Nuôi tôm công nghệ cao
Vốn là địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm, hiện Bạc Liêu có gần 130.000 ha chuyên nuôi tôm. Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, Bạc Liêu đứng vị trí thứ 2 cả nước về diện tích chuyên nuôi tôm, sản lượng tôm năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, tỉnh đạt hơn 155 nghìn tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135 nghìn tấn và cho sản lượng xuất khẩu gần 60 nghìn tấn/năm, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 650 triệu USD/năm.
Để tạo điều kiện cho ngành nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới như mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng rau sạch (IPM), chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm thâm canh trong nhà kính… Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho tỷ lệ thành công cao, 85 đến 95% diện tích nuôi có lãi. Đây là các mô hình nuôi tôm tiên tiến, được đầu tư bài bản, quản lý nghiêm ngặt; khu nuôi được thiết kế hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp đặt hệ thống biogas. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo; tôm được ương, sau đó chuyển xuống ao nuôi và sàng thưa ra nhiều giai đoạn.
Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha; lợi nhuận từ 700 đến 900 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình lợi nhuận từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha. Các mô hình này đã góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Mặt khác, tỉnh Bạc Liệu cũng bắt đầu áp dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy, hải sản khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng 8/2020, tỉnh Bạc Liêu đã ký kết thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử Farmext để giúp người nông dân quy mô nhỏ ghi chép nhật ký ao nuôi dễ dàng trong lúc đợt dịch đầu năm 2020 bắt đầu bùng phát.
Ứng dụng nuôi tôm Farmext hỗ trợ người nuôi có thể ghi nhật ký điện tử một cách dễ dàng, ghi chép thông tin rõ ràng giúp cho việc quản lý và chăn nuôi thủy sản trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Nhờ đó, người nông dân có thể thuận lợi theo dõi con tôm hàng ngày và từ xa mà không cần phải ra trại chăn nuôi. Nhật kí điện tử Farmext giúp người nuôi theo dõi tình trạng con tôm để dự đoán, giảm thiểu rủi ro các mùa bệnh làm hỏng vụ mùa. Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc là khó khăn của người nông dân khi phải ghi chép tài liệu bất tiện cũng được nhật kí điện tử giải quyết.
Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp được nhiều chuyên gia, nông dân trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Nhờ đó, nhiều hộ nuôi tôm thực hiện đầu tư vào các quy trình công nghệ cao đã thành công trong nhiều vụ liền.
Áp dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy, hải sản – người dân Khmer có nguồn thu nhập ổn định
Thời gian qua, Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã luôn ưu tiên hỗ trợ cho người dân các dân tộc thiểu số nói chung và người Khmer nói riêng. Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, đã mở nhiều lớp tập huấn hỗ trợ để đồng bào dân tộc Khmer xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Bạc Liêu đã giảm đi đáng kể."
Chính sách chăm lo đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước và ý thức vươn lên của đồng bào Khmer đã góp phần làm thay đổi toàn diện quan điểm cuộc sống, đặc biệt là phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Xác định nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng áp dụng khoa học – công nghệ, nhiều hộ dân Khmer ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng CNTT.
Đến nay các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 45 mô hình sản xuất có hiệu quả để làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn; nuôi tôm và vịt theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá điêu hồng, cá lóc mùng, nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; mô hình trồng nấm rơm, bắp lai, dưa hấu không hạt, rau an toàn, măng tây, ngò rí, hẹ;… giúp nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định, qua đó giúp họ tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Năm 2020, nông dân Khmer được hỗ trợ những chính sách ưu đãi đặc biệt trong hoạt động nuôi trồng, thâm canh tôm: xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,47%, nhưng những tác động tiêu cực khó lường của đại dịch vẫn ảnh hưởng đến kế sinh nhai của các gia đình, nhất là cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Nhờ đa dạng hóa đối tượng nuôi nên khi sản xuất tôm gặp khó khăn thì các đối tượng thủy sản khác vẫn có đầu ra khá tốt. Ngoài chăn nuôi trại tôm, nông dân còn nuôi lươn, ếch…, từ đó đã giảm thiểu được rủi ro và có thu nhập trong lúc dịch bệnh. Anh Lê Văn Hột (hộ nuôi lươn ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) nói: "Tuy có gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên chúng tôi cũng yên tâm hơn trong sản xuất. Hy vọng đợt dịch này nhanh chóng qua đi để giá cả các mặt hàng nông sản phục hồi như trước, để nông dân ai cũng có được niềm vui trúng mùa - được giá".
Ngoài ra, người dân Khmer tại Bạc Liêu còn nuôi trồng một loại thủy sản khác - đó là nuôi kết hợp Artemia (trứng bào xác của Artemia được sử dụng làm thức ăn cho tôm, cua, cá). Thậm chí, người dân Bạc Liêu còn gọi nuôi Artemia là nuôi "con xoá đói giảm nghèo".
Ông Danh Sin - 56 tuổi, người Khmer tại ấp Biển Tây, xã Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: "Gia đình tôi có 4 khẩu, trước đây chỉ trông chờ vào làm muối, thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Từ khi chuyển đổi sang nuôi Artemia, tôi và gia đình đã có của ăn của để".
Nhà ông Danh Sin có 7ha nuôi Artemia, với 10 nhân công, mỗi tháng ông trả 1,8 triệu đồng/người. Mỗi 1ha, nếu thời tiết thuận lợi, ông thu được khoảng 100kg trứng, mỗi ký trứng bán với giá 800.000đ. Như vậy, mỗi năm trừ chi phí đầu tư, nhân công, gia đình ông cũng để dành được khoảng 3-4 trăm triệu đồng.
Người nuôi Artemia không phải lo về vốn, giống vì nếu nuôi đợt đầu thất bại vẫn có thể cải tạo lại ao nuôi và chỉ khoảng 2 ngày sau đã có thể cấy giống mới và chừng hơn 2 tuần là thu hoạch trứng. So với làm muối và nuôi tôm thì nuôi Artemia cho thu nhập khá và ổn định hơn nhiều. Theo tính toán, đầu tư nuôi 1 ha Artemia khoảng từ 20 - 30 triệu đồng, nếu thời tiết thuận lợi cho thu hoạch 8 tháng mỗi năm, năng suất trung bình đạt từ 80 - 100 kg/ha. Với giá 800.000 đồng/kg chắc chắn lãi 40 - 50 triệu đồng.
Liên Hợp quốc hỗ trợ kết nối kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản
Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững của người dân Bạc Liêu nói chung và dân tộc Khmer nói riêng, vừa qua, tỉnh đã triển khai "Chương trình liên kết chuỗi tôm - lúa bền vững tại Bạc Liêu' cùng Liên Hiệp Quốc. Với chủ đề "Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng tôm Bạc Liêu", cuộc họp có nhiều ý kiến đóng góp nhằm khai thác, phát huy giá trị mang lại từ liên kết chuỗi tôm - lúa bền vững: từng bước xây dựng và hình thành nên các mô hình sản xuất bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tạo sinh kế, việc làm và giúp người nông dân thoát nghèo.
Trong đó, về triển khai kỹ thuật, UNDP đề xuất can thiệp kỹ thuật của dự án để xanh hóa chuỗi cung ứng tôm: xây dựng và thí điểm mã số điện tử trang trại nuôi tôm để phục vụ cho việc theo dõi dấu chân các bon và quản trị Chuỗi giá trị tôm xanh (GSVC). Hỗ trợ kết nối kỹ thuật thay thế và áp dụng năng lượng tái tạo hoặc máy tiết kiệm năng lượng trong điều hòa, tuần hoàn nước và chế biến tôm (tăng gấp ba, nhân đôi công suất sục khí và tuần hoàn nước với cùng mức tiêu thụ năng lượng); thành lập Trung tâm Thông tin kinh doanh tôm để tạo điều kiện chuyển đổi sang chuỗi giá trị tôm xanh/carbon thấp.
Thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, không chùn bước trong công tác chuyển dịch các mô hình số hóa và công nghệ, tỉnh Bạc Liêu đã cùng các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ các giải pháp công nghệ thức thời cùng các chương trình phù hợp để thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ, hải sản của người dân ngày càng phát triển, hiệu quả và cho năng suất cao.