Cách nhà bán lẻ thời trang tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh
Bộ phận công nghệ của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đang nỗ lực làm việc để tối ưu hóa hoạt động và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Trong bài viết này, Ellen Svanströmm người giữ vị trí CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành) của H&M giải thích mô hình sẽ đưa bộ phận công nghệ đến gần hơn với doanh nghiệp (DN).
Chỉ hơn 1 năm trước, bộ phận CNTT của H&M đã bị cắt giảm mạnh do các hạn chế về tài chính. Ban đầu người ta nhắc đến việc cắt giảm từ 3.500 xuống còn 1.500 người, nhưng cuối cùng, không đến mức nghiêm trọng như vậy, theo Ellen Svanström.
Bà nói: “Chương trình tiết kiệm chi phí đã tác động đến chúng tôi, và điều này áp dụng cho cả nhân viên và nhà tư vấn. Chúng tôi đã phải cắt giảm”.
Nhưng sau khi vượt qua cơn bão, trọng tâm bây giờ là một vấn đề khác.
Bà cho biết thêm: “Chúng tôi đã tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình theo một mô hình thú vị và điều này đòi hỏi rất nhiều công sức, sự tập trung và sức mạnh. Hiện tại chúng tôi đang trên đà phát triển mạnh mẽ".
Từ mô hình truyền thống, năm 2019, H&M đã chuyển sang làm việc theo mô hình Agile (chia dự án thành nhiều giai đoạn nhỏ độc lập và thực hiện song song nhau). Svanström cho biết, cả hoạt động phát triển kinh doanh và công nghệ đều diễn ra trong những nhóm kiểu này, và nó đã nhanh chóng trở nên quá lớn và phức tạp.
Bà nói: “Hóa ra việc xử lý công việc khó khăn hơn dự tính vì bối cảnh công nghệ không linh hoạt như cơ cấu tổ chức. Vì vậy, chúng tôi đã bước vào giai đoạn tiếp theo, đó là giai đoạn hiện tại".
Ma trận các luồng giá trị
Sau khi đánh giá những gì là cần thiết, CNTT đã trở thành bộ phận kết hợp sự linh hoạt trong các nhóm sản phẩm được cấu trúc xung quanh các nền tảng lớn hơn. Các khả năng kinh doanh đã được lập bản đồ và các luồng giá trị được tạo để biến thành một ma trận đến từ DN và trung tâm công nghệ của công ty, mỗi trung tâm có năng lực và cơ cấu phân phối khác nhau.
Cấu trúc này phù hợp với các sản phẩm nền tảng xoay quanh hệ thống kinh doanh của công ty, nền tảng trực tuyến và cửa hàng, đồng thời được tổ chức thành nhóm nền tảng cũng như nhóm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
Svanström cho biết: “Chúng tôi vẫn chỉ mới bắt đầu hành trình để đạt được điều này nhưng đã thấy được kết quả rõ ràng. Đây là ưu tiên hàng đầu của tôi và mặc dù nó đầy thử thách nhưng tôi cảm nhận được sự cam kết và động lực khi mọi người bắt đầu thấy được lợi ích.”
Tập trung vào đa kênh
Khi nói đến chương trình phát triển kinh doanh mới mà công ty sẽ hỗ trợ, đa kênh là một ưu tiên khác. Bằng cách giới thiệu các công cụ kỹ thuật số trong các cửa hàng, cả những công cụ mà khách hàng có thể truy cập, cũng như các công cụ dành cho nhân viên, dự kiến trải nghiệm sẽ được cải thiện đáng kể.
Svanström chia sẻ, H&M đã phát triển một khái niệm kỹ thuật số hiệu quả đến mức hiện nó đã được sử dụng ở hai cửa hàng - một ở Soho (New York, Mỹ), và một ở Chelsea (London, Anh). Các tính năng bao gồm việc nhân viên có thể phục vụ khách hàng dễ dàng hơn, có thể tìm thấy các sản phẩm có thể có ở cửa hàng lân cận hoặc trực tuyến, và nhận được các đề xuất tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là bản thân cửa hàng sẽ không phải chịu áp lực quá tải hàng hóa và khó quản lý.
Bà nói: “Chúng tôi rất tự hào về cách tiếp cận "số hóa'"này và đó là cách để chúng tôi tạo nên sự khác biệt cho chính mình.
Lựa chọn trải nghiệm tổng thể
Thương mại điện tử đang nhanh chóng hướng nhiều hơn đến thời trang, nhà bán lẻ thời trang Trung Quốc Shein đang dẫn đầu xu hướng.
“Chúng tôi đã nói rất nhiều và đã theo dõi sự phát triển của nó. Nhưng chúng tôi thấy rằng điều độc đáo đối với chúng tôi không phải là làm việc với những bộ quần áo đơn lẻ. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng, nơi chúng tôi mang đến sự kết hợp tốt nhất giữa thời trang, chất lượng, giá cả và tính bền vững. Nó đòi hỏi một quá trình sáng tạo và lập kế hoạch. Sau đó, cần tối ưu hóa rất nhiều để bạn không sản xuất quá mức. Điều này rất quan trọng vì chúng tôi đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030”, Svanström cho biết.
Sớm ứng dụng AI
Để đảm bảo thành công, cần phải phân tích thị trường sắc bén và kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất. May mắn thay, H&M đã làm quen với việc sử dụng AI từ khá sớm; đó là vào khoảng năm 2018 khi công ty bắt đầu sử dụng công nghệ để tối ưu hóa dòng sản phẩm.
“Chúng tôi đã tự mình phát triển phần lớn, và hai năm trước chúng tôi đã đầu tư để trở nên mô-đun hơn và có thể mở rộng quy mô hơn”, Svanström cho biết. “Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi ít phụ thuộc hơn vào việc tự phát triển và có thể mua các ứng dụng công nghệ có trên thị trường”.
Để sử dụng AI hiệu quả, các sản phẩm phải được kết nối và cung cấp càng nhiều thuộc tính càng tốt. Và khi một sản phẩm được số hóa, bạn có thể theo dõi nó trong toàn bộ chuỗi giá trị, đọc và hiểu nơi sản xuất, vị trí ở trong kho v.v.. tất cả đều theo thời gian thực, đây là điều quan trọng để tạo ra các cơ hội kỹ thuật số mới trong cửa hàng.
Lãi kép
AI tạo sinh đang trở thành một phần không thể thiếu trong bộ phận trợ giúp nội bộ của H&M, và công nghệ này cũng đang có những bước tiến về cách khách hàng tương tác với thương hiệu. "Nó đang tạo ra những kết quả tuyệt vời", Svanström cho biết. "Bây giờ chúng tôi đang xem xét phát triển mã và cách chúng tôi có thể đưa ra những sáng tạo để sử dụng AI tạo sinh trong quá trình phát triển sản phẩm và tiếp thị của mình".
Sự quan tâm đến tổ chức cũng dẫn đến việc hình thành các diễn đàn xung quanh AI tạo sinh vì điều quan trọng là phải có các quy tắc và cấu trúc rõ ràng để đảm bảo DN được an toàn. "Chúng tôi cũng đã đầu tư rất nhiều vào an ninh mạng trong hai năm qua và hiện đang ở mức mà chúng tôi cho là tốt", bà nói. "Nhưng nó không bao giờ kết thúc, và chúng tôi phải tiếp tục đầu tư trong tương lai".
Trong khi bộ phận công nghệ tại H&M đang thúc đẩy chương trình phát triển của mình, Svanström nhấn mạnh rằng, không chỉ phát triển năng lực nội bộ mà H&M coi các đối tác và hệ sinh thái bên ngoài có vai trò rất quan trọng.
Bà nói: “Sự hợp tác đổi mới mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh. Nó có thể liên quan đến cả những công ty lớn và các công ty khởi nghiệp đổi mới nhỏ, và điều quan trọng đối với chúng tôi là bắt kịp với sự phát triển của công nghệ. Phải tìm ra những lĩnh vực mà chúng ta nên xây dựng và những lĩnh vực không nên xây dựng, đồng thời học cách đổi mới cùng với những người khác”./.