Sáng nay, 24/10/2017, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp cùng Internet Society (ISOC – tổ chức Internet toàn cầu) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Hội nghị chuyên đề Internet Châu Á với chủ đề “Nguy cơ về an toàn bảo mật trên không gian mạng tại Việt Nam và các giải pháp”. Hơn 100 đại biểu đã có mặt, thảo luận về các vấn đề an ninh mạng thông qua các bài tham luận và phiên thảo luận tập trung, với sự tham gia của đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông), đại diện ISOC, VIA và VNNIC và các chuyên gia An toàn bảo mật.
Đại diện VIA khẳng định, Công nghệ thông tin và Internet Việt Nam vẫn đang trên đã phát triển, nên không tránh khỏi nhiều nguy cơ về an toàn bảo mật. Việc tăng cường và phát triển hạ tầng mạng Internet tại Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn đến xu thế người dùng Internet tăng mạnh, kéo theo nhiều rủi ro cho người dùng nên việc cùng thảo luận các nguy cơ về an toàn bảo mật trên không gian mạng và các giải pháp rất được trông chờ qua hội nghị lần này.
Đại diện VIA phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Naveed UI Haq, đại diện ISOC, chia sẻ: Hội nghị chuyên đề Internet Châu Á (Asia Internet Symposium) được khởi xướng và đề xuất trong bối cảnh người sử dụng Internet trong những năm gần đây đang chứng kiến một xã hội ngày càng mở và được kết nối thông qua Internet. Nhiều lợi ích to lớn đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, số lượng và phạm vi của các sự cố mạng Internet cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới sự tin tưởng của khách hàng về công nghệ. Những sự cố đó không những gây gián đoạn kinh doanh, các chi phí không lường trước được mà còn là mối đe dọa đối với dữ liệu người dùng, tính bảo mật và sự riêng tư. Vì vậy, Hội nghị chuyên đề Internet Châu Á được triển khai nhằm cập nhật những thông tin, kiến thức hỗ trợ cho an toàn thông tin.
Ông Naveed UI Haq, đại diện ISOC
Nhiều chủ đề hấp dẫn trong Hội nghị do các diễn giả trình bày đã mang đến cho các đại biểu những thông tin quan trọng. Ông Trần Đăng Khoa đến từ Cục ATTT - Bộ Thông tin & Truyền thông - chia sẻ bài báo cáo có tựa đề: “Một số thực tiễn quản lý nhà nước về an toàn thông tin trong tình hình mới”. Đây là một chủ đề hấp dẫn khi cung cấp cho đại biểu những thông tin về quản lý nhà nước về an toàn thông tin một cách thực tiễn nhất, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn những quy định của Nhà nước về lĩnh vực An toàn thông tin. Ông Khoa khẳng định: “Trong thời đại bùng nổ của điện thoại di động thông minh và các thiết bị kết nối “Internet của vạn vật”, những rủi ro mất ATTT tiếp tục gia tăng”. Vì vậy, Việt Nam muốn giảm các nguy cơ về mất ATTT, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về ATTT còn cần kiện toàn tổ chức, bộ máy; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dùng; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Thúc đẩy hợp tác cả trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực an toàn bảo mật thông tin mạng.
Ông Trần Đăng Khoa, Cục ATTT - Bộ Thông tin & Truyền thông, chia sẻ thông tin mới nhất về vấn đề an ninh mạng
Bài tham luận của ông Nguyễn Việt Hà (Chuyên gia bảo mật thông tin VPBank) cũng thu hút sự quan tâm của đại biểu, nhất là trong bối cảnh, hàng loạt lỗ hổng trong lĩnh vực ngân hàng đã gây ra nhiều rủi ro cho khách hàng. “Nguy cơ về an toàn bảo mật đối với khách hàng, ngân hàng giải pháp giảm thiểu” đã khiến nhiều đại biểu bất ngờ khi nhận định, những cuộc tấn công mạng với người dùng Internet trong các giao dịch qua ngân hàng điện tử không chỉ là cho vui hay vì tiền bạc, chúng được tổ chức thành đội nhóm liên kết và ngày càng phổ biến. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những hành động cần làm của các ngân hàng như tổ chức đào tạo, tăng cường cảnh báo hay phát triển các chương trình đào tạo bảo mật thông tin cho toàn ngân hàng (không riêng lĩnh vực Công nghệ thông tin) và người dùng để tránh khỏi những rủi ro không đáng có trên mạng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Bài tham luận tiếp theo đến từ đại diện cao cấp của ICANN – bà Joyce Chen với chủ đề “Quản trị DNS và An toàn” đã đưa ra lời khuyên hữu ích cho các đại biểu. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp thì nên đăng ký tên miền công ty, bật tính năng xác nhận hợp lệ trên máy giải quyết DNS công ty; đối với người dùng thì cần yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) bật xác nhận hợp lệ trên máy giải quyết DNS của họ.
Cuối hội nghị, ông Nguyễn Minh Đức (Chủ tịch của CyRadar) với bài tham luận “Phân tích một số cuộc tấn công tinh vi nhắm vào Việt Nam” đã mang lại nhiều thông tin thực tế về hiện trạng tấn công mạng hiện tại. Ông cho rằng, mọi doanh nghiệp đều có thể trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, không riêng gì các doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, tất cả đều cần cẩn trọng và tự chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản trong thời điểm các cuộc tấn mạng mạng đang xuất hiện ngày càng dày đặc như hiện nay.
Những đại biểu tham dự Hội nghị
Hội nghị chuyên đề Internet châu Á có thể coi là tiếng chuông cảnh báo cho người dùng Internet về những nguy cơ về an toàn bảo mật trên không gian mạng tại Việt Nam và các giải pháp. Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức cần tiếp tục chủ động tích cực phòng tránh những rủi ro không đáng có để đảm bảo việc kinh doanh được xuyên suốt cũng như có hướng xử lý khi gặp các sự cố về an toàn thông tin trên không gian mạng.
Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức, Hội nghị chuyên đề Internet châu Á đã đạt được một số kết quả khá tích cực. Các doanh nghiệp, tổ chức tham dự hội nghị đã hiểu sâu hơn các hiểm họa mất an toàn thông tin hiện tại, từ đó cùng nhau trao đổi gợi ý các phương án giúp ứng phó kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của các rủi ro mất an toàn thông tin từ Internet.