Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí: Chuyển đổi trong cả nhận thức, cách làm và nguồn lực

Hiền Anh (thực hiện)| 17/06/2021 16:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước tác động của chuyển đổi số (CĐS), báo chí nước ta cũng cần thay đổi nhận thức để cùng tham gia vào công cuộc CĐS. Sứ mệnh của báo chí là thông tin và dẫn dắt xã hội. Báo chí tham gia trước hết là để tự cứu mình, sau đó là dẫn dắt công cuộc CĐS của xã hội. Để có cái nhìn rõ hơn về CĐS trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT)

Từng là một người làm báo lâu năm, hiện là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí, ông suy nghĩ như thế nào về CĐS trong báo chí ? Những khó khăn, thách thức mà các cơ quan báo chí gặp phải khi thực hiện CĐS?

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí: Chuyển đổi trong cả nhận thức, cách làm và nguồn lực - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Lâm

Ông Nguyễn Thanh Lâm: CĐS là một xu thế sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, như vậy đương nhiên là tác động đến ngành truyền thông, trong đó có báo chí. CĐS có tác động như thế nào thì đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu phân tích, để từ đó có cách tiếp cận đúng. Báo chí phải đi đầu trong CĐS – đó là ý tưởng, tầm nhìn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, xuất phát từ nhận thức về vai trò, sứ mệnh của báo chí. Bởi vì muốn truyền thông CĐS cho toàn bộ xã hội thì báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu báo chí không hiểu gì về CĐS, thì không thể làm được việc này. Từ đó, có thể thấy cơ quan báo chí hay cơ quan quản lý báo chí đều cần phải nghĩ về CĐS.

CĐS là sử dụng công nghệ số, tiếp cận người đọc theo phương thức mới, lấy người đọc làm tiêu chí, người đọc ở đâu thì báo chí ở đó!

CĐS không đơn thuần là lập ra một tờ báo điện tử. Rõ ràng ta đã thấy những tờ báo in, tạp chí in bây giờ bên cạnh cũng đã có phiên bản điện tử. Phải thẳng thắn nhận ra rằng các phiên bản báo in, tạp chí in sẽ không còn một tương lai rực rỡ như trước đây nữa. Bây giờ nhiều cơ quan báo chí đang giữ phiên bản báo và tạp chí in của mình như là một hoài niệm những năm tháng ngày xưa khi cầm tờ báo đọc, mặc dù biết là nó không hiệu quả, biết là lỗ những vẫn không dám bỏ.

Vì vậy, việc đầu tiên trong CĐS, bắt buộc chúng ta phải có nhận thức rằng sớm muộn thì tất cả các hình thái thông tin truyền thông, trong đó có báo chí phải chuyển lên không gian số, lên không gian Internet toàn cầu để tận dụng được tất cả những ưu việt của công nghệ số hiện nay. Muốn thông tin nhanh, cập nhật kịp thời, được định hướng phân phối đến với người đọc theo công nghệ hiện đại, phù hợp với đối tượng người đọc, giới tính lứa tuổi, sở thích… rồi được trình bày bằng các hình thức đa phương tiện, hấp dẫn… tất cả những việc đó nếu như không có CĐS thì khó có thể làm được.

Nhưng nếu nói như vậy mà ta chỉ lập một tờ báo điện tử là xong thì không phải. Cơ quan QLNN về báo chí khi quan sát các tờ báo đang vật lộn trên không gian mạng nhiều năm nay, nhận thấy rằng lên mạng là một chuyện, còn sống được ở trên đó, tồn tại được, thu hút được người đọc, người xem, mang lại được quảng cáo đủ để nuôi sống mình là chuyện không dễ dàng chút nào. Tuy Internet phát triển ở Việt Nam tương đối nhanh, nhưng nền tảng phân phối nội dung lớn trên toàn cầu đa phần là những nền tảng ở nước ngoài. Điều này cho thấy một vấn đề là nội dung do mình làm ra không dễ phân phối đến người dùng, vì ở đó đã có những nền tảng được hàng tỷ người dùng đang phân phối nội dung, đang điều hướng sự quan tâm chú ý của chúng ta vào những nội dung nhiều khi không phải là nội dung mà chúng ta muốn phân phối trên không gian mạng...

Như vậy câu chuyện CĐS trong báo chí còn là câu chuyện của việc tìm kiếm mô hình phân phối nội dung mà ở đó cơ quan báo chí nói riêng và các công ty nền tảng công nghệ - viễn thông nói chung phải kiểm soát được. Hiện nay chúng ta ít nhiều còn chưanắm được quyền kiểm soát quá trình phân phối nội dung trên không gian mạng do sự lệ thuộc vào những nền tảng ở nước ngoài như Google, Facebook, Youtube…

CĐS của báo chí còn phải gắn liền với việc tìm kiếm và thành công trong việc đưa ra những mô hình kinh doanh mới và nguồn thu mới trên không gian mạng, chứ không chỉ dừng lại ở việc viết nội dung đưa lên không gian mạng để lấy quảng cáo. Mô hình này cũng lại một lần nữa lại bị kiểm soát, chi phối bởi nước ngoài như Google, Facebook, hay những mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới khác. Ở đó vừa có "tệp" người dùng "khủng", lại có quảng cáo, vừa có nội dung do người dùng đưa lên và những loại nội dung khác nữa. Cho nên, nguồn quảng cáo rất quan trọng để nuôi sống những người làm nội dung - trong đó có những người làm báo - thì lại bị phân phối và chảy một cách ít ỏi về phía các cơ quan báo chí, do chúng ta chưa chi phối được.

Đây không phải là câu chuyện công nghệ mà còn là nhận thức. Vì do nhận thức mà chúng ta chậm chân trong một số lĩnh vực, nên mất quyền kiểm soát trong một số lĩnh vực liên quan đến nội dung trên không gian mạng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giành lại được quyền kiểm soát này. Chúng ta là một đất nước có chủ quyền, đông dân, dân số trẻ, nắm bắt nhanh công nghệ xu thế của thế giới, rồi chúng ta có một nền kinh tế cạnh tranh… Chúng ta nắm được nhiều yếu tố đầu vào quan trọng để quyết tâm làm được việc kiểm soát được tất cả luật chơi trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, hiện nay ở Việt Nam có nhiều công ty công nghệ, nhiều nền tảng mạng xã hội, nhiều nền tảng phân phối nội dung do các công ty Việt Nam làm ra. Các công ty này cũng thấy cần thiết là phải cạnh tranh với những "ông lớn" để dành lại thị phần người dùng Việt Nam.

Quan trọng là cần thay đổi nhận thức để cùng tham gia vào công cuộc CĐS. Báo chí tham gia trước hết là để tự cứu mình, sau đó là dẫn dắt xã hội. Vì báo chí là để thông tin và dẫn dắt xã hội trong những công cuộc thay đổi lớn

Việc các nền tảng công nghệ trong nước tham gia phân phối nội dung, trong đó có nội dung báo chí là một kỳ vọng đề ra như một quyết tâm làm bằng được. Các nền tảng trong nước bắt tay với các cơ quan báo chí trong nước để phân phối nội dung thì chúng ta có cơ hội chủ động giành quyền kiểm soát trong việc này. Quan trọng là sự tham gia vào cuộc của các nền tảng công nghệ trong nước và phải hình thành ra ở đâu đó một sự hợp tác, một mô hình kinh doanh ăn chia thu nhập giữa nền tảng trong nước và các cơ quan báo chí trên không gian mạng.

CĐS báo chí hiện nay chưa hình thành thành một chiến lược, nhưng nó đã manh nha những suy nghĩ và tiếp cận như vậy. Thời gian tới với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, chúng ta sẽ phải xây dựng ra một kế hoạch CĐS trong báo chí Việt Nam với các vấn đề như ở trên. Sau đó, các báo và tạp chí, các công ty công nghệ, các nhà quảng cáo, các nhãn hàng lớn của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tham gia góp tiếng nói của mình để hoàn thiện mô hình hợp tác các bên cùng có lợi để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí khi được hỏi về CĐS thường trả lời là: Chúng tôi không biết và không nắm rõ được chương trình này. Chúng tôi đang khó khăn và rằng chúng tôi còn phải "sống" đã. Vậy ông có đánh giá gì về vấn đề này? Cục Báo chí có những hướng dẫn gì để các cơ quan báo chí tham gia vào chương trình CĐS thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Khi nói về CĐS trong báo chí là giúp chỉ ra những vấn đề mà sau đó là sự phối hợp giữa Bộ TT&TT và các cơ quan báo chí, các nền tảng công nghệ trong nước, những nhà quảng cáo, những đối tác khác… cùng nhau giải quyết. Tất cả mọi người cùng bàn bạc để thấy rằng đây là việc có lợi ích chung và thấy được sự cần thiết để làm và nếu như không làm thì chúng ta đứng trước những sự mất mát rất lớn. Do đó, các cơ quan báo chí cần phải nghĩ và quyết tâm làm. Hiện nay Bộ TT&TT đề ra kế hoạch đến tháng 6/2021 sẽ hình thành kế hoạch và chương trình hành động CĐS báo chí. Kế hoạch đó gồm nhiều nội dung như đã nêu ở trên. Trong đó phải làm nhiều việc ở góc độ khác nhau, mà cơ quan báo chí chỉ là một phần.

Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông - Bộ TT&TT có xuất bản cuốn sách "Chuyển đổi số hay là Chết" đã nói rất rõ về CĐS. Nói một cách ngắn gọn là đối với các cơ quan báo chí nói chung nếu không CĐS thì sẽ "không sống được". Vậy cho nên phải nghĩ đến CĐS. Bản chất của CĐS là nhận thức, đầu tiên là chuyển đổi nhận thức rằng đó là việc làm cần thiết và có rất nhiều cách làm phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh và nguồn lực khác nhau và có Nhà nước (các Bộ, ngành) để dẫn dắt và cùng tháo gỡ những khó khăn. Quan trọng là cần thay đổi nhận thức để cùng tham gia vào công cuộc CĐS. Báo chí tham gia trước hết là để tự cứu mình, sau đó là dẫn dắt xã hội. Vì báo chí là để thông tin và dẫn dắt xã hội trong những công cuộc thay đổi lớn.

Mô hình CĐS của cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có khác nhau không? Và khác nhau những gì trong quá trình CĐS thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Không có sự khác nhau giữa Trung ương và địa phương, mà là sự khác nhau của các cơ quan báo chí khi CĐS với 2 vấn đề: một là nhận thức về vấn đề CĐS và hai nguồn lực. Sẽ không thể nào CĐS với nguồn lực kinh tế ít ỏi của các cơ quan báo chí được. Ví dụ như công tác sản xuất và phân phối nội dung, không phải cơ quan báo chí nào cũng có nguồn lực như nhau. Những cơ quan báo chí lớn, có ảnh hưởng lớn, tác động lớn đến dư luận, có vị thế lớn trong làng báo là những cơ quan có nguồn lực vật chất đáng kể thì sẽ phải là những cơ quan trực tiếp vừa nghĩ, vừa đi đầu trong việc này. Vì mình không phải chỉ có sản xuất nội dung, mình còn phải làm chủ phương thức phân phối nội dung và phương thức này bây giờ thay đổi rất nhiều. Các phương tiện hiện nay đa phần là smarphone, smart TV, trên đó có các ứng dụng phân phối nội dung như Youtube, Tiktok và các ứng dụng trong nước…Việc CĐS nhiều khi đơn giản chỉ là làm sao người dùng khi xem, đọc báo trên Internet họ vẫn xem được những chương trình của Việt Nam, những chương trình thiết yếu đối với người Việt Nam mà không bị cản trở. Nếu không làm được, thì những ảnh hưởng của báo chí, của kênh thông tin chính thống sẽ mất dần đi.

Như vậy câu chuyện CĐS chỉ đơn giản là làm sao sử dụng công nghệ số để tiếp cận người đọc theo những phương thức mới lấy người đọc làm tiêu chí, người đọc ở đâu thì báo chí ở đó.

Lộ trình CĐS báo chí như thế nào là phù hợp thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Trước mắt mọi nội dung thông tin chính thống và công cộng đều phải lên không gian mạng. Vậy lên không gian mạng là lên đâu? Lên những nền tảng trong nước là những nền tảng nào? Nếu như lên nền tảng nước ngoài thì ở mức độ nào để: Một là, vẫn có thể khai thác được lợi thế là có nhiều người dùng đang ở sẵn trên không gian đó và kiểm soát được, không lệ thuộc vào các nền tảng nước ngoài?; Thứ hai, là có lộ trình chủ động phân phối nội dung bằng những phương thức khác và bằng nền tảng do chính mình xây dựng; Thứ ba là cùng thuyết phục ngành công nghiệp quảng cáo rằng các cơ quan báo chí Việt Nam, các công ty công nghệ Việt Nam, các nhà mạng viễn thông đã sẵn sàng cho một mô hình hợp tác phân chia lợi nhuận mà ở đó có nguồn tiền đến từ quảng cáo, nguồn tiền đến từ nhiều hình thức khác (có thể có những cá nhân bỏ tiền ra mua nội dung, nhưng ở Việt Nam thì còn là một lộ trình, vì người Việt Nam vẫn thích xem miễn phí trên không gian mạng). Như vậy, chúng ta thuyết phục được ngành công nghiệp quảng cáo rằng chúng ta đã sẵn sàng cho một mô hình hợp tác mà ở đó chúng ta tự phân phối nội dung, phân chia lợi ích và kiểm soát được nội dung cũng như lợi nhuận. Có một tác nhân vô cùng quan trọng nữa không thể bỏ qua trong câu chuyện CĐS, đó là các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cần được đẩy mạnh và hoàn thiện, để hỗ trợ việc trả tiền cho việc thụ hưởng nội dung số, góp phần thay đổi thói quen từ xem miễn phí sang xem có trả phí.

Nếu như đạt được vấn đề nhận thức về chuyển đổi, biết cách cùng làm, cộng với nguồn lực và phương thức chia sẻ lợi ích công bằng nữa thì chúng ta sẽ thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí: Chuyển đổi trong cả nhận thức, cách làm và nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO