Nhiều đột phá trong cải cách hành chính ở Hà Tĩnh

P.V| 01/10/2021 16:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn Hà Tĩnh đã có những chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện. Đến nay, về cơ bản các nhiệm vụ của chương trình tổng thể đã hoàn thành và đạt mục tiêu đề ra.

1 trong 3 mũi đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược. Thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đổi mới với các kết quả nổi bật.

Trong đó, cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo tính đồng bộ, hợp pháp và khả thi, nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa. Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện, kiện toàn, hiện đại bộ phận một cửa cấp xã, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Nhiều đột phá trong cải cách hành chính ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Trung tâm Hành chính công là bước đột phá về CCHC của Hà Tĩnh. (Ảnh: PV)

Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng chặt chẽ, đi vào nề nếp. CCHC công được tập trung chủ yếu vào việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương. Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển về hạ tầng, ứng dụng các phần mềm dùng chung vào quản lý và chỉ đạo điều hành. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính được tăng cường.

Hiện nay, 100% thủ tục hành chính của các cấp, ngành được công khai, thống nhất trên môi trường Internet và tại bộ phận một cửa các cấp. 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh. Trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã. Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng có bước nhảy vọt. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt trên 95%. Đến nay, trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh Hà Tĩnh đã có 1.746 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, có 32 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Các kết quả này đã có những tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tác động của công tác CCHC đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính, nhất là trong thực thi công vụ, từng bước được nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. 

Theo đó, Chỉ số Cải cách hành chính của Hà Tĩnh năm 2019 tăng 15 bậc so với năm 2012, xếp thứ 12/63 các tỉnh, 4 năm liên tục (từ 2016-2019), tỉnh Hà Tĩnh xếp thứ nhất về cải cách hành chính trong khu vực Bắc Trung bộ. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn mới, Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh vào top 10 địa phương đứng đầu cả nước trong giai đoạn 2020 - 2030.

Xây dựng chính quyền thân thiện bắt đầu từ người cán bộ

Một trong những kết quả nổi bật đã tạo được điểm nhấn trong cải cách hành chính ở Hà Tĩnh là công tác cải cách tổ chức bộ máy. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện tốt chủ trương của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng (khóa XII); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó chú trọng việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với cách làm chắc chắn, thận trọng và bài bản.

Nhiều đột phá trong cải cách hành chính ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Hà Tĩnh chú trọng nhiều giải pháp CCHC trong đó, tập trung xây dựng chính quyền đô thị thân thiện hướng đến môi trường thân thiện, bắt đầu từ người cán bộ. (Ảnh. PV)

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp của Hà Tĩnh với phương châm kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng thực hiện cải cách tổ chức bộ máy và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực: Tập trung sắp xếp, kiện toàn các tổ chức đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối. Giảm tối đa cấp trung gian, do đó đã giảm được số lượng lớn gồm 41 phòng chuyên môn, chi cục trực thuộc Sở, ngành và UBND cấp huyện. Giảm 104 đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở ngành và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Tinh gọn triệt để các Ban quản lý dự án, giảm 22 Ban trên tổng số 26 Ban.

Hà Tĩnh cũng chuyển 20 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ: Thực hiện sắp xếp 80 xã, giảm 46 xã; giảm được 860 thôn, tổ dân phố; mạnh dạn thực hiện thí điểm hợp nhất một số mô hình tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh người đứng đầu của một số cơ quan cấp ủy cấp huyện, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, hoặc đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã; bố trí kiêm nhiệm để tinh gọn số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách cấp xã; thực hiện mô hình bí thư kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố; bí thư, thôn trưởng kiêm trưởng tiểu ban mặt trận…

Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, Hà Tĩnh đã tinh giản được 242 biên chế hành chính, 2.143 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, so với đầu nhiệm kỳ giảm 1.268 cán bộ công chức cấp xã, giảm 1.488 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm được 15.071 cán bộ thôn, tổ dân phố, từ đó hàng năm tỉnh đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách hàng năm cho tỉnh, đảm bảo cân đối tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn tổ dân phố được chi trả cao hơn so với quy định của Chính phủ. Với kết quả đó, Hà Tĩnh được Bộ Nội vụ đánh giá là đơn vị chủ động, tiên phong trong việc rà soát, tổ chức lại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Hà Tĩnh chú trọng nhiều giải pháp cải cách hành chính, trong đó, tập trung xây dựng chính quyền đô thị thân thiện hướng đến môi trường thân thiện, bắt đầu từ người cán bộ. Sau thành công của việc thực hiện quy chế xin lỗi công dân, quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hiện đại hóa nền hành chính.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa, bên cạnh những kết quả đạt được, do công tác cải cách hành chính mang tính toàn diện, tổng thể, bao trùm trên nhiều lĩnh vực, nên trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn có những tồn tại, hạn chế nhất định.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong giai đoạn 2020-2025, trong thời gian tới, công tác CCHC của tỉnh Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong cải cách hành chính và thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tinh gọn và nâng cao chất lượng đội ngũ; cụ thể hóa Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ để xây dựng.

Tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Hà Tĩnh, sát với tình hình thực tiễn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đột phá trong cải cách hành chính ở Hà Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO