Chuyển đổi số

Những yếu tố quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Trường Thanh 27/05/2025 20:47

“Chuyển đổi số: Ứng dụng thực tiễn và giải pháp đột phá” là chủ đề hội thảo và là nội dung được bàn thảo chuyên sâu chiều ngày 27/5/2025 trong trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) 2025.

dsc_1000.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Chuyển đổi số không phải một dự án công nghệ, mà là chiến lược phát triển dài hạn

Bàn về chuyển đổi số (CĐS) cho DN tại hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, ông Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, nhiều người nghĩ CĐS là chuyện đầu tư hệ thống, phần mềm, hay nền tảng số. Nhưng yếu tố quyết định sự thành công không nằm ở công nghệ mà ở con người, chính xác hơn là tư duy lãnh đạo.

Ông Lê Quang Minh cho rằng lãnh đạo DN cần xác định rõ, CĐS không phải một dự án công nghệ, mà là một chiến lược phát triển dài hạn. Việc này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ ban điều hành, từ định hướng chiến lược cho đến tổ chức lại mô hình vận hành, văn hóa nội bộ và trải nghiệm khách hàng.

Nếu lãnh đạo không thực sự hiểu và dẫn dắt, CĐS sẽ mãi chỉ là những mảnh ghép rời rạc với việc mua phần mềm nhưng không dùng, lập kế hoạch nhưng không triển khai được”.

Bên cạnh yếu tố lãnh đạo, năng lực khai thác dữ liệu là yếu tố sống còn. “DN nào biến dữ liệu thành quyết định kinh doanh thông minh, DN đó chiếm ưu thế. Nhưng muốn vậy, họ phải đầu tư cho nhân sự, kỹ năng phân tích, và hệ thống tích hợp linh hoạt”, ông Lê Quang Minh nhận định.

CĐS cũng không thể thành công nếu nhân viên không sẵn sàng đổi mới, thử nghiệm và học cái mới.

Không có đổi mới, không có CĐS. Vì vậy, các DN cần xây dựng một văn hóa số, tại đây người lao động được khuyến khích sáng tạo, được đào tạo và có cơ hội chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc”, ông Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong CĐS cần những “con người số”. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số để làm chủ công nghệ, làm việc trong môi trường số được xem là yếu tố quan trọng, cốt lõi, quyết định sự thành công của CĐS tại Việt Nam.

Có hai yếu tố quan trọng để xây dựng “con người số” là: “Nhận thức số” và “năng lực số”. Trong đó, nhận thức số đóng vai trò rất quan trọng. Nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi.

Ngoài ra, để CĐS thành công cần có lộ trình. Theo đó, các DN cần suy nghĩ tổng thể về việc đầu tư cho CĐS, làm theo lộ trình, nhằm nâng cao tính vượt trội, đột phá, hiệu quả.

CĐS, chuyển đổi xanh: Trụ cột giúp DN phát triển bền vững

Cũng tại hội thảo, bà Trịnh Thị Lan, Giám đốc Dịch vụ tư vấn CĐS, Viettel Solutions cho biết thêm cùng với CĐS, DN đồng thời quan tâm chuyển đổi xanh. CĐS và chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đây là sự kết hợp hai xu hướng quan trọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững cho DN, quốc gia và toàn cầu.

CĐS và chuyển đổi xanh là chuyển đổi kép, đang là xu hướng đối với các DN nói chung trong kỷ nguyên số. "Bối cảnh cũng như động lực chính là yếu tố đòi hỏi các DN phải chuyển đổi kép. Chuyển đổi kép cũng chính là thực hiện song song CĐS và chuyển đổi bền vững".

dsc_1003.jpg
Bà Trịnh Thị Lan: CĐS, chuyển đổi xanh là một trong những trụ cột giúp phát triển bền vững trong giai đoạn tới

“Chuyển đổi kép, hay còn gọi là "Digital and Green Transformation", là quá trình thực hiện song song CĐS và chuyển đổi xanh để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây là sự kết hợp hai xu hướng quan trọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững cho DN, quốc gia và toàn cầu”, bà Trịnh Thị Lan chia sẻ.

Trong giai đoạn gần đây, Chính phủ đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các hoạt động về CĐS nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xanh. Mục tiêu của chính phủ là vào năm 2050, Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0. Trong giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu là giảm mạnh lượng khí thải nhà kính, ví dụ như 43,5%, để hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050.

Đồng thời với việc đưa ra mục tiêu, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chủ trương cũng như các hành động, khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong việc CĐS và chuyển đổi xanh.

Theo đó, bà Trịnh Thị Lan nhấn mạnh: “CĐS, chuyển đổi xanh là một trong những trụ cột giúp phát triển bền vững trong giai đoạn tới”.

CĐS là quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để thay đổi căn bản mô hình kinh doanh và phương thức vận hành của tổ chức/DN.

Trong khi đó, chuyển đổi xanh là quá trình thay đổi nhằm hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG), trách nhiệm xã hội của DN (CSR), Net-Zero…

Theo thông tin được Trịnh Thị Lan chia sẻ, đã có 41% DN quản lý chuỗi cung ứng ghi nhận giảm chi phí từ 10 - 19% sau khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Song, nếu DN thực hiện chuyển đổi kép có khả năng tăng trưởng gấp 25 lần so với DN chỉ thực hiện một trong hai.

47% DN Việt Nam đã thực hiện một số hình thức CĐS tính đến năm 2023; 40% DN đã lập kế hoạch và cam kết chuyển đổi xanh, đặc biệt 48,7% coi đây là yếu tố quan trọng.

Vivina: Nền tảng số đa tiện ích của người Việt

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Kết nối và Phát triển Công nghệ Toàn cầu (Globaltech) đã công bố nền tảng số Vivina. Đây là nền tảng số đa tiện ích của người Việt và do người Việt xây dựng, phát triển, mang khát vọng vì một Việt Nam CĐS toàn diện, bền vững và mang bản sắc riêng.

dsc_1054.jpg
Ông Nguyễn Văn Khương: Vivina không đơn thuần là một nền tảng kết nối đa dạng, mà còn là biểu tượng của tinh thần tự chủ công nghệ, sáng tạo và ứng dụng thực tiễn.

Vivina là tên viết tắt của cụm từ Vì Việt Nam. Với bao tâm huyết và nỗ lực nghiên cứu, tối ưu các tính năng, giải pháp và tiện ích với khát vọng kiến tạo một nền tảng số của người Việt, phục vụ cộng đồng người Việt, Vivina hướng đến trở thành siêu ứng dụng đa tiện ích, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về công nghệ, quản trị, dịch vụ và trải nghiệm người dùng.

Đây cũng là nền tảng hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia. Nền tảng số Vivina là công cụ có thể được ứng dụng rộng rãi để thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số" mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khương, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, Vivina tiên phong áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội dựa trên nền tảng công nghệ số hiện tại.

Không chỉ là nền tảng công nghệ, Vivina còn truyền cảm hứng ĐMST, nền tảng hệ sinh thái, nơi có khả năng tổ chức, đồng hành, cùng sáng tạo và cùng có lợi. Trên tinh thần đó, Vivina đóng vai trò là cầu nối công nghệ đến với cộng đồng, góp phần vào mục tiêu xây dựng chính sách số, kinh tế số và xã hội số.

Nền tảng cũng đã tối ưu hóa các tiện ích thông qua kết nối quy mô ngoài, giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline), vừa đa dạng lựa chọn cho người mua, vừa tối ưu tiếp cận khách hàng cho người bán. Đặc biệt, Vivina đảm bảo kết nối hiệu quả với chính quyền, người dân và DN.

Vivina hướng tới trở thành cầu nối giữa các bên, góp phần triển khai hiệu quả nhiều chương trình quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế tập thể; Hợp tác xã; Hỗ trợ người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên; An toàn CĐS; Khởi nghiệp, tạo việc làm; Chuyển đổi xanh; Xúc tiến thương mại; Phát triển vùng miền núi dân tộc…

“Vivina không đơn thuần là một nền tảng kết nối đa dạng, mà còn là biểu tượng của tinh thần tự chủ công nghệ, sáng tạo và ứng dụng thực tiễn. Nền tảng Vivina là minh chứng rõ nét cho khát vọng Việt, vì Việt Nam hùng cường, với niềm tin tưởng rằng người Việt hoàn toàn có thể tạo ra những nền tảng số hữu ích, xứng tầm, giúp cho người Việt và cả hướng tới, đồng bộ cho cả thị trường quốc tế, mang tầm vóc khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Văn Khương chia sẻ.

dsc_1064.jpg
dsc_1077.jpg
Các đơn vị ký kết hợp tác.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết và công bố hợp tác giữa VINASA với GlobalTech - đơn vị chủ quản của Vivina trong việc tạo dựng nền tảng kinh doanh, xây dựng niềm tin và bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số; ký kết và công bố hợp tác giữa Trung tâm mã số mã vạch quốc gia (NBC) với GlobalTech trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ về xác thực thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá và kết nối đối tác với nền tảng số quốc gia đa tiện ích Vivina./.

Bài liên quan
  • Gỡ "khó" giúp doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh đột phá vươn mình
    Các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế địa phương khi tạo ra việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Chuyển đổi số có thể giúp họ phát triển, tiếp cận vốn và tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những yếu tố quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO