Kinh tế số

Người tiêu dùng đang ưu tiên sản phẩm điện tử có lợi đối với sức khỏe

Trường Mạnh 13/07/2024 10:15

Những diễn biến tiêu dùng của ngành điện máy, công nghệ và viễn thông Việt Nam đầu năm 2024 đa được thể hiện trong nghiên cứu mới nhất là “Tổng quan ngành hàng điện máy, công nghệ và viễn thông Việt Nam (Quý 1 năm 2024)”.

NielsenIQ (NIQ) cùng GfK, hai công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu hành vi tiêu dùng và nhu cầu mua sắm của khách hàng sáp nhập năm 2023, đã phát hành nghiên cứu mới nhất này tại hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy tiềm năng ngành hàng Tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền 2024” ngày 12/7/2024.

Nghiên cứu nhằm cập nhật hàng loạt xu hướng mới nhất về thị trường, phân khúc tiềm năng, có cơ hội tăng trưởng, qua đó đánh giá toàn diện về các yếu tố đang ảnh hưởng đến sản phẩm công nghệ điện tử lâu bền, giúp doanh nghiệp (DN) hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của họ, định vị cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế đầy biến động.

Ngành tiêu dùng công nghệ điện tử đóng góp tăng trưởng kinh tế

Trong Quý 1 năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng trưởng GDP qua từng năm (YOY) là 5,7% (so với 3,3% của Quý I năm 2023). Chỉ số CPI của quý 1 năm 2024 (3,8%) dù chưa thể vượt qua được Quý 1 năm 2023 (4,2%) song vẫn đang trên đà tăng trưởng tính từ Quý 2 năm 2023 (2,4%) đến nay.

boi-canh-kinh-te-vn-quy-i-2024.png

Tăng trưởng này một phần đến từ sự đóng góp về doanh thu của ngành tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền (Tech&Durables). Một tín hiệu khả quan trong quý 1 năm nay là doanh thu của các ngành này đã tăng nhẹ 2%, đạt 64,2 nghìn tỷ đồng mặc dù bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, biến động và sẽ còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Giá bán trung bình của mỗi sản phẩm hàng tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền ở mức 5,8 triệu đồng, có sự giảm nhẹ cả so với quý trước đó hay cùng kỳ năm ngoái, cho thấy giá cả vẫn là một trong những yếu tố quyết định chính khi mua hàng và mức độ tăng trưởng trong tổng doanh thu thể hiện nhu cầu và sức mua trên thị trường vẫn đang được duy trì ở mức ổn định.

Sự thay đổi trong cấu trúc ngành hàng

Nhìn chung, cấu trúc ngành tiêu dùng CNĐT lâu bền ở Việt Nam trong Quý 1 năm 2024 ghi nhận tăng trưởng trong bối cảnh chung đáng chú ý gồm:

Nhóm ngành hàng điện lạnh (MDA): Chiếm 25% tổng doanh thu, ghi nhận tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2023, hiện là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong ngành Tiêu dùng CNĐT lâu bền.

Nhóm ngành hàng điện tử (CE): Tỷ trọng doanh thu của ngành này chiếm 12% tổng doanh thu bán lẻ trong Quý I năm 2024, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngành hàng CNĐT thông tin (IT): Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dư âm của đại dịch COVID-19, nhóm này vẫn chiếm 11% tổng doanh thu toàn ngành.

Nhóm ngành hàng gia dụng (SDA): Chiếm 10% tổng doanh thu toàn ngành, tăng tưởng 3%

Nhóm ngành hàng điện thoại viễn thông (TEL): Vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41% tổng doanh thu nhưng giảm 2% so với năm trước.

Nhóm ngành hàng máy chụp ảnh kỹ thuật số (PHO): Mặc dù chỉ chiếm 1% tổng doanh thu, ngành này có sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng 28%.

thiet-bi-cong-nghe-quy-i-2024.png

Ngành hàng tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền Việt Nam đang bám sát đà tăng trưởng trên thế giới, thể hiện qua việc các mặt hàng giá trị cao ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua như tỷ lệ tăng trưởng của phân khúc lò vi sóng tích hợp đồng hồ kỹ thuật số tăng 70% dù sản phẩm lò vi sóng giảm 3%, hay máy lọc không khí tích hợp công nghệ làm sạch và tạo độ ẩm tăng 123% và máy lọc không khí tích hợp điều khiển thông minh tăng 114%.

thi-phan-thiet-bi-dien-tu-quy-i-2024.png

Điều này phản ánh nhu cầu mua sắm đang tăng lên ở các mặt hàng gia dụng tích hợp nhiều tính năng và công nghệ tiên tiến đi kèm chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức và người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn với giá cả.

Ngoài ra, các mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý 1 năm 2024 cũng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên sản phẩm có lợi đối với sức khỏe và mang tính bền vững, lâu dài khi sử dụng hơn.

thiet-bi-deo-suc-khoe.jpg

Kênh bán hàng điện máy, công nghệ và viễn thông trực tiếp khởi sắc

Báo cáo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của NIQ cũng tiết lộ những xu hướng thay đổi trong hành vi mua sắm cũng như quan điểm của khách hàng về an toàn tài chính giữa bối cảnh kinh tế hiện nay.

Trong riêng phân khúc ngành điện máy, công nghệ và viễn thông, kênh bán hàng trực tiếp khởi sắc, kênh bán lẻ trực tuyến giảm nhẹ, bất chấp sự bùng nổ của các sàn TMĐT cùng nhiều chiến dịch hấp dẫn thúc đẩy người mua chi tiêu nhiều hơn trên môi trường online.

Ở riêng phân khúc điện máy nói chung, các kênh bán lẻ trực tuyến vẫn ghi nhận chiều đi xuống về tổng giá trị doanh thu bán ra, trong khi các kênh bán lẻ trực tiếp có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang dần quay trở lại với các cửa hàng truyền thống khi có nhu cầu mua sắm mặt hàng điện tử sau thời kỳ đại dịch.

kenh-ban-le-quy-i-2024.png

Người tiêu dùng lạc quan nhưng vẫn cực kỳ thận trọng trước bối cảnh kinh tế lạm phát. Khi được hỏi về dự đoán lạm phát sẽ kết thúc khi nào, gần một nửa (43%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục trong 7 - 12 tháng tới, trong khi 38% dự đoán sẽ phải cần hơn 1 năm. Đáng chú ý, số người tin tưởng bối cảnh khó khăn sẽ được cải thiện chỉ trong 6 tháng nữa chiếm một tỷ lệ đáng kể (13%), và 5% thì nói rằng họ không thể biết được.

hanh-vi-nguoi-tieu-dung-quy-i-2024.png

Báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng đang phải đối mặt với áp lực tài chính do lạm phát, và bản thân họ đã và đang ngày càng nhạy cảm với sự tăng giá của các mặt hàng sản phẩm hơn. 69% người tiêu dùng cho rằng giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng lên đáng kể trong 6 tháng qua. Người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm về tài chính nhưng vẫn có những lo ngại tiềm ẩn.

Lấy khách hàng làm trọng tâm cho thiết kế sản phẩm và hướng đến bền vững

Ông Trần Khoa Văn, Giám đốc thương mại Tech & Durables NielsenIQ Việt Nam, cho biết: “Một trong những yếu tố khiến thị trường hàng điện máy, công nghệ và viễn thông Việt Nam chưa tăng trưởng nhiều như mong đợi là vì đại đa số các doanh nghiệp (DN) vẫn phục vụ sản phẩm cơ bản nhiều hơn là sản phẩm cao cấp, trong khi người tiêu dùng đang yêu cầu nhiều hơn ở các mặt hàng tiêu dùng công nghệ lâu bền. Mặt khác, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua luôn “cảm xúc” đối với sản phẩm. Báo cáo của chúng tôi cho thấy 42% người tiêu dùng Việt Nam chỉ mua sản phẩm điện máy nói chung hoặc dịch vụ từ thương hiệu uy tín.

Vì vậy, để cạnh tranh trong thị trường điện máy ngày nay, ông Khoa cho rằng: “Cải tiến” sẽ là yếu tố trọng tâm của DN. Cải tiến về chất lượng, về tính tiện lợi khi sử dụng, về sự kết nối trong các tính năng của sản phẩm, và về cả tác động đối với sức khỏe của người dùng. Cần lấy khách hàng làm trọng tâm cho thiết kế sản phẩm và đặt mục tiêu hướng đến bền vững lâu dài”.

Với chi tiêu của người tiêu dùng dành cho hàng điện máy, công nghệ và viễn thông ngày càng được cải thiện, các thương hiệu hiện có cơ hội tập trung vào các sản phẩm cao cấp hơn, mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn và thu được lợi nhuận cao hơn. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn mong manh, nhưng họ sẵn sàng mua các mặt hàng cao cấp hơn khi những sản phẩm này mang lại giá trị và lợi ích tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. 53% người tiêu dùng cho rằng điều quan trọng nhất đối với họ là sản phẩm mang lại giá trị tốt cho số tiền mà họ đã chi./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng đang ưu tiên sản phẩm điện tử có lợi đối với sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO