Đây là kết quả của nghiên cứu "Tạo dựng vị trí của chúng ta trong nền kinh tế danh tiếng kỹ thuật số" (Making Sense of Our Place in the Digital Reputation Economy). Theo đó, đứng đầu danh sách là thông tin tài chính, như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, với phần lớn (76%) trong số 861 người trả lời phỏng vấn xác nhận không có ý định lưu giữ dữ liệu liên quan đến tiền bạc trên Internet.
Tỷ lệ này cao nhất trong nhóm Baby Boomers (những người sinh ra trong hai thập kỷ sau Thế chiến thứ 2) (85%), tiếp theo là các nhóm Gen X (81%) và Millennials (75%). Gen Z, thế hệ trẻ nhất, là nhóm có tỷ lệ phần trăm thấp nhất với 68%.
Điều này không quá bất ngờ vì một số nghiên cứu được Delloite cho biết đã xem dân số trẻ là nhân tố chính tạo nên động lực cho sự phát triển của thanh toán điện tử ở khu vực Đông Nam Á, bên cạnh các yếu tố như tỷ lệ người dân trong khu vực vẫn chưa hoặc ít sử dụng dịch vụ ngân hàng còn khá lớn, mật độ điện thoại di động cao và nỗ lực của chính phủ đối với ứng dụng công nghệ thanh toán số.
Cư dân mạng xã hội tại Đông Nam Á cũng không muốn chia sẻ trên tài khoản của họ thông tin định danh cá nhân (PII) (69%), thông tin về gia đình trực hệ (64%), thông tin về nơi ở (54%) và về công việc (47%) của họ.
Khi được hỏi về những đối tượng được cho là đáng lo ngại đối với dữ liệu cá nhân, người dân Đông Nam Á đưa ra ý kiến gần như giống nhau, đó là tội phạm mạng (73%) và những người lạ (61%).
Chris Connell, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky nhận định: "Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã đẩy nhanh hơn việc không dùng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á khi hầu hết các hoạt động trong khu vực đã chuyển từ tiếp xúc trực tiếp sang trực tuyến từ năm 2020. Người dùng trong khu vực hiện cũng cẩn thận hơn về dữ liệu và nơi mà họ chia sẻ. Đây là một xu hướng rất đáng mừng. Hiện nay, hầu hết người dùng đã hiểu rằng những thông tin này không nên để tội phạm mạng hay cư dân mạng nói chung biết đến. Tuy nhiên, nhận thức không phải lúc nào cũng đi cùng với hành động".
Trong khi hầu hết (71%) người trả lời khảo sát ở Đông Nam Á cho biết họ sử dụng mật khẩu để bảo vệ máy tính xách tay hoặc điện thoại di động, thì chỉ 5/10 (54%) người trả lời khảo sát kiểm tra và thay đổi cài đặt quyền riêng tư của thiết bị, ứng dụng hoặc dịch vụ mà họ sử dụng và chỉ 4/10 (47%) không sử dụng phần mềm và ứng dụng bất hợp pháp hoặc vi phạm bản quyền.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ một nửa (53%) số người trả lời khảo sát trong khu vực có cài đặt phần mềm bảo mật Internet trên thiết bị của họ.
Báo cáo "Tạo dựng vị trí của chúng ta trong nền kinh tế danh tiếng kỹ thuật số" của Kaspersky nghiên cứu thái độ của các cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương đối với việc xây dựng danh tính trực tuyến an toàn và uy tín trên mạng xã hội. Báo cáo cũng xem xét cách nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của danh tiếng kỹ thuật số đối với doanh nghiệp.
Nghiên cứu cơ quan nghiên cứu YouGov thực hiện tại Australia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Có tổng cộng 1.240 người ở các quốc gia nêu trên đã tham gia khảo sát. Những người được hỏi có độ tuổi từ 18 - 65, tất cả đều là những nhân viên văn phòng có hoạt động tích cực trên mạng xã hội (dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội).
Thận trọng với những gì chia sẻ trên mạng xã hội
Đã có nhiều cảnh báo về việc người dùng thông tin được đăng trên mạng xã hội sẽ tạo điều kiện cho tội phạm mạng thu thập thông tin về bạn dễ dàng hơn. Để bảo đảm tốt nhất quyền riêng tư trực tuyến, các chuyên gia khuyến nghị không công bố thông tin di chuyển, chẳng hạn kế hoạch du lịch sắp tới, vì thông tin đó tiết lộ việc bạn sẽ vắng nhà trong thời gian này.
Người dùng cũng được khuyến nghị không tiết lộ quá nhiều thông tin như ngày sinh hoặc nơi làm việc của bạn trong bất kỳ phần giới thiệu hoặc tiểu sử nào của hồ sơ mạng xã hội, đồng thời không đăng địa chỉ nhà hoặc số điện thoại của bạn trên bất kỳ diễn đàn công cộng nào.
Người dùng cũng cần kiểm tra xem liệu nền tảng mạng xã hội bạn đang sử dụng có bổ sung vị trí vào bài đăng của bạn hay không và nếu có, hãy tắt cài đặt này bởi thiết nghĩ không chia sẻ công khai vị trí của bạn nếu không thực sự cần thiết.
Hiện những trò chơi đố vui đôi khi xuất hiện trên mạng xã hội mà thông thường những trò chơi này có thể đặt ra những câu hỏi liên quan đến vật nuôi hoặc trường học của bạn. Đó là những thông tin thường được sử dụng trong các câu hỏi bảo mật, vì vậy tin tặc có thể lợi dụng các câu trả lời công khai này để xâm nhập vào tài khoản trực tuyến của bạn dễ dàng hơn.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý là hãy cảnh giác với những món quà và các cuộc thi vì sẽ có rất nhiều hình thức lừa đảo trá hình tìm cách trà trộn trong đó. Nếu chia sẻ chúng trên mạng xã hội, bạn có thể vô tình phát tán mã độc hoặc mở đường cho việc tiết lộ dữ liệu nhạy cảm.
Bảo mật các thiết bị di động của bạn
Người dùng hiện nay truy cập mạng xã hội phần lớn trên thiết bị di động của mình. Theo đó, các chuyên gia cho rằng việc cơ bản cần làm đầu tiên là khóa điện thoại bằng mật mã khó đoán. Việc cần thứ hai là chỉ sử dụng ứng dụng và trò chơi từ các cửa hàng ứng dụng hợp pháp.
Người dùng cũng không nên bẻ khóa hoặc root điện thoại - điều đó có thể mở đường cho tin tặc sửa đổi cài đặt của bạn và cài đặt mã độc. Một ứng dụng có khả năng xóa từ xa tất cả dữ liệu trên điện thoại cũng nên được xem xét cài đặt vì giúp bạn dễ dàng xóa thông tin trong trường hợp điện thoại bị đánh cắp.
Người dùng cũng được khuyến nghị luôn cập nhật phần mềm và thận trọng khi truy cập vào các liên kết trực tuyến, như khi bạn sử dụng máy tính xách tay hoặc để bàn. Một giải pháp nữa là kết hợp các sản phẩm bảo mật và các quy trình thực tế có thể giảm thiểu các mối đe dọa và đảm bảo an toàn cho dữ liệu trực tuyến cho bạn.