Không có gì chứng minh điều này rõ ràng hơn đại dịch COVID-19, khi trong nhiều tháng, các cơ quan y tế địa phương Đức phải sử dụng máy fax để gửi số ca bệnh COVID-19 mới cho cơ quan trung ương. Tình trạng này cho thấy Đức còn đi sau nhiều nước trong lĩnh vực số hóa các cơ quan chính phủ và truy cập Internet nhanh chóng.
Một nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) cho biết việc sử dụng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến ở Đức chủ yếu bị cản trở bởi nguồn cung thấp và khả năng thực tế hạn chế. Theo nghiên cứu, các ứng dụng số trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hành chính công thiếu khả thi là một trong những rào cản chính để số hóa thành công.
Theo báo cáo, những lợi ích của dịch vụ số về mặt thời gian và tiền bạc vẫn chưa được một bộ phận lớn người dân thừa nhận, đó là lý do tại sao việc truyền thông và mở rộng các dịch vụ số cần được chú trọng hơn.
Tại Đức, mặc dù số lượng người sử dụng các dịch vụ số trong hành chính công và lĩnh vực y tế tăng lên trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng con số nhìn chung vẫn ở mức thấp. Điều này có thể được giải thích là do các dịch vụ số hầu như không hề cải tiến hơn so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch.
Thiếu kết nối Internet tốc độ cao
Đại dịch COVID-19 bùng nổ, người dân làm việc tại nhà, họp trực tuyến, thực hiện các cuộc thăm khám trực tuyến với bác sĩ, giải quyết các DVC trên môi trường trực tuyến. Nhiều người cùng sử dụng và truy cập mạng Internet một lúc khiến hệ thống Internet của Đức gặp nhiều trục trặc. Cũng chính vì đường truyền Internet kém mà nhiều học sinh phải xoay xở khó khăn vì việc học trực tuyến tại nhà bị gián đoạn.
Nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra những hạn chế lớn trong giáo dục, mặc dù có nhiều các ứng dụng số trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, nhưng cơ sở hạ tầng số cũng phải bắt kịp. Ví dụ, chỉ 37% trường học ở Đức có đủ truy cập Internet. Mặc dù con số này đã được cải thiện gần 10 điểm phần trăm kể từ năm 2019 và vẫn cần phải tiếp tục cải thiện.
Việc thiếu các kết nối cáp quang tốc độ cao từ lâu đã trở thành trở ngại, nhức nhối đối với nhiều người dân, với các công ty khởi nghiệp, các công ty công nghệ cao và những người sống bên ngoài các thành phố lớn.
Khi nói đến số hóa, các nhiều ý kiến thống nhất cần phải có một mạng lưới Internet tốt hơn, tốc độ nhanh hơn. Tuyên ngôn rõ ràng nhất trong cuộc bầu cử năm 2021 của Đức là xây dựng mạng di động 5G và tiếp tục triển khai các tuyến cáp quang mới nhất để mang kết nối Internet nhanh chóng đến mọi nơi trên đất nước. Mọi hộ gia đình và doanh nghiệp phải có quyền truy cập Internet tốc độ cao.
Nếu không có nền tảng cơ bản này, mọi phần khác của tương lai số đều có thể bị lãng quên. Chính phủ Đức nhận thấy cải thiện tốc độ Internet là một trọng tâm rõ ràng. Hy vọng rằng kết nối tốt hơn có thể giúp đất nước cạnh tranh hơn và thu hút nhiều nghiên cứu và phát triển hơn, trước hết là trong việc cải thiện các dịch vụ công của chính phủ, và sau đó là với các lĩnh vực sáng tạo như lái xe tự hành, blockchain hoặc trí tuệ nhân tạo.
Đức đứng gần cuối bảng xếp hạng dịch công trực tuyến của châu Âu
Chỉ số xã hội và kinh tế số hàng năm (DESI) của Liên minh Châu Âu gần đây cho thấy Đức nằm ở gần cuối danh sách xếp hạng các DVC trực tuyến trong số các nước thành viên của EU. Cụ thể, Đức đứng thứ 21 trong số 28 quốc gia trong chỉ số DESI 2020. Sau Đức, chỉ có CH Séc, Bulgaria, Hungary, Croatia, Slovakia, Hy Lạp và Rumani.
Michael Pfefferle làm việc tại Bitkom, hiệp hội kỹ thuật số ở Đức, đại diện cho 2.700 công ty, phụ trách hỗ trợ đưa các DVC của chính quyền địa phương, thành phố lên môi trường trực tuyến cho biết: “Điều đặc biệt về đại dịch COVID-19 là nó đã làm nổi bật tất cả những vấn đề về DVC trực tuyến của đất nước trong hơn 10 năm qua”.
Pfefferle cho rằng đại dịch cũng cho thấy, sự tiến triển có thể nhanh chóng xảy ra khi có ý chí mạnh mẽ và sự thúc đẩy cần thiết. Chính phủ Đức cũng giống như nhiều chính phủ các nước, đã gấp rút mua máy tính xách tay và thiết lập các đường truyền VPN cho nhân viên của mình vào năm 2021.
Pfefferle đã mô tả tiến trình số hóa của Đức là "chưa phát huy hết tiềm năng”. Bitkom gần đây đã khảo sát các thị trưởng và lãnh đạo chính quyền thành phố ở Đức, và nhận được 640 phản hồi. Ông nói, có ba vấn đề cốt lõi gần như phổ biến với hầu hết các địa phương là: thiếu tài chính, thiếu nhân sự chuyên môn, đồng thời thiếu sự hướng dẫn và tiêu chuẩn từ chính phủ liên bang.
"Những khó khăn này không phải là vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết. Những công nghệ phù hợp để tiến hành số hóa các dịch vụ hành chính công đều có sẵn sàng ở Đức. Thực tế, trong cuộc khảo sát, chỉ có 5% các thị trưởng báo cáo gặp khó khăn ở lĩnh vực công nghệ", ông nói.
Công nghệ có thể không thiếu, nhưng lại thiếu cách làm và trước hết chính là thiếu nhân lực CNTT. Chủ tịch liên đoàn công chức Đức (DBB), Ulrich Silberbach, cho biết, trong số 330.000 vị trí tuyển dụng công chức hiện nay của Đức, có 46.000 vị trí dành cho các chuyên gia CNTT.
Theo Silberbach, vấn đề tuyển dụng gồm hai mặt: khó đưa ra mức lương cạnh tranh cho các chuyên gia trẻ trong một cơ cấu trả lương thường cứng nhắc của công chức. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, khu vực công Đức đang phải vật lộn để cung cấp một cơ sở hạ tầng CNTT và khả năng thu hút nhân sự.
Vấn đề thậm chí còn rõ ràng hơn ở các thành phố nhỏ với ngân sách hạn chế hơn, và có lẽ chỉ có 30 hoặc 40 nhân viên. Pfefferle của Bitkom cho biết, các thành phố lớn hơn như Cologne, Munich hay Hamburg có khả năng đổ tài nguyên vào các dự án “Thành phố thông minh”, để thu hút nhân sự chuyên môn mà họ cần.
"Nhưng Đức chỉ có 81 thành phố lớn với dân số hơn 100.000 người. Và vấn đề lớn hiện nay ở Đức là các thị trấn nhỏ hơn thực sự thiếu cả tiền để trả cho nhân lực CNTT và thiếu cả tiền đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút nhân lực tài năng.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chính phủ liên bang đã thực hiện kế hoạch số hóa khu vực công. Luật truy cập trực tuyến của Đức tìm cách số hóa hơn 500 DVC vào năm 2022. Nhưng Pfefferle không lạc quan rằng chính phủ sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Chỉ còn vài tháng nữa, nhưng theo ông mô tả, dự án "vẫn còn nằm trong giai đoạn lập kế hoạch và hình thành".
Tình yêu giấy tờ và “chữ ký tươi” vẫn rất lớn ở Đức
Nhiều người đổ lỗi cho tiến độ số hóa chậm chạp của Đức là do hệ thống chính trị phi tập trung của nước này. Trong nhiều trường hợp, các bang có tiếng nói riêng hoặc tự mình đưa ra quyết định về DVC và trường học của họ. Mối liên kết giữa các chính quyền địa phương lỏng lẻo. Cùng với đó, điều này làm cho việc lập kế hoạch toàn quốc trở nên khó khăn và để lại cac quy định sự chắp vá của mỗi bang.
Các nhà lãnh đạo của Đức nhận thấy rằng muốn giải quyết vấn đề chắp vá, chồng chéo này giữa chính quyền các địa phương, cần phải có một bộ mới, hoàn toàn dành riêng cho các hoạt động chuyển đổi số (CĐS). Đức nhận thấy sự ra đời của bộ này rất cần thiết để điều phối tập trung và lập kế hoạch kỹ thuật số cho tất cả mọi thứ.
Tất cả các nhà lãnh đạo đều nhận thấy sự cần thiết phải thiết lập một cơ quan phụ trách các vấn đề CĐS - thậm chí có thể là Bộ Kỹ thuật số Liên bang mới - trong giai đoạn lập pháp tiếp theo. Bộ kỹ thuật số, được xem là đầu tàu cho chính sách số hóa chính phủ, sẽ thay thế Hội đồng kỹ thuật số quy mô nhỏ được thành lập vào năm 2018. Mặc dù vậy, việc thiết lập và chuẩn bị nhân sự một cơ quan chính phủ sẽ không dễ dàng.
Tuy nhiên, Pfefferle cũng thừa nhận có một số vấn đề còn sâu xa hơn. Đối với một trong những nền kinh tế hiện đại và giàu có nhất ở châu Âu, Đức vẫn có một cái gì đó chưa thành công khi phải từ bỏ những thói quen cũ của mình.
Chẳng hạn, ngay cả đại dịch cũng không làm được gì nhiều trong mục tiêu xóa bỏ văn hóa tiền mặt còn phổ biến trong ngành bán lẻ của Đức. Các số liệu gần đây nhất từ năm 2017 cho thấy 77% tất cả các giao dịch tại các điểm bán hàng ở Đức là thanh toán bằng tiền mặt. Đó không phải là con số cao nhất ở EU, nhưng nó hoàn toàn trái ngược với nước láng giềng Hà Lan - một trong những quốc gia có vị trí cao về chỉ số DESI hàng năm. Ở Hà Lan, chỉ 34% giao dịch tại điểm bán hàng sử dụng tiền mặt.
Ngoài ra, còn một vấn đề tương tự nữa trong khu vực công. Nhiều biểu mẫu và ứng dụng vẫn yêu cầu chữ ký bằng văn bản và thẻ ID số được giới thiệu trên lý thuyết cách đây hơn một thập kỷ hầu như không được sử dụng, có nghĩa là bước cuối cùng của một chương trình số hóa thường liên quan đến khâu in biểu mẫu rồi ký tên vào đó và đưa đến nộp cho chính quyền địa phương. Câu chuyện tương tự đã xảy ra đối với các đơn xin hỗ trợ tài chính trong thời kỳ đại dịch.
Pfefferle nói: “Tình yêu giấy tờ và ‘chữ ký tươi’ vẫn còn rất lớn trong các cơ quan hành chính của Đức”.
Nhưng thời đại số không chờ đợi ai...
Hiện nay, các nhà lãnh đạo Đức đang muốn ID số trở thành tiêu chuẩn. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng cung cấp các DVC trực tuyến như thay đổi địa chỉ, đăng ký khai sinh cho con hoặc gia hạn hộ chiếu. Việc điền vào các biểu mẫu, đơn đăng ký và chữ ký đều có thể thực hiện được mà không cần phải xếp hàng chờ đợi nếu có nhiều quy trình tiêu chuẩn quốc gia hơn được áp dụng.
Nhưng ID số, cho dù là với các mục tiêu thông thường hay liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đều có nghĩa là sẽ có nhiều dữ liệu như an sinh xã hội và số thuế được đưa lên môi trường trực tuyến. Và đó là điều mà nhiều người Đức không thích. Nó cũng làm cho những người gửi và nhận dữ liệu dễ bị đánh cắp dữ liệu, lạm dụng hoặc thậm chí là tệ hơn.
Sau khi xảy ra những cuộc tấn công ransomware vào các công ty, chính quyền địa phương và các cá nhân, mọi người đều hiểu những rủi ro khi trực tuyến. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người đều kêu gọi bảo vệ dữ liệu và bảo mật CNTT chặt chẽ hơn, bằng cách xây dựng Văn phòng Bảo mật Thông tin (BSI) chẳng hạn. Các ý tưởng khác được đưa ra là tạo điều kiện để các công ty công nghệ trong nước phát triển, từ đó giảm phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Nhìn chung, nhu cầu tăng tốc số hóa một cách có tổ chức và an toàn là điều mà hầu như tất cả mọi người ở Đức đều đồng ý. Các nhà lãnh đạo của Đức sẽ phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống số này, bởi vì thời đại số không chờ đợi một ai./.