Nhà mạng lớn nhất Phillipines chuyển lên đám mây để đẩy nhanh chuyển đổi số

Hoàng Linh| 24/12/2020 10:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Globe Telecom, nhà khai thác mạng di động lớn nhất ở Philippines với trên 80 triệu thuê bao, đã chuyển phần lớn cơ sở hạ tầng của mình sang nền tảng đám mây AWS để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Giúp người dân có nhiều trải nghiệm số

Globe Telecom đang khai thác danh mục dịch vụ đám mây đa dạng và chuyên sâu của AWS, bao gồm các dịch vụ về tính toán, cơ sở dữ liệu, phân tích, máy học và kết nối khách hàng. Theo đó, nhà mạng này đã góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của người dân Philippines bằng cách đưa Internet đến với ngày càng nhiều cộng đồng dân cư, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ như tài chính số, chăm sóc sức khỏe số và giáo dục số.

Nhà mạng lớn nhất Phillipines lên đám mây để đẩy nhanh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Đến nay, Globe Telecom đã chuyển nhiều ứng dụng, bao gồm trung tâm chăm sóc khách hàng (CSKH), phân tích khách hàng, hệ thống đảm bảo dịch vụ và mạng, vận hành khai thác cơ sở hạ tầng, giám sát và bảo mật, từ các trung tâm dữ liệu tại chỗ sang đám mây AWS.

Công ty này cho biết sẽ tiếp tục chuyển các ứng dụng sang AWS để hiện đại hóa hơn nữa cơ sở hạ tầng công nghệ và các dịch vụ mới sáng tạo của họ. Nhờ khai thác AWS, Globe Telecom đã giảm thời gian cung cấp tài nguyên cơ sở hạ tầng mới từ hơn hai tháng xuống dưới hai ngày, tăng hiệu suất ứng dụng 15 lần và giảm 30% chi phí bảo trì và vận hành cơ sở hạ tầng.

Nhờ có Amazon Connect, một dịch vụ trung tâm CSKH trên đám mây, Globe Telecom đã xây dựng được một số phương thức phục vụ khách hàng tốt hơn, phản hồi hiệu quả hơn với các câu hỏi của khách hàng, giúp kết nối nhiều khách hàng hơn với Internet thông qua trải nghiệm trực tuyến liền mạch.

Globe Telecom đã chuyển hơn 3.000 nhân viên dịch vụ khách hàng từ trung tâm CSKH cũ sử dụng công nghệ của Avaya sang Amazon Connect để đổi mới các tính năng dịch vụ CSKH mới được tích hợp với nền tảng Amazon Connect mở.

Globe Telecom cũng sử dụng Amazon Polly, một dịch vụ máy học giúp chuyển từ văn bản thành lời nói như người thật, để giải đáp các thắc mắc về dịch vụ của khách hàng, như thanh toán hóa đơn hoặc cập nhật thông tin đăng ký thuê bao.

Nhờ có Amazon Lex - một dịch vụ để đưa các giao diện trò chuyện vào bất kỳ ứng dụng nào có sử dụng giọng nói và văn bản, chỉ trong 12 tuần, Globe Telecom đã phát triển được một chatbot dịch vụ CSKH ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên gọi là Gie of Globe, được kết nối với các nền tảng Globe CRM.

Chatbot Gie of Globe hỗ trợ các giao dịch tự phục vụ cho người dùng di động trả sau và trả trước, như nạp thêm dữ liệu di động. Ngoài các công nghệ hướng đến khách hàng, Globe Telecom đã dịch chuyển 7 loại tải công việc cốt lõi ở cấp độ nhà cung cấp dịch vụ từ các trung tâm dữ liệu tại chỗ sang AWS, bao gồm các tải công việc mạng MYCOM và hệ thống đảm bảo dịch vụ, cũng như vận hành cơ sở hạ tầng, giám sát và bảo mật.

Trang bị cho nhân viên kiến thức thực tế về đám mây

Để duy trì chiến lược ưu tiên đám mây và đảm bảo rằng nhân viên phát huy khả năng sáng tạo, trong tháng trước, Globe Telecom đã hợp tác với AWS để khởi động một chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng có tên Athena Globe Community of Practice (Cộng đồng Athena Globe).

Chương trình này cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công nghệ đám mây và nhằm mục tiêu đảm bảo 100% đội ngũ nhân viên CNTT của Globe Telecom được nhận chứng chỉ AWS vào năm tới. Kết hợp các chương trình Đào tạo và Chứng nhận của AWS, chương trình này tổ chức các khóa học cho nhân viên để cung cấp kiến thức thực tế về AWS Cloud cần thiết để hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, trang bị cho nhân viên năng lực đổi mới sáng tạo để phục vụ khách hàng.

Ngoài ra, trong năm nay, hơn 200 nhân viên của Globe Telecom đã hoàn thành các chương trình đào tạo của AWS. Thông qua các khóa đào tạo nhằm củng cố kỹ năng làm việc với đám mây, Globe Telecom đã giúp nhân viên nâng cao cơ hội phát triển nghề nghiệp và khuyến khích văn hóa thử nghiệm, góp phần thúc đẩy hơn nữa tiến trình đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ khách hàng.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Globe Telecom Ernest Cu, cho biết: "Globe Telecom muốn cung cấp các dịch vụ mới để ngày càng nhiều người dân Philippines được tiếp cận các dịch vụ số, từ đó góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống bằng cách sử dụng công nghệ để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề của khách hàng. Nhờ đó, chúng tôi có thể phát triển quan hệ khách hàng theo hướng chiến lược hơn, giúp chúng tôi trở thành nhà mạng được khách hàng ưu tiên lựa chọn".

Còn theo Giám đốc điều hành của AWS tại ASEAN Conor McNamara, Globe đang thành công trong việc chuyển đổi thành một công ty đổi mới sáng tạo và nhanh nhạy hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang thay đổi ngày càng nhanh của khách hàng. Bằng cách lựa chọn sử dụng AWS cho phần lớn cơ sở hạ tầng đám mây của mình, Globe tạo điều kiện cho toàn bộ nhân viên trong công ty tiếp cận các công nghệ và ứng dụng cần thiết để nhanh chóng sáng tạo các dịch vụ mới trên quy mô lớn, mang lại cơ hội cung cấp nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng và đẩy nhanh tiến trình phổ cập số hóa cho mọi người tại Philippines.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng lớn nhất Phillipines chuyển lên đám mây để đẩy nhanh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO