Đời sống xã hội

Người đội trưởng cứu hộ vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm

Mai Hà 27/12/2023 14:18

Ngày 26/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1604/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel.

a

Cụ thể, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1604/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (TP Hà Nội), vì đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân trong vụ cháy tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở Nam Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) - người thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (First Aid Support Angel - Hỗ trợ sơ cứu). Thấu hiểu cảm giác cô độc và bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông tại Tuyên Quang năm 2016, anh Việt quyết tâm vận dụng những kiến thức sơ cứu đã được học trong quân ngũ để bắt đầu hành trình giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố Thủ đô. “Không bỏ rơi ai cả” là tôn chỉ mà anh luôn nhắc nhở các thành viên của đội từ những ngày đầu.

Từ năm 2017 đến tháng 9/2019, anh Việt học thêm nhiều kiến thức sơ cứu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tích lũy những kinh nghiệm thực tế để hướng dẫn các thành viên.

Và năm 2019, Việt quyết định thành lập Đội. Sau 4 năm hoạt động, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt làm “thủ lĩnh” đã tham gia cứu hộ, cứu nạn hàng nghìn vụ việc.

Ông Phạm Quốc Việt, đội trưởng FAS Angel tham gia cứu hộ vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, tháng 9/2023. Ảnh: VnExpress
Hình ảnh Phạm Quốc Việt khi tham gia cứu nạn vụ cháy chung cư mini Khương Hạ.

Đến nay, trung bình mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau.

Hiện tại, đội FAS Angel có 107 thành viên. Từ 21h đến 1h sáng, các thành viên chia thành 10 vùng, mỗi vùng có khoảng từ 2 đến 3 xe máy, túc trực tại những tuyến đường hay xảy ra tai nạn như đường Vành Đai 2, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Hoàng Cầu, đường Vành Đai 3, Nguyễn Trãi,... Toàn đội thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn qua một nhóm chat chung để kíp trực kịp thời hỗ trợ. Những hình ảnh cũng được cung cấp cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm được tình hình.

Vào giai đoạn giữa tháng 9/2021, sau khi chứng kiến nhiều nạn nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời, do các xe cấp cứu quá tải trong mùa dịch, anh Việt nhận thấy sự cấp thiết của việc có một chiếc xe ôtô để vận chuyển nạn nhân trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng.

Cuối tháng 12/2021, sau một tháng kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng và những nhà hảo tâm, đội đã hoàn thành mục tiêu 250 triệu đồng để mua một chiếc xe cứu thương cũ, đưa các nạn nhân trong những trường hợp khẩn cấp đến bệnh viện kịp thời. Không gian rộng giúp xe chở được tối đa 3 nạn nhân - điều theo anh Việt là rất quan trọng, bởi một vụ tai nạn nghiêm trọng thường có khoảng 2 nạn nhân.

Trước đó, các dụng cụ y tế như nẹp cố định xương, cáng cứu thương và bình oxy khó có thể mang theo xe máy. Anh Việt cũng cho biết không gian xe sẽ trở thành một kho chứa đồ lưu động, cung ứng vật tư y tế cho những phương tiện khác của đội.

Đặc biệt, nói về Phạm Quốc Việt là phải kể lần anh cùng những thành viên trong nhóm là những người đã không quản khó khăn, nguy hiểm, xả thân cứu người trong vụ hỏa hoạn thương tâm tại chung cư mini tại Khương Hạ, Hà Nội.

Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cho biết, khoảng 23h45 đêm 12/9, anh đang ở địa bàn Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) hỗ trợ một người dân bị tai nạn giao thông thì nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ và có nạn nhân đang bị mắc kẹt trong tòa nhà.

Kiểm tra nguồn tin, anh Việt điều 1 xe sơ cứu ở khu vực Ngã Tư Sở, nơi tiếp cận gần nhất khu vực có hỏa hoạn. Lúc sau, nhận được tin cần thiết của lực lượng tham gia cứu hỏa, anh đã bàn giao công việc cho người khác để đến hiện trường vụ cháy.

Đến 0h15, hơn 20 người của đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel có mặt tại hiện trường và chia làm 3 nhánh.

Nhánh 1 túc trực xung quanh khu vực xe cứu thương, nếu có người thoát ra được thì hỗ trợ đưa ra ngoài để kịp thời thăm khám, sơ cấp cứu, đưa đi bệnh viện. Nhánh thứ 2 vòng ra phía sau chung cư mini, vì nếu có trường hợp nhảy từ trên tầng cao xuống để thoát sẽ bị thương, cần sơ cứu và nhánh thứ 3 trực tiếp do anh Việt chỉ huy sẽ kịp thời hỗ trợ Cảnh sát PCCC&CNCH sau khi khống chế ngọn lửa, lên các tầng tìm kiếm người còn sống và đưa nạn nhân tử vong ra ngoài.

Việt kể đối diện với cái chết thường xuyên nhưng anh chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ phải chạm tay vào nhiều người chết đến như thế chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

1h30 phút ngày 13/9, khi ngọn lửa đã được khống chế, lực lượng cứu hộ bắt đầu lên kế hoạch di dời các nạn nhân. Sau khi trao đổi và xin phép lực lượng cứu hoả, nhóm của anh Việt - Đội Sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông FAS Angel được phép vào trong toà nhà, hỗ trợ tìm kiếm và đưa các nạn nhân thoát ra ngoài.

Chân dung Đội trưởng Đội FAS Angel Phạm Quốc Việt vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm- Ảnh 1.
Anh Việt cùng lực lượng chức năng cứu hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini.

12 thành viên nhóm anh bắt đầu thay phiên nhau vào phía trong toà nhà, những người còn lại hỗ trợ lực lượng cứu hoả ở vòng ngoài. Đã quen với việc tiếp xúc với thương vong, anh yêu cầu các thành viên không sử dụng điện thoại khi bước vào trong, để tôn trọng các nạn nhân tuyệt đối.

Mặc dù ngọn lửa đã tắt, nhưng trời tối, không gian mù mịt khói, đồ đạc ngổn ngang, dây rợ ngang dọc… vẫn khiến cho việc tìm kiếm và đưa người xuống không hề dễ dàng.

“Toàn bộ tầng 2, tầng 3 không còn ai sống sót, mọi thứ cháy đen. Chúng tôi phải trùm chăn lên, đánh dấu vị trí có thi thể. Lên đến tầng 4, tầng 5, tôi mới gặp người còn sống. Tôi đưa 3 người đầu tiên xuống, bàn giao cho lực lượng cứu hộ đón sẵn phía dưới, rồi lại tiếp tục quay lên tìm kiếm nạn nhân. Những người sống sót tiếp theo là gia đình 7 người, trong đó có cụ ông 81 tuổi mà báo chí đã nhắc tới nhiều”.

Tại hiện trường, mọi thứ ngổn ngang, đổ nát, không thiếu những vị trí nguy hiểm đến tính mạng. Anh Việt phải dò dẫm và ghi nhớ từng vị trí để hướng dẫn người dân bước xuống sao cho an toàn. Người bị thương, trẻ nhỏ được các anh cõng xuống. Người lớn cũng được dặn dò cẩn thận, hãy cứ đi về hướng có ánh sáng, đừng nhìn ngó xung quanh.

Khi lên tới tầng 6, anh kiểm tra dấu hiệu sống của những người đang nằm trên sàn. Bất chợt, một cánh tay túm lấy chân anh, khiến anh giật mình. “Hoá ra là người phụ nữ vẫn còn sống. Tôi nhanh chóng đưa chị xuống cho lực lượng bên dưới. Về sau, khi nhìn thấy chị trong bệnh viện, đang được bác sĩ thăm khám, tôi rất mừng vì biết chị đã ổn” - anh Việt chia sẻ.

Nhưng cảnh tượng đau thương nhất mà anh và lực lượng cứu hộ chứng kiến là khi bước lên đến tầng 8. Anh lặng đi trong giây lát, rồi cất tiếng hỏi “còn ai không?”. Nhưng đáp lại anh, chỉ là sự im lặng đến rợn người.

“Nhiều người không còn sống ôm chặt lấy nhau, dường như đang muốn che chắn cho người thân của mình khỏi tử thần… Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đó”.

Khi hướng dẫn những người còn sống đi xuống dưới, anh dặn những đứa trẻ hãy nhắm mắt lại vì không muốn chúng bị ám ảnh về những gì mình đã nhìn thấy đêm hôm đó.

50 đôi găng tay chuyên dụng được anh mang theo đã được dùng hết. Mỗi lần tiếp cận các nạn nhân, anh đều cố gắng ghi nhớ những đặc điểm nhận dạng của họ.

Đến khoảng 5-6h sáng, anh nhận được nhiều cuộc gọi hỏi có thấy người này, người kia không… “Tôi vẫn nhớ hết những đặc điểm ấy, nhưng không dám nói… Tôi chỉ bảo mọi người rằng hãy tìm người thân ở các bệnh viện. Nếu bệnh viện không thấy thì tìm đến các nhà xác”.

“Có một nạn nhân sau khi chúng tôi tiếp cận được, vẫn cố quay lại lấy tiền tiết kiệm. Tôi phải lớn tiếng để nạn nhân ý thức được rằng mình đang trong tình trạng nguy hiểm”.

“Đôi khi, chúng ta đọc được những vụ tai nạn trên báo đài. Đau thương đấy, nhưng chúng ta vẫn nghĩ nó ở đâu đó ngoài kia, nó sẽ không xảy ra với mình”.

Với nhiều trường hợp tai nạn, sơ cứu kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng thương vong. Hơn ba năm qua, hình bóng của những thanh niên với dòng chữ “Đội hỗ trợ sơ cứu-FAS Angel” in trên áo đã trở nên quen thuộc trên các cung đường của thành phố Hà Nội.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Việt mong muốn có thể nhân rộng mô hình của đội đến nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu cứu hộ của cộng đồng. Anh cũng hy vọng trong vòng 3 năm tới có thể lập ra những trạm cứu hộ và dịch vụ sửa chữa xe tai nạn tại Hà Nội, với mong muốn trang bị thêm kiến thức về sơ cứu và sửa chữa xe cho nhiều người.

Kinh phí duy trì hoạt động là một trong nhiều trở ngại, khi anh Việt và các thành viên của đội làm nhiều ngành nghề khác nhau như lái xe công nghệ, nhân viên lễ tân, bán hàng..., nên kinh tế rất khó khăn. Với thu nhập ít ỏi, hàng tháng toàn đội vẫn đóng góp quỹ để mua các dụng cụ y tế hỗ trợ công việc. Hiện tại, đội có thêm ôtô cũng phát sinh nhiều khoản chi phí về xăng dầu, bến bãi...

Trong hơn ba năm, nhiều thành viên đã dừng hoạt động vì những mối lo cơm, áo, gạo, tiền...

Anh Việt chia sẻ, mỗi thành viên của Fas Angel là một công việc, một mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, cuộc sống, độ tuổi cũng như nghề nghiệp. Nhưng tất cả mọi người đều có chung một mục đích cứu người, giúp đỡ người gặp nạn để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất, nhân văn nhất đến cộng đồng xã hội./.

Bài liên quan
  • Tìm kiếm cứu nạn, những chiến công thầm lặng
    Không đao to búa lớn, mỗi tuần, mỗi tháng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn lặng thầm làm công việc cứu giúp người dân bị nạn. Như dưới đây là những chuyện rất mới, vừa xảy ra trong hơn 1 tháng qua.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người đội trưởng cứu hộ vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO