Những thách thức trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)| 12/07/2021 11:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ Công an, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, cần thúc đẩy hơn hợp tác công-tư giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các tập đoàn công nghệ trong phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Tháng 7 về, toàn lực lượng An ninh nhân dân đang nỗ lực thi đua, lập thành tích trên mỗi trận tuyến để kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân Anh hùng (12/7/1946-12/7/2021).

Đối tượng đấu tranh của lực lượng An ninh không phải lúc nào cũng xuất đầu lộ diện, thường có phương thức phạm tội, thủ đoạn tinh vi.

Đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của công nghệ cao, mạng internet,... cuộc chiến với các tội phạm của lực lượng An ninh càng khó khăn, thách thức đầy cam go trong tình hình mới.

Cuộc đấu tranh trên không gian mạng

An ninh mạng đã và đang trở thành một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất, đe dọa an ninh quốc gia, kinh tế-xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Những năm gần đây, an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là mặt trận “nóng” và phức tạp. Các loại tội phạm truyền thống tận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và phát triển của mạng internet để có nhiều phương thức hoạt động mới, thủ đoạn tinh vi hơn.

Về an ninh quốc gia, rất nhiều cá nhân, tổ chức phản động đã lợi dụng triệt để internet, mạng xã hội, blog cá nhân để tuyên truyền, truyền bá tư tưởng phản động, thu thập và thực hiện các hoạt động gián điệp mạng để phá hoại đất nước...

Chỉ với từ khóa "tội phạm an ninh mạng," “bắt giữ tội phạm công nghệ cao" trên công cụ tìm kiếm google, chúng ta đã thu về được hàng triệu kết quả; qua đó có thể thấy loại tội phạm này trong thời gian qua đã có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, khi nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, người dân làm việc trực tuyến tại nhà nhiều hơn, loại tội phạm này lại triển khai mạnh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, nhất là đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước những thách thức đầy cam go đó, Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo lực lượng An ninh chủ động đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về an ninh mạng, sử dụng công nghệ cao.

Thời gian gần đây, các Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được thành lập ở nhiều Công an các tỉnh, thành phố. Đây là một bước đi trong tiến trình xây dựng lực lượng Công an ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ, công tác đấu tranh với các loại tội phạm an ninh mạng, sử dụng công nghệ cao ngay tại cơ sở, địa phương trong bối cảnh mới nhiều phức tạp. Dù mới thành lập, nhưng lực lượng chức năng đã có nhiều kết quả tích cực.

Mới đây, ngày 6/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Quảng Nam vừa triệt xóa thành công đường dây hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet quy mô lớn. Đây là chiến công đầu tiên của lực lượng Phòng An ninh mạng chỉ sau hai ngày thành lập đơn vị.

Qua tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm quy luật hoạt động và thu thập tài liệu chứng cứ điện tử quan trọng, Phòng An ninh mạng đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tổ chức triệt xóa đường dây hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc; bắt 6 đối tượng do Huỳnh Trọng Lễ (sinh năm 1974) cầm đầu đường dây.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Huỳnh Ngọc Lễ sử dụng mạng internet chia tài khoản thành 6 tài khoản Agen, 32 tài khoản Member để giao cho nhiều người đánh bạc với Lễ dưới hình thức cá độ bóng đá thắng, thua bằng tiền dựa vào các trận bóng trong vòng chung kết giải vô địch các quốc gia châu Âu (Euro).

Từ ngày 17/6/2021 đến khi bị bắt, người chơi cá cược tổng cộng 4.350 lượt với tổng số tiền tổ chức cá cược trên 50 tỷ đồng.

Đây là một trong hàng loạt vụ án đánh bạc qua mạng mà Công an các đơn vị, địa phương đã triệt phá trong thời gian gần đây. Quá trình hoạt động các đối tượng sử dụng mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội để liên lạc. Quá trình liên lạc, phương thức, cách thức, tài khoản nhận tiền luôn thay đổi. Qua internet và các mạng xã hội, các đối tượng có thể quản lý tài khoản và đánh bạc ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào chỉ cần điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng internet.

Các đối tượng luôn tìm cách đối phó với lực lượng Công an, thậm chí chúng còn bàn phương thức đối phó với lực lượng Công an trong trường hợp bị phát hiện bắt giữ; có những phương thức tiêu hủy tài liệu, chứng cứ rất tinh vi.

Thực tế, sau 3 năm vụ án “đường dây đánh bạc qua mạng nghìn tỷ” của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương bị triệt phá, những trò chơi online đổi thưởng mới không ngừng mọc lên ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt là công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, thủ đoạn trá hình ngày càng tinh vi. Trước đây, game online (trò chơi trực tuyến) chủ yếu được quảng bá và quảng cáo qua các website, trang thông tin điện tử. Nhưng ngày nay, nhờ sự phát triển mạnh của mạng xã hội, các kênh quảng bá và quảng cáo rộng mở hơn.

Từng tham gia triệt phá vụ “đường dây đánh bạc qua mạng nghìn tỷ,” Đại úy Nguyễn Trung Đức (Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ) chia sẻ đấu tranh trên không gian mạng quan trọng nhất là phải thu thập được các dấu vết điện tử. Đây là cánh cửa để tìm vào hệ thống. Bởi có hiểu được cách thức đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới có thể thu thập được chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm.

Trong thời đại công nghệ, phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng cũng mau lẹ, biến đổi khôn lường. Áp lực công việc vì thế càng nặng nề hơn nhiều. Trong khi đó, đối tượng chủ mưu, cầm đầu sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đều là những kẻ am hiểu về tin học, luôn tìm cách xóa các dấu vết, việc lần tìm ra manh mối là cực kỳ khó khăn.

Không chỉ đối với tội phạm đánh bạc, các loại tội phạm truyền thống khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian gần đây đã tận dụng internet và công nghệ thông tin để thực hiện hành vi tội phạm tinh vi hơn.

Nổi lên trong thời gian qua là các hình thức phạm tội như: các đối tượng sử dụng các số thuê bao di động giả mạo và tự xưng là cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thoại để uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hay thủ đoạn các đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị bị hại cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ internet banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ ngân hàng.

Sau khi bị hại cung cấp các thông tin này, bọn chúng chiếm quyền sử dụng dịch vụ intemet banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản bọn chúng đã chuẩn bị từ trước để chiếm đoạt.

Đối tượng chiếm quyền sử dụng facebook, sau đó mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị người nhà ở Việt Nam mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng hoặc gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác công-tư

Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh mạng xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn đe dọa đến an toàn thông tin trên khắp thế giới, đặc biệt khu vực ASEAN với tỷ lệ người sử dụng internet ở mức cao (khoảng 75% dân số, tương đương 480 triệu người), đang là mục tiêu nhắm đến của cuộc tiến công mạng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và đánh cắp dữ liệu người sử dụng.

Những thách thức trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao   - Ảnh 1.

Công an Hà Nội bắt 4 đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng, tháng 4/2014. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các đối tượng tội phạm tiến công mạng với nhiều mục đích nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và người dân tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm.

Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động tiến công mạng, triệt để khai thác lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng họp trực tuyến, phát tán mã độc, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong năm 2020, Bộ Công an Việt Nam thống kê trong số hơn 5.000 trang, cổng thông tin điện tử, có hơn 400 trang của các cơ quan nhà nước bị tấn công.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, tội phạm trên không gian mạng còn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xuyên quốc gia để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chủ yếu là giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo qua mạng, qua điện thoại, lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp, giả mạo các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, đánh cắp dữ liệu cá nhân để lừa đảo.

Một loại tội phạm trên không gian mạng khác đang tràn vào nước ta là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức. Sự tham gia chủ yếu là các đối tượng nhà cái ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước xây dựng các đường dây lớn tổ chức đánh bạc, thu hút hàng nghìn người tham gia. Số tiền ước tính hàng triệu USD mỗi ngày.

Cục phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triệt phá nhiều đường dây đánh bạc qua mạng với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ Công an Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới, tích cực phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nhiều vụ việc liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại, Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực ASEAN đang thiếu hành lang pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng và chưa bắt kịp sự biến đổi nhanh chóng của không gian mạng cũng như tình hình tội phạm mạng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.

Ở cấp độ khu vực ASEAN, vẫn chưa có một văn bản pháp lý chung điều chỉnh các hoạt động hợp tác trong công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm mạng. Các nước mới bước đầu chú trọng xây dựng luật của nước mình và quan điểm xây dựng pháp luật của mỗi nước vẫn còn có khác biệt nhất định. Bên cạnh đó, sự lạc hậu về công nghệ cũng là một rào cản trong quá trình đấu tranh.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đang xây dựng kế hoạch toàn diện về nâng cao nhận thức và năng lực an ninh mạng cho tất cả các đối tượng có liên quan, như lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, đội ngũ quản trị mạng tại các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp cũng như tất cả người dân sử dụng internet và các dịch vụ số. Đồng thời, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN và thế giới để hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng.

Bộ Công an cho rằng bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác công-tư giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu thực tiễn của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mạng và phát huy năng lực công nghệ sẵn có của các tập đoàn, doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đối thoại, chia sẻ và cập nhật chính sách an ninh mạng cho cộng đồng doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO