Thực hiện chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, trong những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và CĐS một cách toàn diện.
Những điểm nhấn trong CĐS ngành Thuế
Trình bày tham luận tại phiên chuyên đề 2 "CĐS trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, DN làm trung tâm" tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, về cải cách hành chính, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế (NNT).
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 03 quyết định công bố bãi bỏ 114 TTHC và công bố mới 47 TTHC. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 và tích hợp 97 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng DVC Quốc gia.
Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 413 chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7. Trong năm 2022 (tính đến hết tháng 9/2022), hệ thống đã tiếp nhận và trả lời được 4.765 câu hỏi, đạt tỷ lệ 90,1% tổng số câu hỏi phải trả lời trong kỳ.
Về phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và DN, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Cụ thể, đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh. Tính đến hết tháng 10/2022, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã. Việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy CĐS trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% DN trong tổng số hơn 870.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Đến hết tháng 10/2022 đã có 223.306 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 102.639 giao dịch với tổng số tiền trên 375 tỷ đồng (đã nộp thành công 170 tỷ đồng). Tương lai dịch vụ thuế điện tử trên các thiết bị di động sẽ được tiếp tục phát triển hỗ trợ hộ kinh doanh và người nộp thuế là cá nhân.
Đến ngày 31/10/2022 đã có 38 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó có 06 NCCNN lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương ứng 1.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin NNT là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện TTHC, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Kết quả đến hết tháng 10/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 1.939 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1.832 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVC Quốc gia.
Với các kết quả đã đạt được nêu trên, trong 2 năm liên tiếp, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc năm 2021 - 2022. Đây là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các DVCTT trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, DN, đồng thời đẩy mạnh công cuộc CĐS trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế đối với các người dân, DN.
Chia sẻ thêm về kết quả thực hiện CĐS tại Cục thuế TP Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội, cho biết Cục thuế TP Hà Nội quản lý một địa bàn rất lớn, với khoảng hơn 200.000 DN, 200.000 hộ kinh doanh cá thể, 5 triệu cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân,... Vì vậy, số lượng người nộp thuế và các giao dịch liên quan tới thuế rất nhiều.
"Chúng tôi xác định nhiệm vụ thì ngày càng tăng, yêu cầu ngày một đòi hỏi cao hơn, con người thì không tăng theo để đáp ứng nhu cầu công việc nên việc ứng dụng CNTT và đẩy mạnh CĐS là một trong những yêu cầu bắt buộc", ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết.
Theo đó, trong thời gian qua, Cục thuế TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai tất cả những nội dung này theo các chương trình mà Tổng cục Thuế đã triển khai như HĐĐT; khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử,... và đạt được những kết quả tích cực.
Trong khi đó, là 1 trong 6 địa phương trên cả nước được Tổng cục Thuế chọn triển khai HĐĐT thí điểm, Cục Thuế Hải Phòng xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình CĐS của ngành và đã quyết liệt triển khai thực hiện.
Ông Đoàn Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục thuế Hải Phòng, cho biết cùng với sử dụng hệ thống thư điện tử tự động, Cục Thuế Hải Phòng đã ứng dụng hệ thống tin nhắn điện tử (SMS) và mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, hệ thống tin nhắn điện tử được gửi đến đại diện NNT và kế toán trưởng. NTT có thể tra cứu tất cả các văn bản giao dịch với cơ quan thuế như: thông báo tiền thuế nợ, thư nhắc nộp và thông báo yêu cầu nộp hồ sơ khai thuế, văn bản trả lời chính sách thuế... thông qua mã bảo mật OTP.
Vì vậy, dữ liệu được bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với hệ thống ngành thuế cũng như an toàn dữ liệu của NNT. Đây cũng đơn vị thuế đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng tin nhắn (SMS - Brandname) nhằm tạo mối quan hệ thân thiện, đồng hành và hỗ trợ NNT điện tử...
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ, Cục thuế Hải Phòng còn xây dựng ứng dụng nhỏ là kiểm soát rủi ro với HĐĐT và lấy hóa đơn, qua đó giảm thiểu thời gian lấy từng tờ khai theo người sử dụng (user), rút ngắn thời gian của cán bộ công chức và tạo tiền đề tích cực trong thu ngân sách.
Định hướng CĐS của ngành Thuế trong giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030
Tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được trong công tác CĐS năm 2021 - 2022, trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Ngành Thuế cần tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế, cụ thể bao gồm:
Một là tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng Kho CSDL về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
Hai là xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho NTT, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.
Ba là triển khai giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn TMĐT, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn TMĐT và các nhà cung cấp dịch vụ số.
Bốn là xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh bao gồm: Triển khai nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.
Năm là triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng CĐS (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế).
Với phương châm lấy NNT làm trung tâm để phục vụ, việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong công cuộc cải cách TTHC thuế, góp phần đẩy mạnh quá trình CĐS ngành Thuế nói riêng và Chiến lược CĐS Quốc gia nói chung./.