Make in Vietnam

Nhân lực là thách thức lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn

NK 18/06/2024 06:15

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng cơ hội thiếu hụt nguồn nhân lực ở quy mô toàn cầu. Như với FPT, đơn vị này dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân sự cho ngành công nghiệp chip và bán dẫn, gồm cả đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu.

Cần tận dụng cơ hội thiếu hụt nguồn nhân lực ở quy mô toàn cầu

Chia sẻ trong một sự kiện mới đây với báo chí, ông Lê Trường Tùng - Giám đốc FPT Education, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học (ĐH) FPT cho biết, ngành bán dẫn là cơ hội lớn của Việt Nam và chỉ có 3 - 5 năm để nắm bắt. Trong đó, thách thức lớn đến từ việc ngành công nghiệp chip và bán dẫn cần nhiều người và chúng ta cần đào tạo đông, nhanh hay chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, nếu Việt Nam nhìn được tầm quan trọng của ngành chip và bán dẫn từ trước thì sẽ tốt hơn, do hiện nay sự hiện diện của chip ở mọi nơi, từ căn cước công dân cho đến các thiết bị điện tử.

img_7766.jpg
Ông Lê Trường Tùng: Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để tăng số lượng người Việt làm việc trong lĩnh vực chip ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ông Tùng đã dẫn chứng câu chuyện của máy tính và phần mềm, năm 1970 máy tính cá nhân ra đời, mọi người dự đoán nó sẽ là phương tiện phổ biến, hứa hẹn, là công cụ thay đổi cuộc sống và trở thành cuộc cách mạng. Đầu năm 1980, khi máy tính cá nhân ngày càng rẻ đã mở ra sự ra đời và phát triển mạnh mẽ ngành phần mềm, tiêu biểu như Microsoft. Những năm 2000, FPT nhảy vào làm xuất khẩu phần mềm và “may mắn nhảy vào kịp”.

Đối với nhân lực ngành phần mềm, ông Tùng cho biết, đầu năm 2000, công ty có sang Ấn Độ để tìm hiểu mô hình đào tạo. Để rồi, những mô hình dạy cấp chứng chỉ như Aptech, NIIT chỉ đào tạo nhân sự CNTT từ 1 - 2 năm được quan tâm.

Liệu đào tạo đối với ngành bán dẫn có lặp lại bài học của phần mềm, của Aptech cách đây 20 năm hay không?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Dù vậy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT khẳng định, đào tạo nhân lực bán dẫn khác rất nhiều. Bởi vì, nếu ngày trước đào tạo ngành phần mềm, nếu không làm được công nghệ phần mềm thì nguồn nhân lực đó có thể làm freelancer (công việc tự do), hay tự mở công ty thì nhân lực ngành chip và bán dẫn thì không thể tự chuyển hướng như vậy được. Vì vậy, đào tạo ngành chip và bán dẫn cần có định hướng khác đào tạo phần mềm, với mục tiêu không chỉ đơn thuần phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn nội địa Việt Nam mà cần tận dụng cơ hội thiếu hụt nguồn nhân lực ở quy mô toàn cầu.

Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để tăng số lượng người Việt làm việc trong lĩnh vực chip và bán dẫn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nếu trong thời gian ngắn có lượng lớn nhân sự càng đông càng tốt làm trong lĩnh vực này, không chỉ tại Việt Nam mà là nước ngoài thì đây sẽ là lợi thế của chúng ta, từ đó làm nền tảng phát triển lĩnh vực khác cũng như khẳng định tên tuổi ở quy mô toàn cầu”, ông Tùng chia sẻ thêm

Với đào tạo nhân lực chip và bán dẫn, đại diện FPT cho rằng, cần phải tập trung đào tạo ngắn hạn, với những nhân sự đã có bằng cấp sẵn… để có thể sắp xếp công việc cho họ ở trong và ngoài nước. FPT đang làm việc với các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, công ty nước ngoài đã đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam để cung cấp nhân lực đúng theo nhu cầu của họ đảm bảo nhanh, số lượng và chất lượng.

FPT đang hình thành mối quan hệ cung cấp nhân lực với 10 đối tác với mục tiêu sau 1 năm có thể kết nối 1.000 người do Tổ chức Giáo dục FPT đào tạo “đầu ra” năm 2025 có thể tham gia cuộc chơi này.

Cũng theo ông Tùng, với khâu thiết kế và kiểm thử, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đào tạo được. Hiện nay, có nhiều quốc gia thiếu nhân lực đã sang Việt Nam tìm kiếm các tài năng mong muốn phát triển sự nghiệp và sẵn sàng chi toàn bộ kinh phí, học bổng với điều kiện học xong làm việc cho các công ty của họ.

image001-1704876474-4233-1704876580.png
FPT dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân sự cho ngành công nghiệp chip bán dẫn và thường lựa chọn những sinh viên năm cuối để xuất khẩu nhân lực công nghệ cao (Ảnh minh hoạ)

Dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân sự ngành chip bán dẫn

Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT cho biết, đơn vị này dự kiến đào tạo khoảng 10.000 nhân sự cho ngành công nghiệp chip bán dẫn và thường lựa chọn những sinh viên năm cuối để "xuất khẩu" nhân sự công nghệ cao. Về mục đích đào tạo, nếu để nhân lực “xuất khẩu”, FPT Education sẽ hướng đến những nhân sự có bằng đại học để họ có khả năng ra nước ngoài làm việc. FPT Education cũng sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng những doanh nghiệp có nhu cầu, không phân biệt trong và ngoài nước với việc cấp chứng chỉ ngắn hạn hoặc đào tạo chuyên sâu.

Đối với các khóa đào tạo ngắn hạn, để thu hút và thuyết phục người học, cần chỉ rõ kết quả đầu ra như tốt nghiệp khóa học sẽ làm ở đâu, thu nhập ra sao hay học phí, mức độ hỗ trợ của Việt Nam cũng như ở nước ngoài… FPT Education cũng đã làm việc rất rõ với đối tác để thiết kế chương trình học phù hợp, như người học có đầu vào STEM (khoa học, công nghệ), chương trình đào tạo cụ thể, điều kiện thực hành…

Chương trình cho ngành bán dẫn tại FPT Education có nhiều khác biệt với đào tạo trước đây, sẽ có 2 giai đoạn, giai đoạn đầu học ở Việt Nam và giai đoạn 2 sẽ hợp tác với Đài Loan, Hàn Quốc để nhân lực sang nước ngoài học tập tiếp,

“Chúng tôi hy vọng chương trình đào tạo sẽ phát huy được thế mạnh của Việt Nam như đông dân, giới trẻ thích ứng và học hỏi nhanh nếu có mục tiêu rõ ràng”, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, Chủ tịch FPT Semiconductor cho biết, để thiết kế chip, nguồn nhân sự có thể đến từ nhân lực học chuyên sâu các môn như toán học, vật lý, tin học và học thêm về bán dẫn. “Ở các nước khác cũng vậy, ngoài kỹ sư CNTT đi học thêm về bán dẫn, còn có cử nhân các chuyên ngành khác như toán học, vật lý, hóa học và tin học. Ở Việt Nam, tôi thấy nhân lực làm việc hiện nay trong ngành bán dẫn đa phần là các kỹ sư điện tử viễn thông rồi học thêm”, ông Hòa dẫn chứng.

Vì vậy, để học làm chip bán dẫn thì phần kiến thức nền nên là các môn học cơ bản và sau đó là học kỹ năng. Nhưng điều quan trọng là khi làm có người hướng dẫn, chỉ bảo. Vì khi làm chip cũng không thể làm một mình, cần làm theo nhóm, theo tập thể tạo thành quy trình hoàn thiện.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Nhưng sau này, lao động tại các nước này - khi đã giàu lên - lại không chọn làm bán dẫn nữa. Ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.

Kể lại chuyến công tác tại Đài Loan, ông Bình chia sẻ, họ nói cần lao động, cần tài năng nhưng chỉ có một nửa. Chính phủ Đài Loan cấp học bổng bán dẫn nhưng không có người học. Hàn Quốc xây dựng 1 thành phố bán dẫn cũng không người làm. Còn Nhật Bản thì sao? Họ đánh rơi nghề sản xuất bán dẫn, vì thế nên họ đã quyết tâm tái xây dựng lại ngành bán dẫn Nhật Bản. Họ muốn đi vào công nghệ mới nhất 2 nano, tiến đến 1 nano.

Tôi sang Mỹ, gặp các trường đại học nổi tiếng… Austin là thành phố mới nổi, tập đoàn Google, Intel, IBM đã về đây nhưng họ không có lao động. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất họ cấp visa đặc biệt để người Việt Nam vào Mỹ", ông Trương Gia Bình chia sẻ câu chuyện thực tế về thực trạng của thế giới và cơ hội người Việt Nam.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực là thách thức lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO