.

Theo MedCAT, những dữ liệu mỗi người có cơ bản không có cấu trúc và chỉ là những nguồn nguyên liệu thô. Để thực sự sử dụng được thì phải được cấu trúc, đo đếm, phân tích được rõ ràng và phải được xử lý để trở thành nguồn nhiên liệu để đưa vào quá trình sản xuất. Những việc MedCAT làm là đi vào 80% thị trường dữ liệu phi cấu trúc trên thế giới hiện nay. Và khi xử lý xong dữ liệu phi cấu trúc thì mới xong giai đoạn 2 của quá trình CĐS và có dữ liệu để cho các tổ chức, DN khác thực hiện quá trình liên quan đến tự động hoá (automation) trong phần CĐS phía sau.

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm MedCAT đã đi theo quá trình hoàn toàn khác biệt với cách truyền thống là sử dụng OCR hoặc trích xuất dữ liệu bởi theo cách này thì dữ liệu phải đọc theo từng bảng, biểu mẫu. MedCAT làm theo cách khác, là ứng dụng AI, sử dụng mô hình ngôn ngữ kết hợp thị giác và mô hình ngôn ngữ lớn để tạo thành một mô hình riêng sở hữu của MedCAT và có thể giúp số hoá, tái cấu trúc mọi loại dữ liệu mà không phụ thuộc vào yếu tố với độ chính xác rất cao là hơn 97%.

So với một nền tảng để tái cấu trúc dữ liệu tốt nhất hiện nay, MedCAT đang có độ chính xác cao hơn 6% so với các dữ liệu thông thường và 10% so với những dữ liệu khó và quá trình xử lý dữ liệu của MedCAT đang tốt gấp 2 - 3 lần tuỳ với loại dạng dữ liệu.

MedCAT đã được ứng dụng trong lĩnh vực một số lĩnh vực, trong đó ứng dụng vào trong bảo hiểm để giải quyết bài toán xử lý bồi thường bảo hiểm một cách tự động. Nhân viên không còn phải gõ máy tính để tính toán. Điểm quan trọng là thay vì 20 trường dữ liệu mà các đơn vị quản lý được trước đây thì nay có thể tạo 200 trường dữ liệu để xử lý các bài toán về bảo hiểm, cũng như các dữ liệu sau này.

medcat.jpg
Theo MedCAT, việc tái cấu trúc và khai thác hiệu quả dữ liệu chính là nền tảng quan trọng trong quá trình CĐS và MedCAT luôn sẵn sàng những giải pháp tối ưu trên hành trình này (Ảnh: MedCAT).

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết chia sẻ đây là nhiều tính năng đã được bổ sung vào bài toán bảo hiểm và đặc biệt trong đó là chống các chi trả không phù hợp trong bảo hiểm. “Mặc dù chỉ tiếp cận một phần nhỏ trong khâu của bảo hiểm thế nhưng thực tế giải pháp khi có được dữ liệu đầy đủ thì chính là mang đến điểm đột phá khác để cho lĩnh vực bảo hiểm từ trải nghiệm của người dùng, năng suất cho người làm cũng như dữ liệu cho lãnh đạo, cho HĐQT tạo ra những sản phẩm mới, tạo ra những kênh phân phối đối với lĩnh vực bảo hiểm”.

Người đứng đầu MedCAT chia sẻ thực tế là thời gian đầu phát triển rất dài và khó khăn nhưng khi giải quyết được bài toán MedCAT đã đi nhanh, các khâu sau đó đều thuận lợi. Trong hành trình đó, MedCAT đã nhận được nhiều sự hỗ trợ như của TP. Hà Nội, Bộ KH&CN, Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) và các đơn vị.

Tổng Giám đốc MedCAT khẳng định Nghị quyết 57, tiếp đó là Nghị quyết 68 đã cho DN như MedCAT cảm nhận được môi trường cho ĐMST, KHCN đang được thúc đẩy. “MedCAT đang từng bước tham gia vào quá trình xây dựng sandbox công nghệ và kỳ vọng các chính sách, cơ chế mới, nhiều DN đổi mới công nghệ, ĐMST có cơ hội ĐMST hơn nữa. Cùng với đó với nhiều chương trình, chính sách của cơ quan nhà nước, DN công nghệ như MedCAT có cơ hội để đồng hành cùng CĐS quốc gia”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 57-NQ/TW: Lời hiệu triệu hành động cho doanh nghiệp công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO