Thách thức lớn từ biến đổi khí hậu
Một cuộc khảo sát do Tổ chức CropLife châu Á, Công ty nghiên cứu thị trường PSB Insights phối hợp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực hiện từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022 được công bố cuối tháng 4/2022 vừa qua. Biến đổi khí hậu đang là thách thức cấp bách, trở ngại lớn nhất của ngành nông nghiệp các quốc gia ASEAN sẽ phải đối mặt trong 5 năm tới, trong đó, nông dân là đối tượng chịu tác động lớn nhất.
Theo Tổ chức CropLife châu Á, đã có 35 nhà hoạch định chính sách ở các nước ASEAN đã tham gia cuộc khảo sát này, nhằm giúp các nước ASEAN nhận diện và hiểu rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu với nông nghiệp, sản xuất lương thực và nông dân sản xuất nhỏ để đưa ra những phương thức, giải pháp ứng phó, thích ứng trong tương lai.
Biến đổi khí hậu gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp ở khu vực ASEAN. Đa số các nhà hoạch định chính sách tham gia khảo sát đều thống nhất cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại đáng kể mà khu vực ASEAN sẽ phải tính đến. Khi được hỏi đâu sẽ là những trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực tại quốc gia của họ sẽ phải đối mặt trong 5 năm tới, hơn một nửa (51%) cho rằng quản lý tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là thách thức cấp bách nhất hiện nay, cao hơn đáng kể so với tất cả các thách thức khác.
Họ cũng đưa ra hàng loạt những vấn đề về môi trường mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực đang và sẽ phải đối mặt như: Chất lượng đất, quản lý dịch hại, năng suất cây trồng và cơ hội thương mại nông sản.
Gần như tất cả (95%) các nhà hoạch định chính sách được hỏi đồng ý rằng việc duy trì và cải thiện chất lượng đất là thách thức lớn mà đất nước của họ phải đối mặt hiện nay. Trong khi đó, 91% tin rằng quản lý sâu bệnh, đảm bảo đủ năng suất cây trồng, mở rộng thị trường phù hợp và cải thiện khả năng bán hàng cho nông dân cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nhất trí rằng những thách thức sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Trong khi có sự nhất trí cao rằng mọi thành phần của xã hội đều sẽ chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đa số người được hỏi (hơn 60%) nhận định rằng nông dân là nhóm sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực lớn nhất, đặc biệt liên quan tới năng suất cây trồng/ an ninh lương thực.
Tại Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. Tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán đang hiện hữu ngày càng rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho nền nông nghiệp toàn cầu. Với đất nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực.
Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Dưới tác động của Biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Tiếp tục hợp tác phát triển nông nghiệp xanh
Ngành nông nghiệp của các nước Đông Nam Á đang đứng trước nhưng thách thức lớn về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, giữa một bên là các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và một bên là phương thức canh tác thâm canh cao dù mang lại năng suất và sản lượng nông nghiệp cao trong ngắn hạn, nhưng đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, rủi ro cho người nông dân sản xuất nhỏ... Nhằm khắc phục những hạn chế của phương thức canh tác thâm canh cao phụ thuộc vào các đầu vào hóa học này, nông nghiệp xanh đang được coi như một lựa chọn đúng đắn để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn.
Hiện nay, chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống lương thực An toàn đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu chung của Chương trình là hướng đến một hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp ở Đông Nam Á bền vững hơn, an toàn hơn và toàn diện hơn, thông qua việc khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái để chuyển đổi nền nông nghiệp và hệ thống thực phẩm. Chương trình được triển khai trong 5 năm từ 2020 đến 2025 ở 4 nước Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Vừa qua, hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN+3 lần thứ 22 ủng hộ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính của ASEAN về thực phẩm và nông lâm nghiệp, trong đó có thúc đẩy nông nghiệp xanh, quản lý rừng bền vững.
Ngày 26/10 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 22 đã đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục và cam kết tăng cường hợp tác của ba nước đối tác trong các lĩnh vực lương thực và nông lâm nghiệp. Hội nghị ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 (APTCS) giai đoạn 2016 - 2025 trong các lĩnh vực an ninh lương thực, quản lý rừng bền vững, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống bệnh trên động, thực vật, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng thị trường của các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường hệ thống thông tin và mạng lưới trao đổi tri thức, nghiên cứu và phát triển.
Lãnh đạo các nước ủng hộ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính của ASEAN về thực phẩm và nông lâm nghiệp, trong đó có thúc đẩy nông nghiệp xanh và bền vững và quản lý rừng bền vững, giảm hóa chất nông nghiệp độc hại, nỗ lực khử carbon và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực nông lâm nghiệp… Hội nghị cũng kêu gọi ba nước đối tác tăng cường hơn nữa hợp tác trong các hoạt động khu vực nhằm thúc đẩy nông nghiệp xanh, bền vững và tuần hoàn; xây dựng hệ thống lương thực bền vững và thích ứng; phát triển các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác công tư; ứng dụng nông nghiệp thông minh và kỹ thuật số…
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam rất coi trọng tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN./.