Người dùng đang đối mặt nhiều nguy cơ quấy rối trên mạng

Lan Phương| 09/03/2020 20:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Số lượng người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp trong năm 2019 tăng so với 2018.

Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu về mức độ bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp

Internet có mặt ở mọi nơi, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, cùng lượng người dùng trực tuyến không ngừng tăng khiến “bạo lực” mạng xuất hiện và trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt trên toàn cầu. Trong đó, tấn công gián điệp trở nên ngày càng phổ biến.

Phần mềm gián điệp có khả năng xâm nhập vào thông tin của người dùng, giúp thủ phạm truy cập tin nhắn, hình ảnh, thông tin mạng xã hội, định vị, âm thanh hoặc video của nạn nhân. Các phần mềm gián điệp chạy ẩn trong thiết bị mà không được sự nhận thức và cho phép của người dùng.

Về bạo lực mạng đối với phụ nữ và bé gái, các nghiên cứu cho thấy 70% phụ nữ là nạn nhân của tấn công mạng cũng từng trải qua ít nhất một hình thức bạo hành thể xác hoặc/và tinh thần từ đối tác.

Trong vài năm qua, vấn đề về gián điệp mạng đang ngày càng nghiêm trọng. Số người dùng bị tấn công bởi phần mềm gián điệp đã tăng 35%, từ 27.798 năm 2018 lên 37.532 vào năm 2019. Các loại phần mềm gián điệp cũng gia tăng.

Kaspersky đã phát hiện 380 biến thể của phần mềm gián điệp trong năm 2019 - nhiều hơn 31% so với năm 2018.

Về các mã độc gián điệp được cài cắm trên thiết bị Windows, 3 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2019 là Nga, Ấn Độ và Đức.

Theo Báo cáo International Privacy Day Report 2020 của Kaspersky, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu về mức độ bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp, với 7.216 người dùng bị tấn công vào năm 2019. Tổng số người dùng bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp năm 2019 tại Việt Nam đã tăng 21,54%, từ 5.937 người dùng trong năm 2018.

Singapore có số lượng người dùng bị tấn công bởi phần mềm gián điệp thấp nhất Đông Nam Á năm 2019 với 866 người dùng, đứng thứ 44 trên thế giới.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Phát hiện của chúng tôi về phần mềm gián điệp cho thấy người dùng đang đối mặt rất nhiều nguy cơ quấy rối trên mạng. Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đã và đang rất nỗ lực xây dựng một thế giới mạng an toàn hơn cho công dân của mình.”

“Chúng tôi tin rằng sự hợp tác giữa ngành bảo mật CNTT để bảo vệ người dùng chống lại phần mềm gián điệp cũng như giúp đỡ các nạn nhân của lạm dụng trong nước là vô cùng cần thiết. Trên thực tế, chúng tôi đã thành lập năm ngoái Liên minh chống gián điệp mạng nhằm cải thiện phát hiện và giảm thiểu tấn công gián điệp, giáo dục nạn nhân và các tổ chức vận động về các khía cạnh kỹ thuật và nâng cao nhận thức về vấn đề này”, ông chia sẻ thêm.

Người dùng cần làm gì?

Để tránh bị theo dõi bởi gián điệp mạng, người dùng cần chặn cài đặt chương trình từ các nguồn không xác định trong thiết bị di động; Không bao giờ tiết lộ mật khẩu thiết bị cho bất cứ ai, ngay cả khi đó là người bạn tin tưởng; Không bao giờ lưu trữ các tệp hoặc ứng dụng lạ trên thiết bị di động, vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn.

Người dùng cũng cần thay đổi tất cả cài đặt bảo mật trong thiết bị di động khi bạn rời khỏi một mối quan hệ như người yêu cũ có thể cố gắng lấy thông tin cá nhân để chi phối bạn, kiểm soát các chương trình chạy nền và vô hiệu hóa những hoạt động đáng ngờ

Ngoải ra, người dùng có thể sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy như Kaspersky Internet Security có tính năng thông báo về sự hiện diện của các chương trình phần mềm gián điệp xâm phạm quyền riêng tư của bạn trên điện thoại.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người dùng đang đối mặt nhiều nguy cơ quấy rối trên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO