Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội
Hiện nay, công tác quản lý và hoạt động của ngành Địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tài nguyên khoáng sản được nâng lên. Công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản đã điều tra, thăm dò, làm rõ tiềm năng, trữ lượng của nhiều loại khoáng sản quan trọng.
Hệ thống pháp luật về địa chất, khoáng sản cơ bản hoàn thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho hay, đã có một số khu vực phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tương đối tập trung, có năng lực về công nghệ, quản trị, thu hồi được tối đa các sản phẩm có giá trị kinh tế, sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, có lợi nhuận kinh tế, xã hội như vùng than Quảng Ninh, vùng quặng đồng, sắt, apatit Lào Cai, thiếc, wolfram Thái Nguyên, thiếc, đá hoa trắng ở Lục Yên tỉnh Yên Bái, Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, một số vùng sản xuất xi măng tập trung, chế biến nguyên liệu và sản xuất vật liệu xây dựng ceramic... Các vùng này có trữ lượng, tài nguyên để phát triển công nghiệp khai khoáng bền vững. Các sản phẩm đều có chất lượng tốt, có thị trường ổn định ở trong và ngoài nước.
Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã phát hiện thêm nhiều vùng, điểm mỏ có triển vọng, trong đó, một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược như: titan, bauxit, đất hiếm, cát trắng... đã được đánh giá; một số khoáng sản có quy mô lớn như: than nâu đồng bằng sông Hồng, quặng urani ở Quảng Nam, quặng bô xít ở Tây Nguyên, quặng titan sa khoáng ven biển từ Ninh Thuận đến Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu... góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản để dự trữ quốc gia; phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp khai khoáng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm hình đến năm 2030 vẫn còn những hạn chế, yếu kém như chưa đạt được một số mục tiêu Nghị quyết đã đề ra; công tác điều tra cơ bản địa chất chưa được quan tâm đúng mức. Chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản chưa đầy đủ; thông tin, dữ liệu còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả. Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết.
Nguồn ngân sách thu từ khoáng sản chưa được quan tâm đầu tư trở lại để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương nơi khai thác khoáng sản; các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản; về vai trò, vị trí của ngành Địa chất và công nghiệp khai khoáng chưa đầy đủ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản chưa tốt; đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp với đặc thù của ngành Địa chất; phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản có quy mô trung bình và nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ.
Sớm xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thực hiện nhiệm vụ Bộ TN&MT giao, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Quyết định Phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo) để trình Bộ, sau đó Bộ trình Chính phủ phê duyệt.
Tất cả các nội dung của Dự thảo đều được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của dự thảo là hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 vùng nước sâu; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và dự trữ quốc gia; đẩy mạnh điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, dữ liệu tin cậy về các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất công trình...), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự thảo cũng chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng; Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; Nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro, hạn chế các dự án đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và hợp tác quốc tế trong điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về dự thảo này, chủ yếu là các kiến nghị có ý nghĩa đóng góp cho 5 mục tiêu cụ thể đã được đưa ra. Tổng cục đã tiếp thu các ý kiến này và đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo theo khung chương trình đề ra.
Trong khi chờ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục tổ chức hai hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan cho các dự thảo; hoàn thành Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để trình Bộ TN&MT phê duyệt. Sau đó, Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình, dự thảo Chiến lược mới, hoàn thiện hồ sơ để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ./.