Những xu hướng đang định hình thị trường CNTT doanh nghiệp
Công nghệ thông tin (CNTT) cho doanh nghiệp (DN) luôn phát triển cùng với các công nghệ mới nổi và các sản phẩm, dịch vụ cũ không còn được sử dụng nữa. Dưới đây là những điều chúng ta cần biết để luôn dẫn đầu cuộc chơi trong năm 2024.
Khi Rebecca Fox, Giám đốc CNTT (CIO) tại công ty tư vấn bảo mật NCC Group, nhìn vào thị trường CNTT cho DN ngày nay, bà thấy tương lai được định hình bởi nhiều xu hướng, nhưng chủ yếu là bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà nói: “Mọi người đều đang nói về AI,” đồng thời lưu ý rằng hầu hết các DN đều đã có AI trong hoạt động kinh doanh của họ. “Nó được tích hợp hoặc đang được tích hợp vào các nền tảng SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) hiện có từ các nhà cung cấp lớn nhất".
Tuy nhiên, đi kèm với sự xuất hiện của AI là sự lo lắng nhất định, Fox nói. Có rất nhiều câu hỏi. “Một DN sử dụng AI được kích hoạt đầy đủ sẽ như thế nào? Liệu nó có chung lực lượng lao động, ở cùng một địa điểm không?" Bà nói: Đây không phải là những câu hỏi cần trả lời ngày hôm nay nhưng chúng cần được xem xét.
Xu hướng này và một số xu hướng mới nổi khác có thể sẵn sàng định hình lại cả lĩnh vực CNTT và hoạt động kinh doanh trong những năm tới. Và đó là lý do tại sao Saket Srivastava, CIO tại công ty quản lý công nghệ quy trình làm việc Asana, tin rằng chưa bao giờ tốt hơn thời điểm hiện tại để trở thành CIO.
Ông nói: “Mặc dù có những điều không chắc chắn xung quanh AI, nhưng đây là kỷ nguyên thú vị để các nhà lãnh đạo CNTT sử dụng công nghệ mới để thúc đẩy chiến lược, hỗ trợ đưa ra quyết định và cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch”.
Để bắt kịp với sự thay đổi không ngừng, dưới đây là những xu hướng hàng đầu có thể tác động đến thị trường CNTT cho DN ngày nay.
AI tạo sinh tác động đến mọi thứ
AI tạo sinh là xu hướng thị trường CNTT quan trọng nhất hiện nay. Mike Storiale, Phó Chủ tịch phát triển đổi mới dịch vụ tài chính tại Synchrony cho biết: “Chúng tôi thường thấy các xu hướng ảnh hưởng đến một số bộ phận của tổ chức, nhưng AI có tiềm năng trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi từ văn phòng hỗ trợ sang sản phẩm tiêu dùng và mọi thứ trung gian”.
Storiale cho biết các công nghệ xúc tác như AI tạo ra nhu cầu thay đổi. “Nhu cầu rất thú vị và mở ra tiềm năng to lớn, nhưng cũng tạo ra nhu cầu khiến cho các tổ chức CNTT phải tập trung cao độ vào cách họ ưu tiên và mở rộng quy mô các công cụ cần thiết để trao quyền cho tổ chức, đồng thời chịu trách nhiệm".
Ông nói thêm, điều quan trọng là phải chấp nhận nghịch lý này: “Bạn sẽ cần phải hành động nhanh chóng và đồng thời phải thận trọng”.
Storiale cho biết AI tạo sinh đang thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao mọi thứ từ trải nghiệm của nhân viên đến hoạt động phát triển và trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, ngày càng tập trung vào những gì cần ưu tiên để đảm bảo rằng các DN có đủ nguồn lực và công cụ để đáp ứng nhu cầu của AI tạo sinh.
Ông dự đoán: “Giống như các xu hướng xúc tác khác, chúng ta sẽ thấy sự bùng nổ của các ý tưởng trong thời gian ngắn, sau đó là sự chuyển đổi mang tính đột phá, và cuối cùng là giải quyết các trường hợp sử dụng hiệu quả”. Theo thời gian, chúng ta hy vọng rằng AI tạo sinh sẽ được đưa vào hoạt động giống như các "chất xúc tác" khác trước nó, như Internet, khả năng di động và đám mây".
Lori Beer, CIO toàn cầu tại JPMorgan Chase cho biết AI tạo sinh sẽ cho phép các DN sử dụng dữ liệu với hiệu quả và năng suất cao.
Bà nhận xét: “Vẫn còn ở giai đoạn đầu trong hành trình AI tạo sinh, nhưng đây là bước chuyển đổi. Các nhóm trong các ngành đang đánh giá cách tổ chức của họ có thể sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn. Đối với một công ty như JPMorgan Chase, chúng tôi có một lượng dữ liệu đáng kinh ngạc và dữ liệu thúc đẩy AI, cho phép chúng tôi tạo ra sự khác biệt cao về khả năng, dịch vụ và sản phẩm của mình cho khách hàng, cộng đồng và nhân viên của mình".
Bà tin rằng đối với DN của bà, AI tạo sinh sẽ mang lại mức độ cá nhân hóa cao hơn, thông điệp có mục tiêu hơn, đề xuất phù hợp, báo cáo thu nhập tóm tắt hiệu quả, và quy trình nội bộ hợp lý.
Điện toán lượng tử thâm nhập vào DN
Scott Buchholz, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn DN Deloitte Consulting, dự đoán, mặc dù máy tính lượng tử hiện tại chủ yếu là máy nghiên cứu tiên tiến, nhưng chúng có thể sớm ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của thế giới kinh doanh, giống như AI đã tạo ra sự đột phá tại DN.
Ông nói: “Trong khi các nhà lãnh đạo CNTT vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem nó sẽ ảnh hưởng đến DN của họ như thế nào và khi nào, thì điện toán lượng tử có tiềm năng đáng kinh ngạc để đột phá tại các ngành công nghiệp như năng lượng, tài chính, an ninh mạng, v.v...".
Công nghệ điện toán lượng tử rất phù hợp để xử lý tối ưu hóa, học máy và phân tích dữ liệu. Buchholz cho biết: “Nó có thể hữu ích cho các DN trong nhiều hoạt động, từ tối ưu hóa chuỗi cung ứng và định tuyến phương tiện đến mô hình dự đoán, và định giá phái sinh phức tạp. Máy tính lượng tử cũng có khả năng thay đổi sự hiểu biết và khả năng mô phỏng của người sử dụng cả về hóa học và khoa học vật liệu. Chúng ta có thể sớm đạt đến điểm mà máy tính lượng tử có thể giải quyết được những vấn đề mà các siêu máy tính ngày nay không thể giải quyết được".
Xem xét lại về đám mây lớn
Christian Kelly, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn DN Accenture, cho biết trong hơn một thập kỷ qua, các CIO đã đầu tư vào nhiều “viên đạn bạc” khác nhau mà họ hy vọng sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cấp bách của mình. “Hầu hết các tổ chức CNTT đều áp dụng các công nghệ và mô hình mới ở cấp độ vi mô mà không thay đổi kiến trúc công nghệ của họ - cách họ làm việc hoặc cách họ tương tác với các đối tác kinh doanh thượng và hạ nguồn”.
Những kinh nghiệm trong quá khứ như vậy đã khiến cho nhiều CIO phải xem xét lại các khoản đầu tư vào đám mây hiện tại và làm chậm quá trình di chuyển sang đám mây của họ.
Kelly nói: “Những nhà lãnh đạo này báo cáo rằng, đám mây đã khiến họ chi nhiều tiền hơn so với kế hoạch mà không nhận được ROI (doanh thu trên chi phí) như mong muốn. Điều đó đã xảy ra vì những CIO này đã không thực hiện những thay đổi về cấu trúc cần thiết để khai thác toàn bộ tiềm năng của các công nghệ mà họ theo đuổi".
Bảo mật không tin cậy trở thành tiêu chuẩn
Bảo mật CNTT đang tiếp tục hướng tới mô hình bảo mật không tin cậy, dựa trên ý tưởng rằng mọi thứ bên trong hoặc bên ngoài mạng của DN sẽ không bao giờ được tin cậy hoàn toàn.
Robert Pingel, nhà chiến lược bảo mật công nghệ vận hành tự động hóa công nghiệp tại công ty Rockwell Automation, cho biết: “Mặc dù bản chất không tin cậy không phải là một giải pháp an ninh mạng, nhưng việc triển khai kiến trúc không tin cậy sẽ giúp giảm thiểu và cuối cùng là giảm số lượng các cuộc tấn công an ninh mạng thành công vào một tổ chức”.
Việc duy trì một kiến trúc không tin cậy thận trọng đòi hỏi phải có sự thích ứng liên tục. Pingel cho biết: “Tuyến phòng thủ đầu tiên nằm ở việc đánh giá và kiểm tra lỗ hổng bảo mật thường xuyên để xác định điểm yếu và thúc đẩy cải tiến liên tục”. Việc kết hợp thông tin tình báo về mối đe dọa được cập nhật cũng như các chính sách và biện pháp kiểm soát thích ứng cũng rất quan trọng để luôn cập nhật các mối đe dọa mạng đang phát triển.
Nhiều nhà cung cấp đang giải quyết "xu hướng không tin cậy". Công nghệ giám sát và ghi nhật ký đóng một vai trò quan trọng, cung cấp khả năng hiển thị theo thời gian thực về hoạt động của người dùng và hành vi đáng ngờ.
Pingel cho biết: “Điều này cho phép điều tra và khắc phục kịp thời, ngăn chặn tình trạng vi phạm leo thang. Tính năng tự động hóa hợp lý hóa các tác vụ lặp đi lặp lại như cập nhật kiểm soát truy cập và phát hiện sự bất thường, giúp các nhóm bảo mật rảnh tay thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. Đào tạo nhân viên thường xuyên cũng có thể thúc đẩy văn hóa nhận thức về bảo mật, trao quyền cho mọi người xác định và báo cáo các mối đe dọa tiềm ẩn.
Khả năng phục hồi của mạng
Ron Culler, Phó Chủ tịch chương trình phát triển không gian mạng tại Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Máy tính (CompTIA), cho biết, ngày càng có nhiều CIO đang tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng. Ông nhận thấy rằng khả năng phục hồi của mạng tập trung vào việc duy trì hoạt động của DN khi một cuộc tấn công xảy ra. “Đơn giản, đó là việc giữ cho công ty của bạn tồn tại".
Các cuộc tấn công mạng là không thể tránh khỏi, nhưng thảm họa và tai nạn cũng có thể gây thiệt hại hoặc phá hủy tài sản và dữ liệu kỹ thuật số. Culler cho biết: “Chiến lược phục hồi mạng sẽ xây dựng kế hoạch về cách bạn giải quyết những vấn đề này khi chúng xảy ra”. Giống như giải pháp bảo mật không tin cậy, nhiều nhà cung cấp đang nỗ lực cung cấp cho khách hàng các công cụ và dịch vụ có định hướng phục hồi mạng.
Đạt được khả năng phục hồi mạng bắt đầu bằng việc xác định rủi ro. Culler nói: “Bạn cần biết mình cần bảo vệ những gì và tại sao. Đây không chỉ là vấn đề về hệ thống CNTT của bạn mà còn bao gồm cả các đơn vị kinh doanh cần hỗ trợ và cuối cùng là toàn bộ công ty".
Culler cho biết thêm rằng khả năng phục hồi mạng không phải là trách nhiệm duy nhất của các CIO và bảo mật. Ông giải thích: “Nó đòi hỏi sự ủng hộ và tham gia tích cực của mọi người, từ hội đồng quản trị đến nhân viên. Khi bạn đã xác định được rủi ro của mình, hãy tạo ra các chính sách và kế hoạch, kiểm tra chúng, rút kinh nghiệm từ những sai lầm và bắt đầu lại".
Thử thách quản lý dữ liệu AI
Rebecca Fox của NCC Group cảnh báo rằng, AI đang nổi lên như một thách thức lớn về truy cập dữ liệu. Bà nói: “Khi sử dụng AI ở cấp DN, dữ liệu của bạn được lưu trữ như thế nào và ở đâu cũng như ai có quyền truy cập vào dữ liệu đó là rất quan trọng".
Fox lưu ý, một số nhà cung cấp công nghệ đã tạo ra môi trường AI hạn chế dữ liệu đối với các tổ chức chủ quản. Nhưng bà tự hỏi, liệu khi số lượng dữ liệu phát triển, các tổ chức có thể quản lý quyền đối với những người có thể truy cập dữ liệu nào hay không? Về bản chất, AI có cấu trúc yếu, điều này khiến việc kiểm soát dữ liệu trở thành một thách thức.
“Xóa dữ liệu khỏi mô hình AI không giống như xóa email hoặc bản ghi khỏi cơ sở dữ liệu, nó phức tạp hơn nhiều,” Fox nói. “Nó sẽ đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn mới để quản lý các mô hình dữ liệu AI.”