Nhiều nhà sáng lập startup GenAI còn là sinh viên
Cuộc đua GenAI tiếp tục diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trong bối cảnh công nghệ này được nhận định sẽ làm thay đổi hành vi đáng kể, không chỉ với những người dùng cá nhân mà còn cả các doanh nghiệp (DN).
Góc nhìn từ quỹ đầu tư mạo hiểm startup GenAI
Tại tọa đàm AI Frontier: Funding and Futures in Vietnam nằm trong khuôn khổ chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia Việt Nam (VIC) mới đây, được Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đồng tổ chức cùng Amazon Web Services (AWS), ông Kai Yong Kang - Quản lý Phát triển kinh doanh cho các DN khởi nghiệp từ Amazon Web Services (AWS) nhận định, năm 2024 được gọi là “năm của các sản phẩm".
“Chúng ta sẽ bắt đầu thấy người người nói về cách tích hợp, tận dụng AI. Việc sử dụng mô hình nền tảng (foundation models - được sử dụng để làm cơ sở cho hệ thống AI thực hiện những tác vụ khác nhau) chỉ là một phần của một hệ thống lớn hơn, với các công nghệ như cơ sở dữ liệu vector (vector databases) hay các công cụ điều phối (orchestration engines)”.
Theo bà Vy Lê, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures, một lượng khổng lồ đang đầu tư vào các startup GenAI tại các trung tâm công nghệ hàng đầu như Thung lũng Silicon và châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng thị trường AI tuy “màu mỡ" nhưng cũng biến đổi nhanh chóng, với các ứng dụng được cập nhật liên tục.
Điều này khiến các nhà đầu tư tại khu vực phải cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định hợp tác cùng một startup GenAI. Vì vậy, việc “đầu tư một khoản nhỏ ban đầu để đánh giá tình hình, hoặc để chờ đợi sản phẩm công nghệ “trưởng thành" hơn" chính là chiến lược phổ biến mà các quỹ đầu tư áp dụng.
Bà Vy Lê nhấn mạnh 3 yếu tố then chốt khi đánh giá một startup AI: lợi thế cạnh tranh, mô hình doanh thu (thường được tạo ra trong vòng 6 tháng đến 1 năm) và đội ngũ nhân sự.
Bà Laura Nguyễn, Partner tại GenAI Fund, bổ sung rằng một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quỹ đầu tư là đảm bảo tính bền vững của mô hình kinh doanh của các startup, đặc biệt trong bối cảnh các “ông lớn" công nghệ như Google, Microsoft với lượng dữ liệu khổng lồ có thể “nhảy vào" bất cứ lúc nào.
Đồng tình với bà Vy Lê, bà Laura nhấn mạnh rằng các nhà khởi nghiệp GenAI cần phải tập trung vào việc bảo vệ DN của mình trước những rủi ro từ thị trường AI, đồng thời luôn đổi mới và sáng tạo.
AI giúp Việt Nam trở thành điểm sáng công nghệ mới trên toàn cầu
Các chuyên gia có nhiều nhận định lạc quan về sự phát triển của AI tại Việt Nam. Bà Vy Lê cho biết các công ty công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ vào AI tạo sinh. “Thật bất ngờ khi tôi gặp những nhà sáng lập startup GenAI, thậm chí vẫn còn là sinh viên đại học, nhưng họ đã tạo ra những sản phẩm mang lại doanh thu đáng kể.”
Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong vài năm qua. Các chuyên gia đều đồng ý rằng yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp phát triển là tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi. Nền kinh tế ổn định, hệ sinh thái phát triển nhanh chóng, môi trường khởi nghiệp thuận lợi, chi phí thấp và sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và các DN lớn đã tạo điều kiện cho các startup về AI phát triển.
Bà Vy Lê nhận định: “Từ danh mục đầu tư của Do Ventures, tôi thấy nhiều nhà sáng lập startup GenAI đã hưởng lợi khi kết hợp cùng các tập đoàn lớn, nơi có sẵn hệ thống và dữ liệu khổng lồ. Điều này đặc biệt ấn tượng khi các tập đoàn tại Việt Nam đều có chính sách hợp tác cùng các startup".
Ông Taddy Trương, CEO và đồng sáng lập tại BenKon, đại diện Giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất bảng Startup tại VIC năm 2023, đã chia sẻ về hành trình của mình tại chương trình. Ngoài những cơ hội kết nối và gói hỗ trợ tại chương trình, BenKon cùng 3 giải pháp khác đã được vinh danh bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ Khánh thành NIC Hoà Lạc vào tháng 10/2023.
Từ câu chuyện của DN, ông Taddy Trương hy vọng rằng những giải pháp mong muốn tham dự chương trình năm nay sẽ hiểu rõ lợi thế cạnh tranh của mình, biết cách thuyết phục hiệu quả, từ đó xây dựng được sự công nhận tích cực. Ông cũng đồng thời truyền cảm hứng cho các giải pháp tiếp nối hành trình tại VIC 2024.
Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ KH&ĐT đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái. Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam, đồng tổ chức cùng Tập đoàn Meta, chính là một trong những chương trình trọng tâm.
Với chủ đề năm 2024 tập trung vào ngành công nghệ bán dẫn và AI, các DN khi tham gia sẽ có cơ hội giới thiệu giải pháp và hợp tác với các tập đoàn công nghệ; nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế; được kết nối, gia nhập hệ sinh thái của NIC và Meta cùng các gói hỗ trợ, nâng cao năng lực, cơ hội xúc tiến thương mại, và nhiều giải thưởng khác.
Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến ĐMST Việt Nam (InnovateVN), do Bộ KH&ĐT chủ trì, NIC phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp ĐMST từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Thách thức ĐMST Việt Nam năm 2024 với chủ đề “ĐMST cùng DN thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI chinh phục thị trường toàn cầu”. Chương trình hướng đến mục tiêu là một sân chơi trí tuệ, hội tụ các nguồn lực để cùng hợp tác, tạo ra những ý tưởng đột phá và tận dụng tiềm năng, nắm bắt cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn và AI, từ đó giúp các DN đạt được những thành công mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.