Những nền tảng "Make in Viet Nam" ra đời vì không muốn Việt Nam tiếp tục bị "đô hộ số"

Thế Phương| 02/11/2021 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Việt Nam, doanh nghiệp (DN) ngoại đã nắm hầu hết các lĩnh vực có đông người dùng tại Việt Nam như TMĐT, quảng cáo, du lịch... và dẫn đến nguy cơ nền kinh tế số phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài khi các nền tảng này nắm hầu hết dữ liệu người dùng.

Dù một vài nền tảng số như Anvui, ezCloud... đã ra đời vì không muốn thị phần các lĩnh vực khác lại rơi vào tay "hàng ngoại". Tuy nhiên, nếu không có các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển các nền tảng nội thì câu chuyện "thắng Tây" để dành lại thị phần sẽ là điều gần như không thể.

Nguy cơ mất dữ liệu người dùng khi Việt Nam bị “đô hộ số”

Sau khi Internet tại Việt Nam mở cửa vào cuối năm 1997, không lâu sau đó, từ thập niên 2000, thời kỳ của web 2.0, hệ sinh thái các sản phẩm số Việt đã bắt đầu nở rộ như nấm sau mưa với một loạt sản phẩm từ mạng xã hội (Tamtay, Yume.vn...), giải trí (ClipTV, Nhacso.net, Nhaccuatui...), tìm kiếm (Socbay, Xalo, Baamboo...), thanh toán (Nganluong, Baokim) cho đến các trang thương mại điện tử (TMĐT) (Chodientu, Vatgia...). 

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết “miếng bánh” ở những lĩnh vực có đông người dùng tại Việt Nam đều đang nằm trong tay những DN nước ngoài, có thể kể đến như TMĐT (Shopee, Lazada), mạng xã hội (Facebook), giải trí (YouTube, Netfix), tìm kiếm và trình duyệt (Google), quảng cáo (Facebook, Google), gọi xe (Grab), du lịch trực tuyến (Agoda.com, Booking.com, Traveloka. com)... cho đến cả lĩnh vực mới như Cloud (Amazon, Microsoft).

Mặc dù cũng có những điểm sáng nhất định của DN Việt như Fintech, khi các DN dẫn đầu đều là “hàng nội” như ZaloPay, VnPay, MoMo, ViettelPay. Hay mới đây nhất, theo báo cáo Thị trường quảng cáo số năm 2021 của Adsota, Zalo đã vượt qua Facebook Messenger trở thành ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, việc các DN Việt thua trên “sân nhà” chủ yếu đến từ các nguyên nhân từ tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, công nghệ, chất lượng nhân sự không đồng đều. Bên cạnh đó sự bảo hộ ngược từ các chính sách nhà nước cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến nhiều DN Việt trong một số ngành nghề không thể phát triển được. Ví dụ như trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, trong khi DN nội đang phải chịu những quy định và khoản thuế phí rất chặt chẽ trong khi các đơn vị nước ngoài kinh doanh trên nền tảng Internet, dù chiếm 80% thị phần, lại đang chưa bị quản bởi bất cứ quy định nào tại Việt Nam.

Trong một nền kinh tế mở, các cơ chế chính sách trước khi ban hành cần phải nghiên cứu tác động của chính sách đến cả đối tượng DN nội địa lẫn doanh nghiệp nước ngoài, thay vì chỉ tác động đến đơn vị trong nước. Khi mà hiện vẫn có những DN chưa có trụ sở hay văn phòng tại Việt Nam nhưng vẫn đang khai thác kinh doanh các dịch vụ tại Việt Nam...

Những nền tảng

Đánh giá về những rủi ro khi bị “đô hộ số”, CEO ezCloud Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, như lĩnh vực du lịch trực tuyến, 80% thị phần đang nằm trong tay công ty nước ngoài, các DN Việt Nam đang chia trong 20% thị phần còn lại. Nhìn ra các quốc gia xung quanh thì phần lớn thị phần du lịch trực tuyến đều nằm trong tay các DN nội địa ví dụ như ở Trung Quốc có Ctrip, trip.com, Hàn Quốc có Yanoja, Nhật Bản có Rakuten, Indonesia có Traveloka. Hậu quả của việc này là bên cạnh việc thất thoát ngoại tệ vào tay các DN nước ngoài, Việt Nam còn mất luôn cơ hội khai thác các dữ liệu về thông tin du lịch trực tuyến.

Chưa kể đến, một trong những nguyên tắc căn bản của quản trị là phải thống kê, định lượng được. Nhưng phần lớn dữ liệu ngành du lịch lại đang nằm trong tay nước ngoài, khiến cơ quan quản lý, DN không biết được hành vi mua hàng, thói quen tiêu dùng, mức độ chi tiêu của du khách. “Điều này đã khiến cơ quan quản lý không thể có dữ liệu thống kê kịp thời, để từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy thị trường phù hợp”, ông Dương nói.

Cho dùng thử miễn phí để thuyết phục khách hàng đầu tiên thay đổi thói quen

Từ đó, nhiều nền tảng chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam đã ra đời với mong muốn nhiều lĩnh vực tiếp theo sẽ lại rơi vào tay “hàng ngoại”. Như với Anvui hay EzCloud, 2 nền tảng này ra đời vì mong muốn không muốn thị trường rơi vào tay các DN nước ngoài.

Theo CEO Anvui Phan Bá Mạnh, các hãng taxi phải trả giá bằng việc mất hết thị phần vào tay Grab chỉ vì sự chậm trễ trong CĐS. “Vào năm 2015, tôi cảm thấy lo ngại nếu các hãng nước ngoài tham gia vào thị trường xe khách đường dài thì ai sẽ giúp các hãng xe nội CĐS, để có thể giữ lại thị phần và miếng bánh 5,8 tỷ USD/năm. Vì thế, Anvui ra đời để giúp các nhà xe số hóa toàn bộ quy trình hoạt động của mình, thông qua hệ thống các công nghệ như quản lý bán vé, quản lý tổng đài, quản lý hàng hoá, quản lý vé...”, ông Mạnh khẳng định.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ của cả công ty và sẵn sàng lao vào thực tế cùng với DN vận tải, An Vui đã chứng minh cho khách hàng thấy được những lợi ích khi ứng dụng An Vui vào hoạt động sản xuất kinh doanh. “Cụ thể sau khi áp dụng An Vui nhà xe có thể tiết kiệm 30% chi phí nhân sự, 60% chi phí giao tiếp giữa các bộ phận, đồng thời tăng 30% doanh thu bán vé do hoạt động marketing và hỗ trợ phát triển thương hiệu đến hành khách”, ông Mạnh bày tỏ.

Sau 6 năm vận hành, An Vui đã có hơn150 DN vận tải quy mô lớn sử dụng cùng hơn 4.000 xe ô tô khách đang hoạt động với hàng triệu hành khách đang được hưởng lợi từ việc số hóa hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe.

Tương tự, CEO ezCloud Nguyễn Hoàng Dương cho biết, ngành Du lịch Việt Nam đã có sự phát triển thần tốc trong vòng 10 năm ( 2010 - 2020) với mức độ tăng trưởng trung bình hàng năm vào khoảng 12%, đóng góp 9,2% GDP. Dự đoán trong 10 năm tới tỉ trọng GDP của ngành Du lịch sẽ chiếm khoảng 20% và trở thành một ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh tiềm năng to lớn như vậy các ngành công nghệ phụ trợ cho lĩnh vực này thì chưa phát triển tương ứng. 

“Chưa kể đến, các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ nước ngoài và chúng ta đang đứng trước rủi ro bị đô hộ số trong lĩnh vực Du lịch trong thời gian tới”, ông Dương lý giải về quyết định ra mắt nền tảng CĐS ezCloud.

Tại thời điểm ra mắt nền tảng ezCloud, các DN kinh doanh du lịch đang thiếu một Nền tảng quản trị thống nhất giúp vận hành và kinh doanh hiệu quả. Việc sử dụng quá nhiều công cụ rời rạc khiến chi phí quản lý bị tăng lên, hạn chế cơ hội mở rộng các kênh tiếp thị bán hàng ở các thị trường mới.

Cũng theo ông Dương, để phát triển một sản phẩm cần rất nhiều thời gian nên sự cam kết của toàn bộ đội ngũ là điều quan trọng. EzCloud đã có những thuận lợi khi toàn bộ đội ngũ sáng lập và nhân sự cốt cán rất tâm huyết và tập trung theo đuổi mục tiêu. “Chúng tôi từ chối các lợi ích ngắn hạn để tập trung xây dựng một nền tảng quản trị thống nhất có thể giải quyết được bài toán mà ngành Du lịch đang gặp phải”, ông Dương nói.

Tại thời điểm hiện tại do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 toàn bộ ngành Du lịch đang quay về tình trạng ngủ đông không còn nhiều hoạt động trên nền tảng ezCloud. Tại thời điểm trước dịch COVID-19, ezCloud đã có khoảng 4.000 khách sạn với hàng chục hàng lượt sử dụng mỗi ngày.

Theo kết quả khảo sát thị trường của ezCloud khi tiếp cận gần 3.000 khách sạn tại các tỉnh thành du lịch trọng điểm, chỉ có 37% khách sạn sử dụng phần mềm quản lý. Hầu hết các khách sạn còn lại vẫn sử dụng các công cụ quản lý truyền thống như sổ sách, excel... Đây là một thực trạng đáng báo động khi mà việc này có thể giúp các khách sạn tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ nảy sinh những bất cập lớn. 

Mặc dù gặp thuận lợi vì là nền tảng đầu tiên giải quyết bài toán này cho khách sạn nhưng việc thuyết phục khách hàng rất khó khăn. Bởi vì, cách làm việc tùy tiện, manh mún không có hệ thống đã thành thói quen khó bỏ. Chưa kể đến, việc thuyết phục các ông chủ đã khó, việc áp dụng quy trình cho người lao động còn khó khăn hơn nhiều.

Ngoài ra, văn hóa kinh doanh du lịch mang tính thời vụ, chộp giật cũng là một rào cản trong việc ứng dụng công nghệ. Trong thời điểm du lịch bùng nổ, cứ mở khách sạn là có khách thì việc áp dụng công nghệ để tối ưu là một việc chưa được ưu tiên. 

“Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để giáo dục thị trường thay đổi quan niệm, thói quen để ngành du lịch có thể phát triển một cách bền vững dựa trên tư duy quản trị bài bản và hiệu quả”, ông Dương bày tỏ.

Theo ông Dương, những suy nghĩ mà ezCloud thường gặp là khách sạn vẫn làm như cũ và vẫn thấy ổn thì tại sao phải CĐS, mấy công nghệ này quá phức tạp so với nhân sự ở đây hay là quy mô khách sạn, điểm du lịch này đơn giản anh chị tự làm thủ công được không cần đến công nghệ phực tạp làm gì... Để vượt qua những suy nghĩ này, cách làm của ezCloud là kiên nhẫn tìm hiểu thói quen, đào tạo sử dụng và chứng minh ưu điểm của việc CĐS bằng thực tế. Với những mô hình DN như thế này thì chỉ có số liệu và trải nghiệm thực tế mới có ý nghĩa thuyết phục. 

Những nền tảng

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình phát triển ezCloud, ông Dương khẳng định, để thuyết phục thay đổi thói quen, với những khách hàng đầu tiên, công ty đã cho họ sử dụng miễn phí cho đến khi nào cảm thấy hài lòng và sản phẩm xứng đáng được trả tiền. Kỳ vọng của ezCloud khi đó là sản phẩm được khách hàng sử dụng, thông tin được ghi nhận vào hệ thống, chủ khách sạn sẽ sử dụng các báo cáo từ hệ thống để quản lý, qua đó họ sẽ có sự so sánh với cách làm truyền thống. 

“Việc thuyết phục các ông chủ khách sạn tin vào số liệu từ phần mềm thay vì từ sổ sách và file excel là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong giai đoạn đầu ra mắt sản phẩm”, ông Dương khẳng định.

Cũng giống như ezCloud, Anvui cũng gặp phải rào cản khi các hãng xe đã quen với cách quản lý truyền thống, và phần lớn các tuyến xe khách đều là khách quen. Để thuyết phục họ thay đổi thói quen, Anvui cũng miễn phí để khách hàng thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà xe. Kể về quá trình thuyết phục khách hàng đầu tiên của Anvui là hãng Interbus Lines, ông Mạnh cho biết đã đến gặp ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Interbus Lines và thuyết phục bằng cách miễn phí ứng dụng sản phẩm vào việc vận hành hãng xe với cam kết “nếu Anvui giúp mang về được 10 đồng tăng thêm thì được chia 1 đồng”. 

Thậm chí, Anvui còn phải cử nhân viên sang Interbus Lines để hỗ trợ việc nhập vé cho hãng xe. “Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, nhờ ứng dụng Anvui, Interbus Lines tăng trưởng 300% về lợi nhuận. Khi đó, anh Tùng đã gọi điện cho tôi và thắc mắc Anvui không lấy tiền thì lấy gì mà sống, phải thu phí Interbus Lines đi”, ông Mạnh nói.

Sau COVID-19, CĐS là sẽ là việc bắt buộc đối đối với các DN

Theo báo cáo của Nikken thì Quý 4/2022 tình hình kinh tế Việt Nam mới dần được hồi phục khi tỉ lệ tiêm vắc xin của cả nước đạt 70%. Sau khoảng 1 năm nữa, theo ông Dương, ngành Du lịch gần như quay về vạch xuất phát và khi đó sẽ có một làn sóng doanh nghiệp Du lịch mới tham gia vào thị trường. Những DN này sẽ ứng dụng chuyển đổi số để thâm nhập thị trường nhanh hơn. 

“Họ sẽ là nòng cốt thay đổi thói quen vận hành kinh doanh Du lịch. Lúc đó việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ không còn là việc nên hay không nên nữa mà sẽ là bắt buộc phải có để thích nghi và tồn tại trong tình hình mới”, ông Dương đánh giá.

Bên cạnh đó, do chuyển đổi số là một cuộc chiến dài hơi nên việc thay đổi thói quen, quy trình, cách làm của toàn bộ bộ máy cần rất nhiều thời gian và sự cam kết của các ông chủ. Do đó, COVID-19 sẽ là cơ hội “ngàn năm” để chủ khách sạn CĐS và thay đổi lại toàn bộ quy trình, nhân sự của mình để phù hợp với giai đoạn bình thường mới.

Để làm được điều này, ông Dương cho rằng, các DN du lịch cần chuẩn bị một tư duy cởi mở, hình thành thói quen, chấp nhận sự thay đổi. Bởi vì, sau COVID-19 mọi thứ đã không còn như trước nên cần chấp nhận sự thay đổi từ hành vi tiêu dùng, thị trường và cách thức tiếp cận khách hàng mới. “Các DN không thể dùng các tư duy cũ, cách làm cũ trong tình hình mới, nên có cách nhìn phản biện tất cả những gì đã làm trong quá khứ”, ông Dương kết luận.

Cùng quan điểm, ông Mạnh cũng cho rằng, dịch COVID-19 là một thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế nói chung mà đặc biệt là đối với lĩnh vực vận tải và du lịch. Theo thống kê của Anvui, doanh thu của lĩnh vực vận tải đã giảm rất sâu đến 93%, điều này đã khiến nhiều DN phải phá sản và rất nhiều DN đang thoi thóp. Điều này đã khiến các DN vận tải cũng đã thấy rõ hơn vai trò của CĐS nó không còn là một xu thế hay lựa chọn nữa mà nó đã trở thành điều kiện tiên quyết để tồn tại. Bởi vì, trong điều kiện bình thường mới, công nghệ là một trong những công cụ quan trọng giúp cho DN vận tải tối ưu được chi phí, hạn chế tiếp xúc và mở rộng được thương hiệu đến với khách hàng. 

Những nền tảng

Trước khi dịch bệnh diễn ra, chuyển đổi số thường được các DN có quy mô lớn quan tâm hơn, sau đại dịch các DN còn sống đều phải quan tâm đến việc này nếu muốn phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong thời gian vừa qua Anvui cũng đã tiếp nhận rất nhiều liên hệ từ phía nhà xe đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. “Điều đó cho thấy rằng CĐS giờ đây không còn là lựa chọn mà đã được các DN như điều kiện sống trong kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới”, ông Mạnh nói.

Song song với đó, Anvui cũng đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại và dịch vụ mới để hỗ trợ cho các nhà xe.

Cơ hội nào cho các DN số Việt xoay chuyển tình thế?

Ông Dương cho rằng, trong những năm gần đây, cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển DN số cũng như thúc đẩy làn sóng CĐS cho toàn bộ các ngành, các lĩnh vực. Đây là một tiền đề quan trọng tạo ra một thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.

Chưa kể đến, các quy định và chính sách đối với sản phẩm “Make in Vietnam” đã tạo ra một luồng gió mới trong việc định vị thương hiệu các sản phẩm Việt, giúp cho người tin tưởng lựa chọn thay vì sản phẩm nước ngoài. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia điển hình đã xây dựng được văn hóa sử dụng sản phẩm quốc nội từ đó tạo cơ hội cho các DN nội địa phát triển.

Mặc dù vậy, để các sản phẩm Việt Nam có cơ hội phát triển, các cơ quan quản lý nên có các hoạt động truyền thông và bổ sung các tiêu chí ưu tiên lựa chọn trong việc đầu tư thay vì các giải pháp nước ngoài hoặc các giải pháp chưa được thẩm định. “Du lịch sau đại dịch sẽ cần rất nhiều thời gian và chi phí để tái khởi động. Do đó, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp nền tảng, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp khách sạn, nhà nghỉ chuyển đổi số hiệu quả”, ông Dương chia sẻ.

Ông Dương cũng kiến nghị Việt Nam nên có các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách bảo hộ để thúc đẩy các DN nội địa phát triển, tránh bị đô hộ số bởi các DN nước ngoài. “Vì hậu quả của việc đô hộ số không chỉ là bài toán về tài chính mà còn là bài toán về dữ liệu người dùng, thông tin hành trình vì thị trường về một ngành mũi nhọn như Du lịch lại không nằm trong tay chúng ta”, ông Dương kết luận.

Còn theo ông Mạnh, là một doanh nghiệp startup công nghệ, Anvui hiểu được những khó khăn của công ty khởi nghiệp ở Việt Nam khi bước trên con đường cạnh tranh. Để thúc đẩy startup Việt, cơ chế chính sách phải được cải thiện các điểm sau. Đầu tiên về các chính sách thu hút đầu tư phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bỏ vốn và thoái vốn tại startup. Tiếp theo, về Mội trường sáng tạo cần gấp rút triển khai mô hình Sanbox nhằm ươm mầm thí điểm các công nghệ mới, các lĩnh vực kinh doanh mang tính đột phá mà hành lang pháp lý chưa có tiền lệ cần phải được tạo điều kiện thí điểm trên quy mô vừa phải để DN có cơ hội đi vào thị trường.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, bên cạnh các chiến lược truyền thông thay đổi tầm nhìn, thói quen và hành vi của xã hội về CĐS, hiện cũng đã có một số khung chính sách cho các DN số để có thể tạo hành lang pháp lý để các DN Việt Nam phát triển. Bước đầu trong một số lĩnh vực, các DN Việt Nam đang có lợi thế về tính linh hoạt, khả năng tùy biến thích nghi theo yêu cầu thị trường nội địa như các bài toán về Logistic, bài toán quản trị DN SME, giáo dục, y tế, bài toán về bán hàng phân phối... Các bài toán này thị trường còn khá rộng mở và còn nhiều “đất diễn” cho các DN nội.

Tuy nhiên, các bài toán cần chiến lược đầu tư và tầm nhìn dài hạn như thương mại điện tử, mạng xã hội.. thì các DN Việt Nam chưa thể thắng được trong 3-5 năm tới. Dù các lĩnh vực này các DN ngoại đang có rất nhiều lợi thế nhưng với xu thế công nghệ đang diễn ra và thay đổi rất nhanh như hiện nay, các startup Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xoay chuyển tình thế, giống như câu chuyện của Yahoo với Google, Facebook với TikTok...

Để làm được điều này, cơ quan quảnlý cần đưa ra một chiến lược nhất quán dài hạn trong 10-20 năm. Một nền kinh tế số thực sự phải được hình thành từ tầm nhìn phát triển của một quốc gia. Còn hệ sinh thái các DN nền tảng cũng sẽ phải được hình thành từ các cơ chế chính sách nhất quán trong một thời gian dài. Bởi vì, nếu không có tầm nhìn dài hạn và xuyên suốt, một DN được xây dựng trong 10 - 15 năm hoàn toàn có thể bị sụp đổ chỉ bởi một chính sách của nhà nước.

Ngoài ra, các chính sách cũng cần đến hướng đến mục tiêu tạo hành lang để thử nghiệm và cải tiến thay vì ngăn cấm theo tư duy duy ý chí. Để tạo cơ hội cho các DN số Việt Nam phát triển thì việc đầu tiên cơ quan quản lý cần phải thay đổi lại cách tư duy quản lý cũ đó là, không quản được thì cấm. Xã hội đang phát triển rất nhanh nên các quy định chính sách, hành lang pháp lý nhiều khi không theo kịp sự thay đổi của xã hội. Vì thế, khi có sự không phù hợp giữa chính sách và thực tế thì thay vì cấm hãy để cho DN một thời gian thử nghiệm, thích nghi để tìm ra phương án tối ưu thông qua cơ chế sandbox.

“Vì vậy, các chính sách trong ngành công nghệ nên tiếp cận ở góc độ tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát triển, chúng ta sẽ phải biết chấp nhận các sai sót trong quá trình thực hiện và cùng điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của DN và thị trường. Chỉ có như vậy, các DN Việt mới có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng và vượt lên trướccác đối thủ nước ngoài”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những nền tảng "Make in Viet Nam" ra đời vì không muốn Việt Nam tiếp tục bị "đô hộ số"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO