Nhưng năm 2020 thật sự là một năm đáng quên khi chúng ta phải chứng kiến Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung hứng chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy vậy, 2020 cũng là năm công nghệ len lỏi vào cuộc sống của chúng ta và phát triển mạnh hơn bao giờ hết; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của mỗi người trên phương diện cá nhân, công việc, văn hóa và xã hội.
Vậy những công nghệ nào sẽ phát triển hơn nữa tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo?
Làm việc tại nhà đang dần phổ biến tại Việt Nam
Việt Nam phản ứng khá nhanh chóng trước một đại dịch chưa từng có tiền lệ diễn ra trên toàn thế giới và từ đó giúp đất nước hình chữ S có vị thế thuận lợi không chỉ trong năm 2020 mà còn trong năm tiếp theo. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một nơi đầu tư ổn định, bằng chứng là một nhà sản xuất điện thoại hàng đầu đã công bố dự định mở nhà máy mới ở miền Bắc.
Sự ra đời của công nghệ 5G trong nước có thể trở thành trục xương sống như ngành du lich từng làm. Kết hợp với môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam sẽ thu về các lợi ích kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất, từ công nghệ cho đến các ngành phục vụ dân dụng.
Công nghệ phát triển sẽ đồng nghĩa với việc con người phải thay đổi lối sống và cách thức làm việc.
Công nghệ 5G cũng giúp tối ưu cho xu hướng làm việc tại nhà đang dần được phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế trẻ của đất nước hình chữ S đón nhận xu hướng này khá cởi mở khi nhân viên sẵn sàng làm việc tại nhà; đồng thời, thế hệ các sản phẩm máy tính xách tay, điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh sẽ giúp Việt Nam thích nghi với xu hướng này nhanh chóng.
Đối với những doanh nghiệp (DN) lớn, các công ty vốn gặp hạn chế về sự linh hoạt cũng nhận thấy sự gián đoạn thấp hơn so với dự đoán. Việc áp dụng Zoom đã giúp các công ty đa quốc gia trao đổi và làm việc hiệu quả hơn thay vì những chuyến công tác trực tiếp. Các công ty môi giới bất động sản đã đón đầu trào lưu này với nhiều dự án ở khu vực ngoại thành, không quá xa trung tâm với giá thuê rẻ hơn so với nội thành, cũng như số lượng không gian làm việc chung (co-working space) ngày càng tăng khi các DN đang ngày càng quan tâm đến loại hình này. Mô hình làm việc kết hợp này sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2021 và những năm tới.
Cần tìm hướng đi dung hòa được hai yếu tố bảo mật và linh hoạt
Những sự đổi mới trong phương pháp làm việc dẫn đến một xu hướng văn hóa mới của nhân viên: BYOD (bring your own device - mang thiết bị cá nhân đi làm). Nếu chúng ta chỉ xét về điện thoại di động, xu hướng BYOD có vẻ chính xác, nhưng lại chưa chuẩn xác với máy tính xách tay (laptop) và máy trạm làm việc (workstation).
Vì vậy, trong thời gian tới, các giải pháp an ninh mạng dành cho DN (thậm chí là tại nhà) sẽ tăng cao hơn, mạng Wi-Fi tại gia không thể nào mang tính bảo mật cao như tại văn phòng, điều này càng đúng hơn đối với những DN lớn. Trong một thế giới chia sẻ tập tin trở thành xu hướng thì đa phần các trang web chia sẻ tập tin lại đều nằm trong danh sách chặn của các công ty bởi nhiều lý do.
Các tổ chức tại Việt Nam cần tìm một hướng đi dung hòa được hai yếu tố bảo mật và linh hoạt thông qua các giải pháp đám mây kết hợp để đáp ứng nhu cầu làm việc của lực lượng lao động, mở cửa cho dịch vụ đám mây cá nhân, công cộng và đám mây biên. Điều này đòi hỏi sự cải tiến trong quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ phân tán với khả năng phân tích dữ liệu tại điểm biên trong thời gian thực.
Xã hội cũng sẽ chứng kiến những thay đổi về hành vi khi công nghệ đang tạo ra một kỷ nguyên mới. Việt Nam đã hướng tới phát triển dịch vụ streaming và game trực tuyến trong nhiều năm, nhưng một lần nữa, năm 2020 chính là thời điểm chắp cánh cho hoạt động này.
Với dung lượng băng thông mang lớn hơn, những phần cứng mạnh mẽ hơn làm cho những "đồng đội" trên mạng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Trong khi các rạp chiếu phim đóng cửa vì giãn cách xã hội, Netflix tiếp tục bổ sung nhiều nội dung và phụ đề cho người Việt để phục vụ nhu cầu giải trí không ngừng tăng tại gia trên laptop, điện thoại, máy tính bảng hay TV. Đây sẽ là xu thế tiếp tục phát triển trong tương lai.
Mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021
Việc mua sắm cũng có xu hướng phát triển tương tự như giải trí trong năm 2020, khi người Việt cho rằng mua sắm trực tuyến sẽ an toàn hơn, giúp thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng 18% trong năm 2020 so với năm 2019. Con số này kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
Trở ngại thanh toán bằng thẻ đã từng ngăn cản sự phát triển của ngành bán lẻ, tuy nhiên, các sàn TMĐT đã kết hợp với các đơn vị vận chuyển để cung cấp nhiều hình thức thanh toán đa dạng hơn, bao gồm cả COD (thanh toán khi nhận hàng), việc này được xem như một hồi chuông cảnh báo cho những đơn vị kinh doanh, mua bán truyền thống tại cửa hàng.
Nhiều thương hiệu đang chuyển các cửa hàng thành những showroom để khách hàng trải nghiệm, sau đó có thể mua trực tuyến với giá tốt hơn. Những năm trước đây, việc thanh toán trực tuyến chưa nhận được nhiều sự ủng hộ và tin tưởng của người Việt, nhưng 2020 đã dần xóa nhòa khoảng cách này. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy 2021 là năm mà sự tin tưởng giữa con người, các thiết bị, mạng và dữ liệu sẽ gia tăng hơn bao giờ hết.
Sự hợp nhất của những người sử dụng đám mây lai (hybrid) và liên kết (interconnect) khắc họa một kỷ nguyên mới trong chuyển đổi số (CĐS). Con người sẽ ứng dụng công nghệ vào cuộc sống và công việc, tạo ra một môi trường làm việc kết hợp, năng động với sự hỗ trợ từ những chiếc máy tính cá nhân (PC) thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, và các kết nối cải tiến, từ đó cải thiện cách người Việt tương tác với các thiết bị của mình.
2019 là năm Việt Nam tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển bền vững để giải quyết hai vấn đề phổ biến nhất là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa dưới nước. Chúng đã từng là những vấn đề nghiêm trọng nhưng đã giảm dần mức độ cấp bách trong năm ngoái. Tuy nhiên, rác thải điện tử và đóng gói bao bì sẽ lại là vấn đề được bàn đến trong năm 2021.
Năm 2021 sẽ là năm Việt Nam tập trung toàn lực vào việc hồi phục nền kinh tế. Đất nước hình chữ S đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 2020 và dự đoán sẽ tiếp tục đón nhận những tín hiệu khả quan trong việc mở rộng phát triển nền kinh tế với mức tăng trưởng dự đoán là 10,9% trong năm nay.
Vẫn còn rất nhiều thử thách đang cần được Việt Nam vượt qua trong năm 2021, tuy nhiên, với năng lực quản lý y tế đã được minh chứng trong năm 2020, cũng như chương trình tiêm vắc-xin đang được tiến hành, các thách thức sẽ được giải quyết dần trong những tháng tới, cũng như tiếp tục trong năm sau. Với việc ứng dụng công nghệ vào nơi làm việc và đời sống xã hội, năm 2020 kết thúc với việc triển khai công nghệ 5G đã mang đến kỳ vọng việc đi đầu và tạo một cú hích cho nền kinh tế trong năm 2021 và cả những năm tới.